Ngày 24/7, tại tỉnh Yên Bái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội Đảng XIII chủ trì cuộc làm việc của Tiểu ban với các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và TP. Hà Nội.

Toàn cảnh buổi làm việc

Các tỉnh miền núi phía Bắc còn rất khó khăn

Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với khó khăn, mất mát của tỉnh Yên Bái trong đợt lũ lụt vừa qua; đồng thời biểu dương sự cố gắng của tỉnh, khắc phục nhanh hậu quả lũ lụt.

Nhân đây, Thủ tướng nhắc nhở các tỉnh miền núi phía bắc, tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa quan tâm chỉ đạo phòng chống thiên tai, công tác khắc phục hậu quả của mưa lớn, sạt lở đất, nhất là lũ quét, lũ ống, với tinh thần không để ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng của nhân dân.

Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ của Tiểu ban trong việc xây dựng 2 văn kiện quan trọng, văn kiện phải sát thực tiễn. Thủ tướng đề nghị các đại biểu nhận định đúng tình hình, đưa ra quan điểm, mục tiêu, nhất là giải pháp phát triển phù hợp với tình hình mới, cuộc cách mạng khoa học công nghệ trên toàn cầu.

Chín tỉnh miền núi phía bắc cùng Nghệ An, Thanh Hóa, 2 tỉnh có quy mô dân số lớn và TP. Hà Nội cùng ngồi lại để bàn về vấn đề liên kết Thủ đô với các địa phương. Qua cuộc làm việc để tìm được lợi thế so sánh, xác định vị trí chiến lược, kể cả về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, môi trường sinh thái trong bối cảnh biến đổi khí hậu sâu sắc. Đề xuất, góp ý phương hướng, nhiệm vụ, cách làm mới.

Thủ tướng cũng đề nghị làm rõ mối liên kết giữa Hà Nội với các địa phương vùng núi phía bắc và Nghệ An, Thanh Hóa.

Tại buổi làm việc, đại biểu các bộ, ngành, trung ương và các địa phương cho rằng, miền núi phía Bắc là nơi có số hộ nghèo cao nhất và chất lượng cuộc sống thấp nhất, là nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, thiên tai, bão lũ thường xuyên xảy ra, do vậy cần phải đổi mới căn bản chính sách đối với vùng này chuyển mạnh từ chính sách hỗ trợ sang chính sách đầu tư toàn diện; cần ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông; nghiên cứu các cơ chế chính sách đặc thù tạo điều kiện để phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số; gắn tăng trưởng với giải quyết những bức xúc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; có chính sách giao đất, giao rừng, thúc đẩy phát triển rừng; ổn định cuộc sống các khu tái định cư công trình trình thủy điện; có kế hoạch ngăn chặn tình trạng di cư tự do; tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp; thu hút đầu tư, cải cách hành chính.

Đặc biệt, cần phải chăm lo về sức khỏe nhân dân và đổi mới một cách thực sự toàn diện cho giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển kinh tế xã hội gắn với an sinh xã hội; đẩy mạnh liên kết vùng, tăng cường liên kết kinh tế quốc tế…

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh miền núi phía Bắc trong 10 năm qua, người dân trung thành với sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, phát triển kinh tế bền vững, bình quân tăng trưởng 8,6%, cao hơn mức trung bình của cả nước, giảm nghèo từ 4-6%, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, môi trường kinh doanh được cải thiện, thu hút được nhiều dự án.

Thủ tướng nhấn mạnh, đạt được kết quả đó chính là nhờ tinh thần đoàn kết, thống nhất, niềm tin và khát vọng của các địa phương trong vùng.

Thủ tướng nhấn mạnh việc phát triển toàn diện và bền vững cùng với phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng

Cần phát triển bền vững, phát triển xanh

Nhấn mạnh về vai trò của khu vực miền núi phía Bắc, tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An trong bảo vệ chủ quyền quốc gia biên giới, ổn định chính trị, tạo điều kiện phát triển đất nước, Thủ tướng đề nghị cần phát triển toàn diện bền vững, phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng Đảng. Thủ tướng cho rằng, trước hết phải ổn định, nâng cao đời sống nhân dân; giữ gìn đoàn kết dân tộc, khôi phục, phát triển trồng rừng bền vững; giữ đất, ổn định an ninh biên giới, bảo vệ chủ quyền, coi trọng an ninh và an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, các tỉnh miền núi phía Bắc cần phải tìm cách khai thác lợi thế, biến khó khăn thành cơ hội phát triển.

Thủ tướng cho biết Tiểu ban lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, nghiên cứu các mô hình phát triển của các địa phương để hình thành thể chế, định hướng phát triển. Phát huy các lợi thế phát triển, thời gian qua, các địa phương đều tăng trưởng cao hơn mục tiêu đề ra, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, giữ gìn tốt bản sắc văn hóa.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, có một số điểm nghẽn lớn như biến đổi khí hậu, nhân lực, hạ tầng, dân cư thưa thớt, thể chế phân cấp giao quyền… Các địa phương trong vùng còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là địa hình chia cắt, hạ tầng khó khăn và tỷ lệ nghèo cao nhất cả nước.

Nêu quan điểm phát triển đối với vùng, Thủ tướng nhấn mạnh việc phát triển toàn diện và bền vững cùng với phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng. Phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ quan trọng, trước hết cần phải tập trung nâng cao đời sống nhân dân.

Tiếp tục giữ rừng, khôi phục trồng rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững. Ổn định an ninh biên giới, bảo vệ chủ quyền, bảo vệ nguồn nước.

Tìm cách khai thác tối đa các lợi thế so sánh của mỗi địa phương một cách năng động, sáng tạo, biến khó khăn thách thức thành cơ hội, biến những điểm yếu thành lợi thế phát triển, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc đa dạng để phát triển du lịch.

Về phương hướng phát triển, Thủ tướng gợi ý, cần phát triển bền vững, phát triển xanh. Một phương hướng rất quan trọng là khắc phục tồn tại trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương, nhất là chính sách, phát triển để ổn định, phát triển với không gian rộng lớn hơn. Tập trung tháo gỡ một số hạ tầng quan trọng, “điểm nghẽn” mà các tỉnh phản ánh nhiều nhất và đây cũng là điểm mà nhiều địa phương nêu ra tại các cuộc làm việc của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội.

Các địa phương cần chú trọng phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, điều tiết nước và sinh hoạt cho vùng đồng bằng sông Hồng… phát huy lợi thế phát triển kinh tế cửa khẩu. Tập trung bố trí nguồn lực cho đầu tư các kè sông, kè suối biên giới. Khuyến khích, kêu gọi một số dự án đầu tư trong và ngoài nước có quy mô lớn, tạo những cú huých, tác động lan tỏa. Áp dụng nhanh những tiến bộ khoa học-công nghệ, thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 trên tinh thần hợp tác quốc tế sâu rộng.

Đối với các kiến nghị về hạ tầng, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ tập hợp, tổ chức họp Thường trực Chính phủ để xử lý sớm như các kiến nghị liên quan đến đầu tư sân bay Điện Biên, tuyến cao tốc Lạng Sơn-Cao Bằng, tuyến đường Hòa Bình-Mộc Châu…

“Vùng chúng ta, kể cả Nghệ An, Thanh Hóa, tiếp tục có ý chí, khát vọng, quyết tâm, đoàn kết, hành động của từng Đảng bộ là quan trọng nhất. Nhiều việc tưởng chừng như không làm được nhưng quyết tâm cao, ý chí cao, liên tục thúc đẩy thì công việc thành công. Còn việc nhỏ mà không làm thì khó thành công”, Thủ tướng nói./.