Điểm tựa của người lao động

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chính sách mới và là một trong những chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội. Chính sách này được coi là công cụ quản trị thị trường lao động, là chế độ nhằm bù đắp thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm. Quan trọng hơn là tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm cho người lao động.

Người lao động tìm hiểu các thủ tục liên quan đến chính sach chi trả bảo hiểm thất nghiệp

Với những giải pháp đồng bộ, từ việc ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo điều hành, tuyên truyền, phổ biến chính sách; phối hợp tổ chức chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã đạt những kết quả đầy khích lệ.

Số liệu từ Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, số lượng người tham gia và đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục tăng qua các năm, đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng giao.

Năm 2010, năm đầu tiên thực hiện các chính sách hỗ trợ người thất nghiệp, có 162.711 người nộp hồ sơ hưởng các chế độ thất nghiệp; có 156.765 người (96,3%) đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; 125.562 người (77,1%) được tư vấn giới thiệu việc làm và 270 người được hỗ trợ học nghề.

Năm 2018, có 773.387 người nộp hồ sơ; 763.573 người (98,7%) đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; có khoảng 1,39 triệu lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm; 37.977 người được hỗ trợ học nghề để có thể chuyển đổi việc làm.

Cũng theo Cục Việc làm, tổng số tiền thu bảo hiểm thất nghiệp không ngừng tăng qua các năm, tính đến năm 2018, bình quân tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng của người lao động là 4.937.117 triệu đồng, tăng 9,94% so với bình quân tiền đóng năm 2017. Tổng số tiền thu bảo hiểm thất nghiệp năm 2018 là 15.531 tỷ đồng.

Do số người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp tăng, nên tổng tiền chi cho các chế độ bảo hiểm thất nghiệp tăng, trong đó ước năm 2018 chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp là 9.722 tỷ đồng, trong đó chi cho trợ cấp thất nghiệp chiếm 92,8%, chi hỗ trợ học nghề chiếm 0,9%, chi bảo hiểm y tế chiếm 4,1% so với tổng chi cho các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Có thể thấy, khi người lao động bị mất việc, chủ doanh nghiệp không phải mất phí trợ cấp mất việc làm cho người lao động nên họ sẽ sử dụng nguồn lao động thoải mái hơn, tạo động lực phát triển sản xuất. Cũng nhờ có bảo hiểm thất nghiệp, mà gánh nặng ngân sách của Nhà nước khi có thất nghiệp xảy ra được giảm bớt.

Vẫn còn những hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đang từng bước đi vào cuộc sống, hỗ trợ thiết thực cho cả người lao động và người sử dụng lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội; tuy vậy vẫn còn những hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, nhận thức về bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và người sử dụng lao động chưa cao, nhiều lao động chưa nắm rõ thông tin về chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm thất nghiệp, và con số này có lúc cũng lên tới hơn 200 tỷ đồng.

Công tác quản lý lao động vẫn còn nhiều bất cập, hiện chưa đủ công cụ để quản lý, nên rất khó kiểm soát tình trạng việc làm của người lao động. Vẫn còn tình trạng người lao động vừa đi làm vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mặt khác, thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp cũng gặp khó do không kiểm soát được việc người lao động di chuyển nơi ở, nơi làm việc tới địa phương khác.

Ngoài ra, công tác cán bộ tại một số trung tâm dịch vụ việc làm còn nhiều khó khăn. Hiện nay, tại các trung tâm mới chỉ có định suất lao động mà chưa có biên chế chính thức. Đội ngũ cán bộ thường xuyên thay đổi, ảnh hưởng đến chuyên môn.

Sớm hoàn thiện hệ thống các văn bản liên quan đến chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Để chính sách bảo hiểm thất nghiệp đạt hiệu quả tốt hơn, ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, nên sớm hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Trước hết cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm. Công việc này dự kiến tiến hành trong năm 2021, 2022. Hiện nay, Cục Việc làm đang giao các địa phương triển khai đánh giá hồ sơ tổng kết Luật này, làm cơ sở đề xuất cho việc sửa đổi văn bản quan trọng này tới đây.

Cụ thể, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm không chỉ chú trọng các giải pháp xử lý hậu quả đối với người thất nghiệp thông qua chi trả trợ cấp thất nghiệp. Quan tâm hơn đào tạo nghề, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu của công việc mới, giới thiệu việc làm. Xây dựng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của hai bên nhằm tăng cường sự liên kết. Có sự hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm mở rộng diện bao phủ.

Cần hoàn thiện hệ thống tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp. Nâng cao hơn chất lượng hoạt động của các tổ chức dịch vụ việc làm để thực hiện tốt tư vấn/ hỗ trợ việc làm - hướng giải quyết người thất nghiệp một cách bền vững nhất.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp cũng không thể chậm hơn. Qua đó, bảo đảm đồng bộ các yếu tố về công nghệ, kỹ thuật gắn kết với cải cách hành chính, phương thức làm việc trong tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp./.