Qua 28 năm xây dựng và phát triển, các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) và Khu kinh tế (KKT) tại Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong thu hút đầu tư, đặc biệt là FDI, giải quyết việc làm, góp phần hiện đại hoá kết cấu hạ tầng, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế các địa phương và cả nước; đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, thương mại gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng trên biển, biên giới và đất liền.

Thực tế cho thấy, phát triển bền vững các KCN, KCX và KKT là động lực quan trọng nhằm đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH), tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư nói chung và đầu tư nước ngoài nói riêng.

Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã gặt hái được nhiều thành công về phát triển kinh tế - xã hội nhờ phát triển các KCN. Ở Việt Nam, thu hút đầu tư, phát triển các KCN là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước theo tinh thần Đại hội lần thứ VIII của Đảng. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên đã lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai nhiều chương trình kế hoạch về phát triển bền vững các KCN, tạo tiền đề, nền tảng đẩy mạnh CNH, HĐH; thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Trưởng ban Quản lý các KCN Thái Nguyên Phan Mạnh Cường (ngoài cùng từ trái sang) thay mặt Ban Quản lý các KCN đón nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh Thái Nguyên trao tặng

Thái Nguyên là một tỉnh thuộc trung tâm vùng trung du, miền núi phía Bắc và là tỉnh thuộc vùng Thủ đô, Thái Nguyên có nhiều điều kiện thuận lợi về địa lý, kinh tế, chính trị để thu hút đầu tư, phát triển bền vững các KCN, phục vụ mục tiêu CNH, HĐH. Hiện nay Thái Nguyên có 6 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung (có quy mô 1.420ha). Để biến những quy hoạch thành hiện thực, được sự ủng hộ của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của tỉnh Thái Nguyên. Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên đã chủ động phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt chủ trương của Tỉnh về phát triển bền vững các KCN, tạo động lực đẩy mạnh CNH, HĐH.

Đến nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có 5 KCN đi vào hoạt động, cuối năm 2018, các KCN đã thu hút được 200 dự án, trong đó có 105 dự án DDI, với tổng vốn đăng ký trên 15.000 tỷ đồng; 95 dự án FDI, với vốn đăng ký là 7,55 tỷ USD, đạt 97,2% vốn FDI đăng ký trên toàn Tỉnh. Các dự án FDI hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất điện, điện tử, công nghiệp phụ trợ điện, điện tử, cơ khí chế tạo, dệt may và các lĩnh vực đầu tư khác.

Trong số 200 dự án đã đăng ký đầu tư vào các KCN, đến hết năm 2018 có 130 dự án đi vào hoạt động, số dự án còn lại đang đầu tư xây dựng. Các dự án trên đã và đang khẳng định được vai trò trụ cột phát triển bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn như:

Về kinh tế: Giải ngân vốn FDI đạt 6,81 tỷ USD, bằng 90% tổng vốn đầu tư đăng ký. Vốn giải ngân DDI gần 9.000 tỷ đồng, bằng 60% vốn đăng ký; doanh thu hoạt động quy đổi đạt gần 29 tỷ USD; giá trị sản xuất công nghiệp bằng 92% giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tỉnh; kim ngạch xuất khẩu đạt 25,34 tỷ USD, bằng 98% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn Tỉnh; nhập khẩu đạt 12,88 tỷ USD; nộp ngân sách đạt 6.900 tỷ đồng, chiếm 48% so với tổng thu ngân sách toàn Tỉnh…

Công nhân đang làm việc tại Nhà máy Samsung Thái Nguyên

Về xã hội: Các doanh nghiệp KCN trên địa bàn đã giải quyết việc làm cho gần 120.000 người lao động, với mức thu nhập bình quân đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt là giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội khác; hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội như khu ký túc xá, khu vui chơi giải trí, bệnh viện, trường học, các khu tái định cư hiện đại, đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa...

Về môi trường: Các KCN được xây dựng với kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đặc biệt các công trình về bảo vệ môi trường như: Hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn, hệ thống cấp nước, thoát nước, hệ thống công viên cây xanh. Cùng với đó, các doanh nghiệp thứ cấp KCN đều có hệ thống thu gom xử lý nước thải nội bộ và các công trình bảo vệ môi trường đạt chuẩn,... các doanh nghiệp KCN đã dần thay đổi ý thức trách nhiệm, sản xuất kinh doanh gắn với tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường.

Với kết quả trên, có thể khẳng định phát triển bền vững trong các KCN có vai trò, động lực quan trọng đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, mục tiêu này đang mở hướng cho Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững sánh vai cùng cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển bền vững các KCN trên địa bàn Tỉnh cũng còn những tồn tại nhất định như:

Về kinh tế: Chất lượng nhiều dự án đầu tư ở giai đoạn 2000-2012 chưa tốt, hiệu quả kinh tế-xã hội tạo ra chưa cao, chưa tương xứng với mức độ khai thác và sử dụng nguồn lực; một số doanh nghiệp KCN có năng lực quản trị, điều hành sản xuất kinh doanh yếu, công nghệ lạc hậu, chi phí giá thành sản phẩm cao nên khả năng cạnh tranh thấp, dẫn đến thua lỗ kéo dài, thậm chí dẫn đến giải thể, ngừng sản xuất kinh doanh, tốc độ chuyển giao công nghệ và các doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi giá trị còn chậm,...

Về môi trường: Một số doanh nghiệp KCN ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường chưa cao, chưa đầu tư các công trình bảo vệ môi trường, hoặc có đầu tư xây dựng nhưng không đúng báo đánh giá tác động môi trường được duyệt, xả thải trái phép ra môi trường, gây nên những bức xúc trong nhân dân.

Về xã hội: Có doanh nghiệp đã lợi dụng vào hợp đồng thử việc, hợp đồng đào tạo để trốn bảo hiểm hoặc cắt giảm tiền lương chính đáng của người lao động trong thời gian thử việc, ý thức chia sẻ trách nhiệm xã hội chưa cao, tính lương và chế độ chưa hợp lý khi tăng ca hoặc làm ca ba cho người lao động,…

Để các KCN Thái Nguyên tiếp tục phát triển bền vững và là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh CNH, HĐH. Trong thời gian tới, Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên tiếp tục tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, về kinh tế: Tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền Tỉnh về ưu tiên tập trung nguồn vận động ứng trước tiền thuê đất có hạ tầng nộp một lần của các nhà đầu tư thứ cấp vào KCN để bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch gắn với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư; khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

Nâng cao chất lượng quy hoạch phát triển các KCN gắn với liên kết vùng và liên kết kinh tế, bảo đảm tính khả thi cao, rà soát đưa ra khỏi danh mục KCN không khả thi, đề xuất bổ sung những KCN mới có lợi thế so sánh tốt, tính khả thi cao; tăng cường quản lý nhà nước đối với KCN; đổi mới phương thức vận động, xúc tiến đầu tư gắn với mục tiêu thu hút các dự án có quy mô đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại, sản xuất thân thiện với môi trường. Đề cao vai trò xúc tiến đầu tư tại chỗ gắn với tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đã đầu tư vào KCN,…

Thứ hai, về xã hội: Khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tuyển dụng và sử dụng lao động tại các địa phương trong tỉnh; tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp xây dựng và phát triển mối quan hệ lao động hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động; hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đào tạo người lao động, xây dựng nhà ở cho công nhân,…

Thứ ba, về môi trường: Rà soát, đánh giá các quy định, thủ tục về bảo vệ môi trường theo hướng tiết giảm tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực môi trường, đẩy mạnh việc phân cấp và ủy quyền trong giải quyết các thủ tục về môi trường; khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư hạ tầng KCN và doanh nghiệp thứ cấp đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường hiện đại; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và đánh giá thường xuyên việc chấp hành pháp luật, môi trường của các chủ đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp trong các KCN./.