Tại cuộc họp các phóng viên, nhà báo đã đặt câu hỏi về trách nhiệm cũng như hành động của cơ quan có thẩm quyền trước việc Trung Quốc cài cắm hình ảnh đường lưỡi bò vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam vào các sản phẩm như phim ảnh, đồ dùng học tập và thậm chí cả đồ dùng ô tô…

Đã xử lý Hội đồng thẩm định phim có hình ảnh “đường lưỡi bò”

Trả lời câu hỏi của phóng viên, liên quan đến việc Trung Quốc cố tình cài cắm bản đồ có hình ảnh đường lưỡi bò vào sản phẩm phim ảnh, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, Bộ đã xử lý việc vi phạm này liên quan đến tổ chức, cá nhân, trong đó có xử lý Hội đồng thẩm định phim và trách nhiệm của cá nhân đứng đầu.

Không để tiếp diễn những vụ việc như vậy, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan liên quan trong Bộ, trong đó có các đơn vị liên quan đến các hoạt động nghệ thuật, đặc biệt Cục Điện ảnh, phải kiện toàn lại nhân sự đối với các bộ phận liên quan đến rà soát về mặt nội dung, cấp phép phim, tăng cường trách nhiệm, có thêm những công cụ hiện đại để rà soát…

“Chúng tôi cũng quán triệt cán bộ trong ngành Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải tăng cường tinh thần cảnh giác, trách nhiệm trong việc thực thi nhiệm vụ. Chúng tôi cũng kiện toàn lại toàn bộ Hội đồng duyệt phim quốc gia; tới đây, ngoài việc thành lập Hội đồng theo quy định hiện hành, chúng tôi cũng xác định đối với những trường hợp cụ thể có thể phải mời thêm chuyên gia ở các lĩnh vực cùng phối hợp và hỗ trợ cũng như tham vấn cho Hội đồng trên các lĩnh vực”, bà Thủy cho biết.

Bà Thủy cũng đề nghị các công ty, doanh nghiệp liên quan đến việc nhập khẩu các sản phẩm văn hoá nói chung, điện ảnh nói riêng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, không thể phó thác trách nhiệm cho các cơ quan thẩm định.

“Như vậy, sẽ có nhiều cơ quan cùng phối hợp, rà soát nội dung, hy vọng tới đây những sự việc đáng tiếc như bộ phim hoạt hình "Everest - Người tuyết bé nhỏ" sẽ được chấn chỉnh”, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy chia sẻ.

Đã dừng ngay việc sử dụng giáo trình có hình ảnh “đường lưỡi bò”

Về việc hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện trong giáo trình của Đại học Kinh doanh và Công nghệ và đã được sử dụng trong thời gian dài, nhưng không bị phát hiện, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ đã yêu cầu Đại học Kinh doanh và Công nghệ dừng ngay việc sử dụng giáo trình này; yêu cầu Trường thực hiện thẩm định lại toàn bộ giáo trình đang lưu hành, đồng thời tiến hành xem xét kiểm điểm và kỷ luật các cá nhân liên quan đúng theo quy định.

Ông Độ cho biết, theo Điều 36 Luật Giáo dục dại học, thì hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn, duyệt giáo trình giáo dục đại học để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập trong cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở thẩm định của Hội đồng thẩm định giáo trình do Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học thành lập.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông tư về việc biên soạn, sử dụng giáo trình có ghi rõ Hội đồng thẩm định giáo trình lựa chọn giáo trình để đưa lên Hiệu trưởng trường xem xét, quyết định.

“Do đó, trách nhiệm của việc này đầu tiên thuộc về Hội đồng thẩm định giáo trình và Hiệu trưởng trường đại học”, Thứ trưởng Độ nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng

Sẽ rút giấy phép nhập khẩu nếu công ty không khắc phục vi phạm

Về vụ việc bản đồ “đường lưỡi bò” trong xe Volkswagen trưng bày tại triển lãm ô tô Việt Nam mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhận định, đây là sự việc mang tính chất nghiêm trọng, vi phạm các quy định về pháp luật hiện hành.

Thứ trưởng Hưng cho biết, ngay khi phát hiện ra sự việc, Bộ Công Thương đã tổ chức làm việc với công ty thương mại nhập khẩu nhãn hiệu ô tô về và yêu cầu giải trình rõ sự việc nêu trên. Sau khi công ty giải trình, thì màn hình định vị có sử dụng bản đồ Trung Quốc mặc định không thể sử dụng tại Việt Nam do khác hệ thống định vị và không có dữ liệu. Công ty đó đã yêu cầu kiểm tra, nhưng sơ suất không phát hiện ra vấn đề này.

Bộ Công Thương cũng đã có văn bản yêu cầu công ty thông báo công khai và triển khai thu hồi toàn bộ ô tô mà công ty đã nhập khẩu để kiểm tra, khắc phục vi phạm.

Công ty cũng phải đảm bảo khắc phục vi phạm đối với toàn bộ chiếc xe công ty nhập khẩu trước ngày 30/11/2019 và đến ngày này, nếu công ty chưa khắc phục xong thì Bộ Công Thương sẽ phải dừng hiệu lực giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô đã cấp cho công ty. Và hằng tuần, công ty phải báo cáo về Bộ Công Thương tình hình khắc phục vi phạm cho đến khi khắc phục xong.

Ngoài ra, công ty cũng phải yêu cầu các nhà sản xuất ô tô nước ngoài có văn bản cam kết không gắn, không cài đặt hoặc gửi kèm theo ô tô bất kỳ thiết bị, tài liệu, hình ảnh nào vi phạm pháp luật Việt Nam.

Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô rà soát tình hình nhập khẩu ô tô và việc gắn thiết bị định vị có sử dụng phần mềm trên ô tô, có báo cáo về Bộ trước ngày 15/11/2019. Các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô này sẽ phải yêu cầu các nhà sản xuất ô tô nước ngoài có văn bản cam kết không gắn, không cài đặt, sử dụng các thiết bị, tài liệu, hình ảnh vi phạm pháp luật thể hiện chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia của Việt Nam.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải rà soát các hợp đồng, các văn bản thủ tục pháp lý, cam kết với người bán hàng để bảo đảm hàng hóa nhập khẩu không gắn, không cài đặt, sử dụng các thiết bị, tài liệu, hình ảnh vi phạm pháp luật thể hiện chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia của Việt Nam.

Khi tiến hành nhập khẩu, doanh nghiệp phải kiểm tra chặt chẽ toàn bộ các xe ô tô trước khi nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam, đảm bảo không gắn và sử dụng bất kỳ thiết bị nào có hình ảnh vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, để ngăn chặn các hành vi tương tự xảy ra trong tương lai, Bộ cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải tăng cường phối hợp trong công tác quản lý ô tô nhập khẩu.

“Cụ thể là đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan kiểm tra chặt chẽ các thiết bị định vị, bản đồ, phần mềm, tài liệu hướng dẫn của các ô tô nhập khẩu, đặc biệt là ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc”, Thứ trưởng cho hay.

Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Đăng kiểm đưa việc kiểm tra nội dung thiết bị định vị, bản đồ, phần mềm, tài liệu hướng dẫn vào quy trình kiểm tra đối với tất cả các ô tô trước khi đưa ra thị trường.

“Đối với một số hàng hóa khác mà chúng ta phát hiện có mang hình ảnh “đường lưỡi bò”, chúng tôi đã làm việc với các doanh nghiệp liên quan. Trước hết là đề nghị dừng và tiến hành thu hồi tất cả mặt hàng đó lại. Thứ hai là tiến hành kiểm tra kiểm soát lại nội dung, xác định mức độ vi phạm và sau đó tiến hành xử lý hành chính và xử lý các vấn đề liên quan. Ngoài ra tùy theo mức độ vi phạm sẽ chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo thẩm quyền”, Thứ trưởng Hưng cho biết.

Để ngăn chặn lâu dài, ngày 1/11, Thứ trưởng cho biết, Bộ Công Thương cũng đã ban hành văn bản yêu cầu tất cả các đơn vị thuộc Bộ cũng như các sở công thương tăng cường kiểm tra, rà soát các hoạt động thương mại trên địa bàn.

Một là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trên địa bàn theo thẩm quyền, theo định kỳ cũng như đột xuất đối với các hoạt động trong ngành công thương từ sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu, thương mại điện tử, xúc tiến thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp hàng hóa có hình ảnh, thông tin về “đường lưỡi bò” và hình ảnh thông tin khác gây ảnh hưởng đến an ninh, chủ quyền quốc gia và vi phạm pháp luật hiện hành.

Hai là, thông báo đến các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động rà soát thông tin các sản phẩm do doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh có hình ảnh, thông tin về “đường lưỡi bò” và hình ảnh thông tin khác gây ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia và vi phạm pháp luật hiện hành.

Ba là, phối hợp với các đơn vị chức năng tuyên truyền đến người dân, người tiêu dùng trên địa bàn để nâng cao ý thức cảnh giác, không mua, không sử dụng và kịp thời phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền đối với các hình ảnh, thông tin về “đường lưỡi bò” và các nội dung liên quan khác gây ảnh hưởng đến an ninh chủ quyền quốc gia và vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam.

“Về lâu dài, chúng ta có thể tiến hành các biện pháp kỹ thuật để lọc ra những hình ảnh mang tính chất như vậy để kịp thời ngăn chặn. Thứ hai là sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này để chúng ta kịp thời triển khai các biện pháp kiểm tra và ngăn chặn sự việc tương tự tái diễn trong tương lai”, Thứ trưởng Hưng nhấn mạnh.

“Chúng ta phải cảnh giác cao độ!”

“Liên quan đến việc này, gần đây một số sản phẩm, ấn phẩm, phim ảnh, ô tô, phần mềm, sách giáo khoa… có hình ảnh “đường lưỡi bò” là việc ta phải suy nghĩ. Chúng tôi rất cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí đã phản ánh việc này”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Dũng, thẩm định phim ảnh để đưa ra công chúng là trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nếu thẩm định không đúng, để xảy ra sơ suất đưa ra công chúng những hình ảnh như vậy thì trách nhiệm là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Còn đối với ô tô nhập khẩu theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, kiểm tra theo lô. Đây là cải cách để tạo điều kiện cho các nhà nhập khẩu. Nhưng trước hết, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi có vấn đề xảy ra. Việc hoàn thiện thể chế, quy định Bộ Tư pháp cũng đã đề xuất với Chính phủ vì từ trước đến nay không xảy ra những việc tương tự.

Còn “Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có trách nhiệm khi kiểm duyệt giáo trình”, Bộ trưởng Dũng chỉ rõ.

Theo Bộ trưởng, chúng ta phải khuyến cáo người dân khi dùng sản phẩm nước ngoài vì không thể để xảy ra việc phát tán những sản phẩm có “đường lưỡi bò” tràn lan trên lãnh thổ Việt Nam.

“Chúng ta phải cảnh giác cao độ”, Bộ trưởng lưu ý./.