Số người có việc làm tăng

Theo Bản tin số 20, quý IV/2018, cả nước có 54,53 triệu người có việc làm, tăng 22,94 nghìn người (0,42%) so với quý III/2018 và tăng 478,4 nghìn người (0,89%) so với cùng kỳ năm 2017; Tỷ trọng có việc làm là nam chiếm 52,39% (tăng 0,45 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2017); khu vực thành thị chiếm 32,75% tổng số người đang làm việc (tăng 0,89 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2017).

Đồng thời, quý IV/2018, cả nước cũng có 23,79 triệu người làm công ăn lương, chiếm 45,14% trong tổng số lao động có việc làm, tăng 823 nghìn người so với quý III/2018 (3,46%).

Trong quý IV/2018, số lượng và tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục giảm. Cụ thể, cả nước có 19,92 triệu người đang làm trong khu vực này, giảm 628 nghìn người so với quý III/2018 và 1,56 triệu người so với quý IV/2017. Số người đang làm việc trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 36,53% tổng số lao động đang làm việc, giảm hơn so với quý III/2018 (37,85%) và quý IV/2017 (39,75%).

Một số ngành có số lượng lao động tăng nhiều nhất so với quý III/2018 và cùng kỳ năm 2017, đó là: công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động dịch vụ khác.

Một số ngành có số lượng lao động mặc dù giảm so với quý III/2018, nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2017, đó là: bán buôn, bản lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục và đào tạo.

Bản tin cũng cho thấy, quý IV/2018, thu nhập bình quân tháng từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương là 5,88 triệu đồng, tăng 93 nghìn đồng (1,6%) so với quý III/2018 và tăng 468 nghìn đồng (8,6%) so với cùng kỳ năm 2017. Nhìn chung, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương trong hầu hết các ngành đều tăng so với quý III/2018.

Thu nhập bình quân hàng tháng của lao động làm công hưởng lương có trình độ đại học trở lên là 8,27 triệu đồng, bằng 1,64 lần so với nhóm không có trình độ chuyên môn kỹ thuật (5,04 triệu đồng). Cũng trong quý IV/2018, có 18,2% lao động làm công hưởng lương thuộc nhóm thu nhập thấp, tăng so với quý III/2018 (17,9%).

Thất nghiệp ở nhóm có trình độ đại học trở lên giảm mạnh

Cũng theo Bản tin số 20, quý IV/2018, cả nước có 1,062 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, giảm 7,6 nghìn người so với quý III/2018 và giảm mạnh 8,81 nghìn người so với quý IV/2017. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi giảm nhẹ, còn 2,17%.

Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Lao động Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, tuy tỷ lệ thất nghiệp của lao động giảm, nhưng theo dõi 3 quý liên tiếp cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp dài hạn có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân là do, công việc mới đòi hòi phải có tay nghề, nên lao động phải đi đào tạo với thời gian dài hơn. Bên cạnh đó, thị trường lao động có xu hướng ổn định, ít lao động nhảy việc hơn, nên việc tuyển dụng lao động cũng khắt khe hơn. Do đó, ông Vinh cho rằng, việc kết nối liên kết giữa các trung tâm dịch vụ việc và đơn vị sử dụng lao động cần khớp nối trong cung - cầu thị trường lao động.

Ông Đào Quang Vinh cho biết, thị trường lao động có xu hướng ổn định, ít lao động nhảy việc hơn

Cùng với đó, trong quý IV/2018, thất nghiệp ở nhóm có trình độ đại học trở lên giảm mạnh với 135,8 nghìn người, giảm 15,9 nghìn người; nhóm có trình độ trung cấp là 68,8 nghìn người, giảm 1,5 nghìn người so với quý 3/2018. Tuy nhiên, thất nghiệp ở nhóm có trình độ cao đẳng lại tăng có 81,4 nghìn người thất nghiệp, tăng 6,2 nghìn người; nhóm có trình độ sơ cấp nghề có 27 nghìn người thất nghiệp, tăng 1,6 nghìn người so với quý III/2018.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất vẫn ở nhóm có trình độ cao đẳng là 4,1%; nhóm có trình độ trung cấp là 2,61%; nhóm có trình độ đại học trở lên là 2,57% và nhóm sơ cấp nghề là 1,51%.

Cũng trong quý IV/2018, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất (2,74%); tiếp đến là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (2,54%); Đông Nam Bộ (2,44%); và Đồng bằng sông Hồng (2,06%). Hai vùng có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất là Tây Nguyên (1,3%) và Trung du miền núi phía Bắc (1,09%).

Ngoài ra, số người thất nghiệp dài hạn (12 tháng trở lên) chiếm 35,42% trong tổng số người thất nghiệp.

Còn về tình trạng thiếu việc làm, quý IV/2018, cả nước có 543,2 nghìn lao động trong độ tuổi thiếu việc làm, giảm 147,9 nghìn người so với quý III/2018 và giảm 205,7 nghìn người so với quý III/2017.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 1,13%, giảm 0,32 điểm phần trăm so với quý trước, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 1,5%, khu vực thành thị là 0,43%. Trong tổng số người thiếu việc làm có 87,07% lao động nông thôn; 70,98% làm việc trong ngành nông, lâm, thủy sản.

Quý I/2019, dự báo năng suất lao động chung tiếp tục được cải thiện

Dự báo về triển vọng thị trường lao động trong quý I/2019, ông Đào Quang Vinh cho biết, GDP quý I/2019 dự báo sẽ tăng 6,58%, một số ngành tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng cao, ổn định, như: ngành công nghiệp chế biến chế tạo (khoảng 14%); bán buôn, bán lẻ (8,22%); dịch vụ lưu trú, nhà hàng (7,55%) kéo theo tăng trưởng việc làm ở những ngành này và một số ngành khác. Bên cạnh đó, năng suất lao động chung tiếp tục được cải thiện, xu hướng ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp sẽ dẫn đến chuyển dịch cơ cấu lao động theo các ngành.

Quý I/2019, dự báo tổng số việc làm đạt khoảng 54,6 triệu, tăng 60,5 nghìn người (0,11%) so với quý 4/2018 và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Một số ngành có nhu cầu việc làm sẽ tăng cao so với quý 4/2018, như: sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (18,4%); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (5,8%); nghệ thuật, vui chơi và giải trí (8,5%).

Ngoài ra, một số ngành dự báo nhu cầu lao động sẽ giảm, như: nông lâm thủy sản (-0,8%); khai khoáng (-7,6%); kinh doanh bất động sản (-8%); hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội (-2,8%); hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình (-7,8%)./.