Đó là một trong những nội dung tại Văn bản số 2563/BGTVT-VT của Bộ Giao thông Vận tải gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam; các cục: Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Hàng không Việt Nam, Y tế Giao thông Vận tải; các sở giao thông vận tải về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng ngừa, ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

Tính đến ngày 19/03, Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ở 20 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Công văn nêu rõ, thực hiện Công văn số 06/BCDD-VPTT, ngày 08/03/2019 của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng ngừa, ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Nhằm chủ động công tác phòng, chống Dịch tả lợn châu Phi rất có thể sẽ lây lan rộng trên địa bàn các tỉnh, thành phố, đồng thời tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị quản lý nhà nước trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình chỉ đạo các lực lượng chức năng trong ngành thực hiện tốt các công việc sau đây:

1-Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.

2-Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của ngành y tế, công an, thú y, quản lý thị trường, hải quan, bộ đội biên phòng, văn hóa, thể thao và du lịch và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia để ngăn ngừa vận chuyển sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc trên các phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách và tại các đầu mối giao thông, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và hàng không và khách du lịch từ các nước đã và đang có dịch bệnh mang thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín đến Việt Nam.

3-Phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật trong phạm vi thẩm quyền đối với các đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về vận chuyển.

4-Xác định trách nhiệm của người đứng đầu các các cơ quan, đơn vị để xảy ra hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hoặc tiêu thụ lợn, các sản phẩm từ lợn nhiễm bệnh Dịch tả lợn châu Phi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ... trên địa bàn, lĩnh vực quản lý.

5-Kịp thời báo cáo Bộ Giao thông Vận tải những vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức, thực hiện.

Trước đó, ngày 21/03/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 302/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan liên quan trong việc phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên toàn quốc. Đồng thời, giúp Thủ tướng Chính phủ phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ với các cơ quan của Đảng, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân nhằm huy động nguồn lực tham gia, hỗ trợ thực hiện kế hoạch khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi…

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến ngày 19/03, Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ở 295 xã , 63 huyện của 20 tỉnh, thành phố. Tổng số heo bệnh và tiêu hủy khoảng 34.874 con. Bệnh Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút bệnh ở mọi loại lợn (lợn nuôi, kể cả lợn cảnh và lợn rừng); lợn bệnh có khả năng chết lên đến 100%, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Hiện nay, trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị; bệnh không lây sang người./.