Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ thúc đẩy cải cách

Báo cáo tổng kết năm 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định rằng, với tinh thần đi đầu về đổi mới tư duy và thúc đẩy cải cách, năm 2018 vừa qua, Bộ tiếp tục dám nghĩ, dám làm và dám thực thi các ý tưởng cải cách, nhất là trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật để tạo nền tảng tiếp tục thúc đẩy đổi mới tư duy và cải cách trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hoàn thiện thể chế để tạo nền tảng cho phát triển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Thách thức lớn nhất, đây đều là các dự luật khó với nhiều quy định mới lần đầu tiên có ở Việt Nam. Đó là dự Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công – tư. Cùng với đó là sửa đổi Luật đầu tư công để khắc phục những bất cập trong quá trình thi hành luật, đồng thời phân cấp, giao quyền nhiều hơn cho các địa phương.

Cũng kể từ đầu năm nay, Hệ thống thông tin về đầu tư công điện tử được chính thức áp dụng, đã thay đổi hoàn toàn cách thức làm số liệu, đồng thời tăng cường sự minh bạch trong phân bổ vốn đầu tư công. Trong năm qua, lần đầu tiên, việc đánh giá giữa kỳ Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được triển khai ở 3 miền. Đây là căn cứ để Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Báo cáo để Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội xem xét, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn trong nhiệm kỳ này.

Trong năm qua, lần đầu tiên, việc đánh giá giữa kỳ Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được triển khai ở 3 miền. Đây là căn cứ để Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Báo cáo để Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội xem xét, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn trong nhiệm kỳ này.

Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua là một cải cách sâu rộng công tác quy hoạch ở Việt Nam. Vì kể từ đầu năm nay, lần đầu tiên quy hoạch xây dựng tỉnh sẽ chính thức được bãi bỏ. Cùng với nỗ lực sửa đổi các quy định liên quan đến quy hoạch ở 52 luật, bộ luật và pháp lệnh khác nhau, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đi tiên phong trong việc lập và thẩm định các quy hoạch cấp quốc gia và các quy hoạch vùng. Trong đó, Bộ đã mạnh dạn đề xuất phương án tái tổ chức lại các vùng trong cả nước thành 7 vùng, thay vì 6 vùng như hiện nay.

Là Bộ tham mưu tổng hợp trực tiếp cho Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, năm qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục làm tốt vai trò xây dựng các kịch bản tăng trưởng hàng tháng và hàng quý, cũng như cung cấp các số liệu thống kê chính xác, giúp Chính phủ thực hiện hiệu quả và thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội.

Người dân là trọng tâm của phát triển

Dấu ấn về đổi mới thể hiện rõ nhất trong công tác phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các Bộ, ngành, địa phương. Đó là sự chia sẻ cùng tháo gỡ khó khăn trong huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương chứ không phải quyền anh – quyền tôi, hay xin – cho.

Với phương châm chính sách cần được xây dựng để tất cả được hưởng lợi, không có ai bị đẩy ra bên lề. Người dân là trung tâm của phát triển. Mọi chính sách phải hướng tới hạnh phúc của người dân. Vì thế, những chính sách của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Chính phủ luôn kiên định mục tiêu củng cố nền tảng vĩ mô, khơi thông các động lực tăng trưởng, duy trì đà phát triển của nền kinh tế, cũng như tiếp tục thực hiện quyết liệt ba đột phá chiến lược, đi cùng với đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh thực hiện chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Vào đúng ngày kỷ niệm lần thứ 73 Cách mạng tháng Tám, sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam chính thức được công bố. Đây là chương trình do Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng và chủ trì, lần đầu tiên được tổ chức nhằm kết nối các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài giúp thúc đẩy Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.

Mạng lưới này quy tụ hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia công nghệ tiêu biểu người Việt Nam đang học và làm việc ở nước ngoài, cùng với hàng trăm nhà khoa học, chuyên gia công nghệ trong nước và các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu. Sự liên kết này đã tạo thành một sức mạnh mới giúp Việt Nam không bị lỡ chuyến tàu Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Quan trọng hơn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương phối hợp các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó, xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh so với khu vực và quốc tế nhằm hình thành mạng lưới nhân tài hiến kế cho Việt Nam phát triển.

Cũng tại Diễn đàn cải cách và phát triển lần đầu tiên, Khung chính sách kinh tế Việt Nam, để giới thiệu chính sách và mục tiêu phát triển của Việt Nam trong trung và dài hạn đến năm 2035, với khát vọng trở thành nước có thu nhập trung bình cao với thu nhập bình quân tính theo đầu người đạt 10 nghìn đô la Mỹ, tức là gấp gần 4 lần so với hiện nay, đi cùng với một xã hội hài hòa và tương lai bền vững.

Khung chính sách kinh tế Việt Nam thể hiện chủ thuyết phát triển của Việt Nam đó là “người dân là trọng tâm của phát triển. Mọi chính sách của Chính phủ phải hướng tới hạnh phúc của người dân, cũng như trả lời câu hỏi “Việt Nam đang ở đâu, cần làm gì và như thế nào”. Đây cũng là một thông điệp rõ ràng về quyết tâm xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, hành động và liêm chính để tiếp tục công cuộc đổi mới.

Khung chính sách này cũng thổi lên ngọn lửa khát vọng để các bộ, ngành và địa phương dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhằm đưa Việt Nam, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, cũng như “sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại”.

Với sứ mệnh là kiến trúc sư cho sự phát triển của đất nước, giờ đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực cùng với các thành viên của Tiểu ban kinh tế - xã hội chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm từ 2020 – 2030 cho Việt Nam và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm từ 2020-2025 để trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 của Đảng. Với tinh thần đổi mới tư duy và thúc đẩy cải cách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nỗ lực tìm ra những động lực phát triển mới cho nền kinh tế cũng như những đột phá chiến lược mới để Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh, bền vững và bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau, cũng như sớm thực hiện được khát vọng dân tộc đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế tự cường, thịnh vượng và một nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và tiến tới nước có thu nhập cao vào thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Dám từ bỏ quyền lợi, đặc quyền của mình vì lợi ích chung

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng ngành Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đóng góp lớn, quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của đất nước trong năm 2018.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư là một trong những bộ đi tiên phong, đổi mới cả về tư duy và hành động”, Phó Thủ tướng nhận định. Trong bối cảnh năm 2018, khối lượng công việc của Bộ tăng đột biến, độ khó và phức tạp tăng lên, trong điều kiện dư địa chính sách tài chính, tiền tệ cho tăng trưởng còn eo hẹp lại gặp nhiều thách thức lớn, vừa phải lo cho trước mắt, vừa lo cho trung hạn và lâu dài.

Phó Thủ tướng cũng ghi nhận Bộ có nhiều sáng kiến hơn, như đề xuất xây dựng Đề án về mô hình kinh tế chia sẻ, mạng lưới nhân lực thực hiện Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là chuyển Diễn đàn Phát triển Việt Nam thành Diễn đàn Cải cách và phát triển, đây là sự thay đổi về tư duy.

Phó Thủ tướng nhắc tới việc Bộ đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư công bỏ thủ tục thẩm định nguồn vốn của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hay Bộ đề xuất chuyển một loạt thủ tục tiền kiểm sang hậu kiểm. “Tôi đánh giá cao các đồng chí, từ bỏ quyền lợi, đặc quyền của mình vì lợi ích chung”, Phó Thủ tướng phát biểu.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra với vai trò của ngành là tham mưu chiến lược thì mọi sự tồn tại của nền kinh tế đều có trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đó là những yếu kém trong triển khai đầu tư công cả về thể chế và thực hiện. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, không đạt kế hoạch, vấn đề phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, kinh tế tư nhân còn hạn chế, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, sắp xếp đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt yêu cầu đề ra, trong đó có nguyên nhân về thể chế, chính sách.

Việc triển khai các thể chế kinh tế mới còn lúng túng. Năng lực tự chủ của nền kinh tế được cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu, khoảng cách giữa doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước vẫn còn xa. Còn một bộ phận cán bộ, công chức chưa theo kịp tư duy đổi mới, thận trọng quá mức, sợ sai phạm không dám trình bày ý kiến của mình.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Tiểu ban xây dựng văn kiện Đại hội Đảng XIII tập trung triển khai xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030; xây dựng Đề án về định hướng chính sách thu hút FDI, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về phát triển kinh tế tập thể; tiếp tục xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện các luật.

“Để trở thành nước phát triển thì thành công của quá khứ chỉ là bước đầu. Thành công này là tốt nhưng có thể không bảo đảm cho đất nước trong tương lai nếu không củng cố, phát triển các động lực”, Phó Thủ tướng nêu rõ nhận thức cho ngành Kế hoạch và Đầu tư./.