Dân số trung bình cả nước ước khoảng 94,67 triệu người

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018, dân số trung bình của cả nước ước tính 94,67 triệu người, tăng 988,4 nghìn người, tương đương tăng 1,06% so với năm 2017. Trong đó, dân số thành thị là 33,83 triệu người, chiếm 35,7%; dân số nông thôn là 60,84 triệu người, chiếm 64,3%; dân số nam là 46,79 triệu người, chiếm 49,4%; dân số nữ là 47,88 triệu người, chiếm 50,6%.

Tuổi thọ trung bình của dân số cả nước năm 2018 là 73,5 năm, trong đó nam là 70,9 năm và nữ là 76,2 năm.

Về lực lượng lao động, lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý IV/2018 ước tính là 55,7 triệu người, tăng 286,6 nghìn người so với quý trước và tăng 530,7 nghìn người so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung cả năm 2018, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 55,4 triệu người, tăng 566,2 nghìn người so với năm 2017.

Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý IV/2018 ước tính là 49 triệu người, tăng 289,8 nghìn người so với quý trước và tăng 522,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động nam 26,8 triệu người, chiếm 54,8%; lao động nữ 22,2 triệu người, chiếm 45,2%. Tính chung cả năm 2018, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động của cả nước là 48,7 triệu người, tăng 549,8 nghìn người so với năm 2017.

Trong quý IV/2018, lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc ước tính 54,6 triệu người. Tính chung cả năm 2018, lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 54,3 triệu người. Trong đó, có 20,7 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 38,1% tổng số lao động; khu vực công nghiệp và xây dựng 14,4 triệu người, chiếm 26,6%; khu vực dịch vụ 19,2 triệu người, chiếm 35,3%.

Về tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm, trong quý IV/2018, tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước ước tính là 1,99%; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,18%; tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) là 6,78%. Tính chung cả năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước ước tính là 2,0%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,95%; khu vực nông thôn là 1,55%.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I/2018 là 1,52%; quý II là 1,43%; quý III là 1,45%; quý IV ước tính là 1,44%. Tính chung năm 2018, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 1,46%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản quý I/2018 và quý II là 56,3%; quý III và quý IV là 56,2%. Tính chung năm 2018, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản ước tính là 56,3%, trong đó khu vực thành thị là 48%; khu vực nông thôn là 63%.

Đời sống dân cư nhìn chung được cải thiện

Còn về tình hình đời sống dân cư và đảm bảo an sinh xã hội, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018, đời sống dân cư nhìn chung được cải thiện. Năm 2018, thu nhập bình quân một người một tháng ước tính đạt 3,76 triệu đồng (tăng 660 nghìn đồng so với năm 2016), bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 10,2%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều năm 2018 ước tính 6,8%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm 2017.

Trong năm 2018, thiếu đói trong nông dân cũng giảm mạnh so với năm 2017. Cụ thể, cả nước có 105 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 42,1%, tương ứng với 420 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 43,7%.

Năm 2018, thiếu đói trong nông dân cũng giảm mạnh so với năm 2017

Có được kết quả này là do sự chỉ đạo, điều hành tích cực của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của người dân trong sản xuất như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các ngành nghề để tạo thêm việc làm, đồng thời diễn biến thời tiết khá thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và công tác phòng chống giảm thiểu tác động của thiên tai đã được triển khai đồng bộ ngay từ đầu năm.

Thiếu đói tập trung chủ yếu vào các tháng đầu năm, trong đó, tháng Hai có 34,4 nghìn hộ thiếu đói, tương ứng với 129,3 nghìn nhân khẩu thiếu đói; tháng Năm có 31,5 nghìn hộ thiếu đói, tương ứng với 131,5 nghìn nhân khẩu thiếu đói; từ tháng Sáu cho đến cuối năm, thiếu đói trong nông dân có xu hướng giảm dần. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 7,4 nghìn tấn lương thực và hơn 1,6 tỷ đồng.

Đặc biệt, công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện. Theo báo cáo sơ bộ, năm 2018, tổng kinh phí dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong là 4.977 tỷ đồng. Trong đó, 2.792 tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 1.487 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và 698 tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác. Bên cạnh đó, đã có gần 23,6 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước./.