Sáng ngày 27/06/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức họp báo thường kỳ quý II năm 2019. Ông Vũ Đại Thắng, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì họp báo.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng chủ trì cuộc họp báo

Tiêu chí chọn nhà thầu dự án cao tốc Bắc - Nam

Nhận được các câu hỏi của các phóng viên về vấn đề đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện cao tốc Bắc – Nam, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho biết, thẩm quyền mời sơ tuyển các nhà đầu tư tham gia đấu thầu thuộc về Bộ Giao thông Vận tải.

Đến nay, theo cập nhật, có khoảng 24 nhà đầu tư trong nước và 16 nhà đầu tư nước ngoài mua hồ sơ sơ tuyển 8 dự án cao tốc Bắc - Nam.

8 dự án xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT, gồm: Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Đồng Nai.

Dự kiến tổng mức đầu tư 8 dự án này 104.070 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư Nhà nước 40.360 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng, tái định cư.

"Quan điểm của Bộ là nhà đầu tư trong nước hay ngoài nước đáp ứng tiêu chí, tư cách hợp lý theo quy định về đấu thầu, có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm, giải pháp khả thi đều được tham gia", ông Trương cho biết.

Do cao tốc Bắc - Nam là dự án huyết mạch của đất nước, nên ông Trương nêu thêm tiêu chí chọn nhà thầu là: “Nhà đầu tư đến từ nước ngoài phải đã từng đầu tư thành công dự án tương tự ở nước khác mà họ không mang quốc tịch; không có những vướng mắc, tranh chấp hợp đồng, kiện tụng thì mới được lựa chọn”.

Cung cấp thêm thông tin, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, hiện tại, số nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc quan tâm đến dự án cao tốc Bắc - Nam nhiều hơn các nhà đầu tư Trung Quốc.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa nhận được hồ sơ dự án tâm linh nào!

Về vấn đề các dự án tâm linh được cấp cả ngàn hecta đất, trong khi dân thiếu đất ở đã làm “nóng” nghị trường vừa qua, phóng viên đã đặt câu hỏi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư về trách nhiệm của cơ quan này trong việc thẩm định và cấp phép cho các dự án liên quan đến tâm linh.

Trả lời thẳng thắn về vấn đề này, ông Tăng Ngọc Tráng, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa nhận được hồ sơ dự án nào, mà các dự án này đều do địa phương thẩm định.

Dẫn quy định của Luật Đầu tư, ông Tráng cho biết, các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của các cấp ở các Điều 30, 31, 32 đối với cấp bộ, cấp Thủ tướng Chính phủ và UBND cấp tỉnh.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ chỉ tổ chức thẩm định đối với các dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, các dự án có số lượng di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, 20.000 người trở lên ở các khu vực khác; các dự án này có tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng trở lên, nhưng chưa phù hợp với quy hoạch. Còn nếu phù hợp quy hoạch thì chuyển về UBND cấp tỉnh theo quy định của Nghị định 118.

Ông Tráng cho biết, từ khi Luật Đầu tư có hiệu lực từ 01/07/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa nhận được bộ hồ sơ nào trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án thuộc lĩnh vực này, mà các dự án này thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh.

Cuộc họp báo thu hút được đông đảo sự tham gia của phóng viên báo chí

Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia có thể được đi vào hoạt động từ cuối năm nay

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết, đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ và các hoạt động khác đang được xúc tiến nhằm đưa Trung tâm đi vào hoạt động từ cuối năm nay.

Đồng thời, Bộ cũng đã trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành cơ chế ưu đãi và thể chế vượt trội đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.

Về Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, ông Cương cho biết, mạng lưới này tập hợp các nhân tài, tri thức trẻ Việt Nam trên thế giới, trong đó có nhiều chuyên gia làm việc tại các tập đoàn lớn trên thế giới.

Sau thành công của chương trình năm 2019, năm nay, mạng lưới sẽ có một số hoạt động thêm, xem xét mở rộng mạng lưới này. Mặt khác sẽ mở rộng thêm một số chương trình học bổng, cử nhân tài trong nước đi đào tạo ngắn hạn, trung hạn ở các trường đại học hàng đầu thế giới.

Mạng lưới sáng tạo này sẽ tham gia hoạt động thường kỳ ở Việt Nam như đào tạo, tổ chức talk show, các buổi thông tin tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được thành lập tới đây, hay các trường đại học, nhằm chia sẻ kinh nghiệm, câu chuyện tạo nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ.

Hiện nay, Bộ đang tích cực nghiên cứu, xây dựng Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam (trong Chiến lược này có bao gồm nội dung “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực quốc gia đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0” ).

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ; phối hợp tổ chức thành công Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam 2019 (Vietnam Venture Summit 2019) nhằm thu hút các nhà đầu tư, quảng bá Việt Nam là điểm đến tiềm năng của đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, kết nối giữa các quỹ đầu tư của nước ngoài với cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó, kết nối chặt chẽ hơn Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và thúc đẩy các chính sách trao đổi, hợp tác giữa Chính phủ với các quỹ đầu tư trong tư vấn, tham mưu để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam trên các khía cạnh: đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu triển khai ứng dụng công nghệ...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, sự góp mặt các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đổi mới sáng tạo toàn cầu sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp start-up (đặc biệt về công nghệ) hiện thực hoá các ý tưởng có tính khả thi cao.

Việc kết nối các quỹ đầu tư (hỗ trợ chủ yếu là doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ) là một trong những việc cụ thể, hiện thực hoá chủ trương Đảng và Nhà nước trong việc đổi mới nền kinh tế, mô hình tăng trưởng, theo hướng nâng cao chất lượng đầu tư. Các cơ quan quản lý của Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các chính sách khuyến khích, cải cách thể chế về đầu tư mạo hiểm để các dòng vốn đầu tư mạo hiểm có thể tìm đến các startup một cách thuận lợi nhất.

Giải ngân vốn ODA chậm: Không phải chỉ vì giao vốn chậm

Đó là nhấn mạnh của ông Lưu Quang Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại khi được hỏi về nguyên nhân khiến giải ngân vốn ODA chậm.

Ông Khánh cho biết, hiện nay, mới chỉ có khoảng 48% trong tổng số 60.000 tỷ đồng vốn mà Quốc hội giao được phân bổ. Việc phân bổ chậm lại do một số bộ ngành, địa phương thiếu vốn đối ứng; do một số dự án có nhu cầu vốn lớn nhưng vẫn đang trong giai đoạn làm thủ tục đầu tư, ví dụ như các dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2 TP. Hồ Chí Minh, dự án giao thông đô thị Hà Nội…; và do thiếu kế hoạch vốn của một số dự án trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020.

Điều đáng lưu ý là, trong kế hoạch vốn nước ngoài năm 2019, mặc dù đã có 28.000 tỷ đồng đã được giao, nhưng sau 5 tháng, mới chỉ giải ngân được 2.000 tỷ đồng, tức là chưa đầy 7% số vốn được giao.

Dẫn thông tin tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy giải ngân nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài năm 2019 vừa diễn ra hôm qua, ngày 26/06/2019, ông Lưu Quang Khánh cho biết, các đại biểu đã chỉ ra rất nhiều nguyên nhân khiến giải ngân chậm.

Đó là do chậm hoàn thiện thủ tục đấu thầu; chưa xong thiết kế cơ sở (Bệnh viện chợ Rẫy 2 năm chưa xong thiết kế cơ sở); do chậm giải phóng mặt bằng…

“Chậm giải phóng mặt bằng là vấn đề “thâm căn cố đế” của các dự án đầu tư nói chung chứ không chỉ là đối với các dự án sử dụng vốn ODA”, ông Lưu Quang Khánh nói.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân không kém phần quan trọng khác khiến việc giải ngân vốn ODA bị đình trệ, theo ông Lưu Quang Khánh, là do việc chậm ký kết hợp đồng vay lại Bộ Tài chính.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2019, Quốc hội đã thông qua dự toán vốn nước ngoài cho đầu tư phát triển là 60.000 tỷ đồng, dự toán vốn nước ngoài chi hành chính sự nghiệp là 4.667 tỷ đồng và hạn mức giải ngân cho vay lại chính quyền địa phương là 17.172 tỷ đồng./.