Cách làm mới trong công tác xây dựng kế hoạch

Tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 25/6/2019, sáng nay, ngày 12/8/2019, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020 cho các tỉnh Duyên hải Miền Trung và Tây Nguyên. Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có đại diện từ Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương thuộc khu vực Duyên hải Miền Trung và Tây Nguyên.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức 4 hội nghị khu vực về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020. Các hội nghị này thể hiện sự đổi mới về công tác lập và xây dựng kế hoạch hằng năm. Cụ thể, nếu so với những năm trước là bộ mời các địa phương lên nghe, thì hội nghị này được tổ chức nhằm hướng dẫn các địa phương trong công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công.

“Đây là cách làm mới để nâng cao hiệu quả, tập trung trong công tác lập kế hoạch, tạo sự chia sẻ lẫn nhau, tạo sự gắn kết trong công tác xây dựng kế hoạch giữa các địa phương”, Thứ trưởng Trung khẳng định.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung phát biểu khai mạc Hội nghị/Ảnh: Lê Tiên

Thứ trưởng Trung cũng cho biết, năm 2019 là năm thứ 2 Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị khu vực về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công, nhưng được các địa phương đánh giá rất cao từ hội nghị trước đó.

Miền Trung và Tây Nguyên là 2 vùng tiềm năng, có thể tạo ra gắn kết để cùng phát triển. Cụ thể, với gần 1.900km bờ biển, miền Trung rất có lợi thế về phát triển kinh tế biển, là cửa ngõ ra biển. Còn Tây Nguyên là nóc nhà của các tỉnh miền Trung, vì thế sự gắn kết giữa hai vùng sẽ tạo sự phát triển cao hơn. Trong kết nối này, quan trọng nhất là kết nối giao thông ngang, kết nối Đông – Tây giữa các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Do vậy, theo Thứ trưởng Trung, việc trao đổi, thảo luận để tìm ra định hướng phát triển giữa hai khu vực là cần thiết và mang lại hiệu quả.

Đồng tình với Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ tin tưởng, việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị triển khai xây dựng kế hoạch tại các vùng của cả nước là cách làm mới, tiên phong trong cải cách, sáng tạo làm cơ sở, kịp thời triển khai kế hoạch năm 2020 và giai đoạn 2021-2025.

“Hiện nay, Thừa Thiên Huế cũng như các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên còn khó khăn về hệ thống hạ tầng, quy mô kinh tế nhỏ, chưa tự cân đối ngân sách, thu nhập bình quân đầu người thấp.

Do vậy, cần có sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của trung ương và các bộ, ban ngành trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của vùng, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt trong huy động và phân bổ các nguồn lực cho vùng năm 2020, giai đoạn 2021-2025, nhằm tạo kết nối mang tính đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nhanh và bền vững, gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển vùng với vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng”, ông Phan Ngọc Thọ kiến nghị.

Ông Phan Ngọc Thọ mong muốn sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của trung ương và các bộ, ban ngành trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của vùng/Ảnh: Lê Tiên

Động lực tăng trưởng của miền Trung – Tây Nguyên còn yếu

Theo ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Kinh tế địa phương và lãnh thổ, thời gian qua, các tỉnh trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước để đảm bảo huy động cao nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Ông Trần Duy Đông khẳng định các tỉnh trong khu vực đã chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư nhà nước/Ảnh: Lê Tiên

Công tác cải cách hành chính đạt được kết quả tích cực. Công tác an sinh và phúc lợi xã hội cũng gặt hái những thành tựu quan trọng, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định, tình hình trật tự giao thông cơ bản đảm bảo.

Mặc dù vậy, động lực tăng trưởng công nghiệp của vùng còn yếu. Trong 14 tỉnh, chỉ có 3 tỉnh là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ năm 2019 có dự án động lực quy mô lớn. Các tỉnh còn lại tốc độ tăng trưởng công nghiệp còn thấp, chưa khai thác được thế mạnh hệ thống cảng biển, sân bay sẵn có. Một số hành lang kinh tế (Đà Nẵng - Quốc lộ 1A và hành lang Đà Nẵng - Quốc lộ 14B - 14D - Nam Giang - Đông-Tây; Dung Quất - Tây Nguyên; Quy Nhơn - Tây Nguyên) chưa phát huy sức hút lớn về công nghiệp, dịch vụ.

Thứ hai, xuất khẩu tăng cao nhưng tỷ trọng còn thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.Theo số liệu của Tổng cục hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng miền Trung chỉ chiếm khoảng 4,76% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Ngoại trừ Đà Nẵng và Khánh Hòa xuất siêu,các tỉnh còn lại trong vùng chủ yếu là nhập siêu.

Thứ ba, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tầu dẫn dắt kinh tế vùng. GRDP đến 2018 chỉ chiếm 6,93% GDP của cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm thời kỳ 2016-2018 là 7,3%/năm (đứng thứ 3 trong 6 vùng kinh tế của cả nước) thấp hơn bình quân vùng (7,62%). Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2019 của 4/5 địa phương tăng trưởng thấp hơn bình quân chung của vùng và cả nước.

Thứ tư, thu ngân sách chưa bền vững, mặc dù tăng cao nhưng số thu một lần, thu không ổn định còn chiếm tỷ lệ lớn, thu từ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu nội địa, chiếm tỷ lệ từ khoảng 22-25%.

Thứ năm, hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng còn yếu và thiếu. Tuyến đường ven biển kết nối các tỉnh và vùng dải bờ biển miền Trung chưa được đầu tư, các tuyến đường ngang nối khu vực ven biển lên Tây Nguyên, khu vực trung du, miền núi các tỉnh chưa được đầu tư mới, nâng cấp.

Thứ sáu, nguy cơ thiếu nước ngọt, nhiễm mặn, đặc biệt tại các tỉnh Nam trung Bộ, Ninh Thuận, Bình Thuận. Nguy cơ ô nhiễm môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp còn cao;

Thứ bảy, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp (tỷ lệ qua đào tạo có cấp chứng chỉ mới đạt khoảng 22-23%); nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động trong những năm tới do dịch chuyển dân số vùng và tỷ lệ già hóa dân số đòi hỏi phải có các giải pháp kịp thời trong thời gian tới.

Thứ tám, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao so với cả nước. Phát triển chưa đồng đều xét trên yếu tố vùng, lãnh thổ giữa các tỉnh trong vùng và nội bộ từng địa phương, ảnh hưởng tới khả năng phát triển Vùng một cách đồng bộ, toàn diện.

Cần xây dựng kế hoạch phù hợp với thực tiễn

Trước thực trạng trên, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân nhấn mạnh, việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 phải vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn, đồng thời phải hướng tới mục tiêu nỗ lực, phấn đấu hoàn thành toàn diện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, nhất là việc đặt mục tiêu của năm 2020. Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, việc tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 cần làm sớm, do đó đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện, đảm bảo chất lượng và tiến độ báo cáo.

Đối với xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2020, ông Trần Quốc Phương kiến nghị, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 về cơ bản bằng năm 2019, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng phương án phân bổ kế hoạch chi chặt chẽ, xác định rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công năm 2020 phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua và tiến độ thực hiện các dự án. Trong đó:

- Bố trí đủ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản còn lại chưa thanh toán, bố trí đủ vốn cho các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2020;

- Ưu tiên bố trí vốn cho dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; thu hồi các khoản vốn ứng trước còn lại của kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020; vốn chuẩn bị đầu tư cho các dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021-2025; vốn cho các nhiệm vụ quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và các Nghị định hướng dẫn; vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư;

- Dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Đối với các dự án khởi công mới, chỉ bố trí vốn kế hoạch năm 2020 cho các dự án thật sự cần thiết đáp ứng đủ các điều kiện: (i) Đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; (ii) Đến ngày 31 tháng 10 năm 2019 có quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công; (ii) Đối với dự án chuẩn bị đầu tư phải có Quyết định phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư đến ngày 31 tháng 10 năm 2019;

- Bố trí kế hoạch đầu tư vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cân đối trong NSNN cho các dự án bảo đảm theo tiến độ đã ký kết với nhà tài trợ, khả năng cân đối nguồn vốn đối ứng, tiến độ giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật Đất đai, năng lực của chủ đầu tư chương trình, dự án và tiến độ thực hiện dự án.

Ông Trần Quốc Phương hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2020/Ảnh: Lê Tiên

Ngoài ra, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và các điểm mới của Luật Đầu tư công, ông Trần Quốc Phương cho biết, trên cơ sở Luật Đầu tư công (sửa đổi) sẽ có hiệu lực có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị về xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo, phân công các đơn vị trực thuộc triển khai một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, tổ chức đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, các kết quả đã đạt được, khó khăn, vướng mắc và các tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện; các nguyên nhân khách quan và chủ quan và bài học kinh nghiệm; trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân; rà soát nhu cầu thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, số vốn ứng trước còn lại chưa bố trí thu hồi trong giai đoạn 2016-2020, số cần thiết bố trí cho các dự án chuyển tiếp chuyển sang giai đoạn 2021-2025.

Hai là, lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phù hợp quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, bám sát các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025 (trong đó có các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu về tài chính, ngân sách, đầu tư) dự kiến trình Đại hội các cấp; Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị; Quyết định số 63/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020.

Về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung lưu ý, trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn, các địa phương cần lựa chọn các dự án ưu tiên, trọng điểm, có khả năng tạo động lực cho tăng trưởng của địa phương và của toàn vùng. Bên cạnh đó, các địa phương nghiên cứu kỹ về nguyên tắc, tiêu chí sử dụng ngân sách nhà nước, đảm bảo nguyên tắc ưu tiên các dự án quan trọng. Thực tế cho thấy vẫn còn nhiều sự mất cân đối trong sử dụng ngân sách.

Ngoài ra, Thứ trưởng Trung cũng cho rằng, quan điểm xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cơ bản sẽ căn cứ vào nội dung của Luật Đầu tư công sửa đổi. Nội dung của Luật Đầu tư công có nhiều điểm mới, đã sửa đổi, tháo gỡ, đơn giản hoá trong thực hiện kế hoạch đầu tư công. Đây sẽ là căn cứ để kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 khả thi cao hơn giai đoạn trước.

“Giai đoạn 2016-2020 là lần đầu tiên chúng ta thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn nên còn nhiều vấn đề, do đó rút kinh nghiệm từ lần đầu tiên này để chúng ta lên kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 tốt hơn, theo tinh thần chỉ đạo của thủ tướng chính phủ tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 29/7/2019”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh./.