Thị trường lao động phát triển theo hướng tích cực

Tại Chương trình giao lưu trực tuyến, ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, năm 2018, thị trường lao động phát triển theo hướng tích cực. Số người có việc làm tăng hơn rất nhiều so với năm trước. Đồng thời, những việc làm tạo ra thu nhập góp phần đảm bảo cuộc sống người lao động cũng được quan tâm.

Năm 2019, sẽ hấp thụ số lượng lao động có việc làm lên tới 56 triệu người.

Năm 2019, dự báo là một năm thị trường tiếp tục phát triển theo hướng tích cực trên cả 3 yếu tố, đó là: thể chế, các yếu tố của thị trường và cung cầu cũng sẽ có nhiều hoạt động tạo điều kiện tốt nhất cho người tuyển dụng và người có nhu cầu tìm việc tốt nhất. Và, đây là năm sẽ hấp thụ số lượng lao động có việc làm lên tới 56 triệu người.

Trong đó, loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ thu hút nhiều lao động, khoảng 10 triệu người trong những năm tới... Hiện, lao động trong ngành công nghiệp xây dựng chiếm 70%, dịch vụ chiếm trên 27,8%. Năm 2019, thị trường sẽ chuyển trạng thái từ thâm dụng lao động sang thâm dụng công nghệ và tri thức. Do đó, những ngành phát triển ở khu vực này cần lao động nhiều nhất. Ngoài ra, ngành dệt may và xây dựng cũng vẫn sẽ thu hút việc làm.

Theo ông Trung, hiện nay, vấn đề lao động được xem là đầu vào của phát triển. Nếu như doanh nghiệp không có lao động, thì không thể hoạt động sản xuất, kinh doanh được. Sự gắn kết người lao động và người sử dụng lao động chặt chẽ, nên cần có chính sách hợp lý sử dụng, đãi ngộ, bồi dưỡng và phát huy được yếu tố con người, để người lao động cũng phải thể hiện đóng góp của mình, nâng cao năng lực của bản thân đáp ứng nhu cầu, hướng tới quan hệ lao động hài hòa, ổn định và phát triển.

Nâng cao hiệu quả của các sàn giao dịch việc làm

Bên cạnh đó, ông Lê Quang Trung cũng cho rằng, để cung cấp lao động cho các doanh nghiệp cũng như tạo cơ hội cho người lao động tham gia vào thị trường lao động, thì cần phát huy vai trò của các trung tâm dịch vụ việc làm.

Thực tế hiện nay, tại sàn giao dịch việc làm, có những trung tâm tổ chức 3-4 phiên giao dịch mỗi tuần. Việc tổ chức những phiên giao dịch này sẽ hỗ trợ người lao động trong quá trình chắp nối việc làm, chia sẻ thông tin, gặp gỡ trực tiếp doanh nghiệp. Qua đó, hàng trăm lao động được tuyển dụng vào các doanh nghiệp.

Do đó, để nâng cao hiệu quả của các sàn giao dịch việc làm cần nâng cấp, tổ chức sàn giao dịch, có thể giao dịch bằng online để thuận lợi trong việc kết nối. Đồng thời, tổ chức các phiên giao dịch việc làm theo hướng chuyên sâu, từng lĩnh vực phù hợp với từng doanh nghiệp. Ví dụ, phiên giao dịch việc làm dành cho người khuyết tật, hay cho bộ đội xuất ngũ.

Đặc biệt, do nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động ở một số nơi còn hạn chế, chưa thấy được tác dụng của sàn giao dịch việc làm; thông tin doanh nghiệp đến với sàn chưa cụ thể, chưa rõ và trong thời gian rất ngắn để đưa lên sàn; đồng thời, ở một số thành phố, tỉnh lớn tổ chức thường xuyên phiên giao dịch việc làm, nhưng một số địa phương vùng sâu, vùng xa chỉ tổ chức 3-4 lần/năm. Vì vậy, cần có thời gian dài đủ để người lao động và doanh nghiệp biết.

Trong thời gian tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể cho từng địa phương, cách làm của từng loại hình. Song song với đó, hướng dẫn, tập huấn địa phương làm chuyên sâu sàn giao dịch tổ chức phù hợp nhất. Ngoài ra, hướng tới ứng dụng công nghệ thông tin kết nối 63 tỉnh thành, địa bàn trọng điểm, khu công nghiệp./