Mới đây, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trả lời các nội dung liên quan đến việc tinh giản biên chế; việc có nên duy trì phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thi xét nâng ngạch; triển khai Đề án trả lương theo vị trí, việc làm; xử lý trong sai phạm tuyển dụng…

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn

Không tinh giản biên chế theo kiểu “cào bằng”

Đồng tình với quan điểm không nên giảm biên chế theo kiểu “cào bằng” của đại biểu, Bộ trưởng chỉ rõ, thực tế, chỉ tiêu tinh giản biên chế của Chính phủ không quy định “cào bằng”, mà giảm trong tổng biên chế của địa phương và ngành quản lý.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Tân cho biết, nhiệm vụ đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp trong các cơ quan hành chính là khả thi. Trong hai năm vừa qua, Bộ Nội vụ kết hợp với Bộ Tài chính đã cắt giảm biên chế ngay 2% mỗi năm và Bộ Tài chính cắt giảm về kinh phí để chi thường xuyên cũng 2%.

“Đến cuối 2020, chúng ta sẽ đạt 8,85%, chỉ còn gần 1,3% là đạt chỉ tiêu đề ra” - ông nói và cho rằng kết hợp với việc sắp xếp đơn vị hành chính, giảm số lượng công chức cấp xã và HĐND cấp xã, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được tỉ lệ giảm 10% đối với công chức.

Riêng đối với lĩnh vực viên chức, Bộ trưởng đề nghị có một nghị định riêng về vấn đề viên chức.

Hiện nay, Bộ trưởng cho hay, chỉ mới giảm được 4,26% viên chức. Nếu tăng thêm 29.300 viên chức và sắp tới theo đề nghị của các địa phương tăng thêm khoảng 1.000 viên chức giáo dục, y tế, thì gần như 5 năm qua, không giảm được một biên chế nào.

“Cần phải có tính toán để các địa phương cùng với Bộ Nội vụ tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới và phải cương quyết thực hiện được chủ trương của Đảng về vấn đề tinh giản biên chế. Không làm được việc này đồng thời với việc không thực hiện được cơ chế tiền lương từ năm 2021” - ông Tân nói.

Công chức sẽ không còn phải khổ vì chứng chỉ

Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) đặt câu hỏi nêu tình trạng việc tổ chức thi, xét thăng hạng, nâng ngạch công chức, viên chức chưa rõ ràng, có nhiều bất cập, nhất là yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học…

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, việc yêu cầu phải có văn bằng chứng chỉ trong thi nâng ngạch, xét thăng hạng và cả quy trình bổ nhiệm là phiền hà.

Liên quan đến vấn đề kiểm soát chất lượng các chứng chỉ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng có nhiều cách tháo gỡ như tổ chức thi tin học, ngoại ngữ trên máy tính, sát hạch bằng tiếng Anh; đồng thời khẳng định sẽ đưa vào triển khai các phương pháp này để loại bớt thủ tục hành chính hiện đang quá nhiều.

Riêng vấn đề tin học, ngoại ngữ, Bộ trưởng làm rõ thêm trước các đại biểu: “Trong Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 đã nói rất rõ về tiêu chuẩn văn bằng ngoại ngữ là phù hợp với từng vị trí việc làm. Chúng ta quy định về tuyển dụng công chức bằng cấp bằng ngoại ngữ là như nhau, chỉ là từng vị trí phải có chứng chỉ, văn bằng, bằng cấp khác nhau. Đặc biệt thực hiện chủ trương của Nghị quyết 26 là phải có tỉ lệ nhất định làm việc trong môi trường quốc tế, nên từ cấp vụ trở lên phải đủ điều kiện”.

Nhận khuyết điểm trước Quốc hội khi quyết định phải có chứng chỉ khi xét ngâng ngạch được triển khai từ năm 1993 đến nay và hiện vẫn chưa sửa, Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu: “Chúng tôi cam kết với Quốc hội vào năm 2020, sau khi Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, chúng tôi sẽ sửa ngay và chúng tôi sẽ thực hiện các quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định của Đảng không thêm bất cứ một hồ sơ, thủ tục nào nữa, không còn là gánh nặng đối với cán bộ, công chức nữa”.

Trả lương theo vị trí việc làm, chức danh lãnh đạo

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, từ năm 2021 sẽ thực hiện trả lương theo vị trí việc làm và trả lương theo vị trí chức danh chức vụ lãnh đạo.

Về vấn đề trả lương theo vị trí làm việc, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay, Bộ Chính trị đã giao cho Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan chủ trì thực hiện xây dựng Đề án vị trí việc làm, xây dựng chức danh tương đương để thực hiện theo cơ chế tiền lương, trả lương theo vị trí việc làm và trả lương theo chức vụ lãnh đạo quản lý. Với chức năng, nhiệm vụ, Bộ Nội vụ được phân công thực hiện việc hướng dẫn cho các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Chủ tịch nước để xây dựng Đề án vị trí việc làm các cơ quan hành chính.

Ban Tổ chức Trung ương sẽ hướng dẫn xây dựng Đề án vị trí việc làm của các cơ quan khối Đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị, xã hội.

Đối với các bộ, ngành, thì sẽ tiến hành xây dựng Đề án vị trí việc làm và thang bảng lương cơ cấu từng vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị mình…

Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp vị trí việc làm, tổng hợp chức danh tương đương và tổng hợp thang bảng lương của các bộ, ngành để trình với Bộ Chính trị. Bộ Chính trị sẽ cho ý kiến và làm cơ sở cho năm 2020 sẽ tiến hành xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để chuẩn bị thực hiện chế độ tiền lương năm 2021.

Trả lời câu hỏi được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, là vấn đề thi tuyển chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp không còn phù hợp và cần thiết nữa, Bộ trưởng Tân cho biết, khi thực hiện trả lương đối với những người có chức danh, chức vụ lãnh đạo sẽ trả lương theo chức danh tương ứng để giữ ngạch công chức.

“Trong hai hình thức xét nâng ngạch hay thi, thì nếu xét trong điều kiện công chức không giữ chức danh quản lý, nhưng có thâm niên công tác và có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để nâng ngạch với một thời gian nhất định chúng ta có thể xét nâng ngạch còn nếu công chức muốn thi vào vị trí việc làm có ngạch cao hơn, thì tổ chức thi vào vị trí việc làm để công nhận là cao hơn”, Bộ trưởng Tân cho biết thêm.

Hồ sơ đẹp, nhưng đến khi đề bạt mới thấy… có vấn đề

Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) về quy trình tuyển dụng cán bộ chặt chẽ nhưng tại sao lại để lọt những cán bộ sai phạm đạo đức công vụ; đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình) về những sai phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ chưa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện, bổ nhiệm quá số lượng quy định… Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, để tuyển dụng, đã làm rất chặt các quy trình, từ chủ trương, tiêu chí, điều kiện…

“Nhưng, quan trọng là chúng ta không nắm được cán bộ. Từ đó, dẫn đến việc chọn không đúng người, không hiểu được cán bộ thậm chí không nắm được những vấn đề sai phạm của cán bộ”, Bộ trưởng thừa nhận.

Bên cạnh đó, việc quản lý hồ sơ của cán bộ, công chức cũng lỏng lẻo, có những cán bộ khai không trung thực mà không phát hiện được. Nhiều hồ sơ được cơ quan có thẩm quyền chuyển đến cơ quan, tổ chức rất lâu, nhưng không được xác minh mà đem cất vào tủ.

“Từ đó, xảy ra tình trạng hồ sơ cái gì cũng đẹp hết, đến khi đề bạt bổ nhiệm rồi mới thấy có vấn đề, học hành không đàng hoàng, rồi khai gian lý lịch..”, Bộ trưởng Tân cho biết.

Để khắc phục hiện trạng này, theo Bộ trưởng, hiện Bộ Nội vụ đã giao cho các cơ quan và người làm công tác tham mưu tổ chức khi nhận hồ sơ cán bộ phải thẩm tra, xác minh lại trong việc xem xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chứ không phải chỉ thấy có chữ ký của vụ trưởng tổ chức, chữ ký của cơ quan, đơn vị gửi đến coi như có trách nhiệm thuộc cơ quan đó.

Về vấn đề sai phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, căn cứ Kết luận 43 và Kết luận 48 của Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ đã có văn bản yêu cầu tất cả 63 tỉnh, thành phố và các đơn vị của Trung ương làm báo cáo bước đầu tự kiểm tra về kết quả sai phạm về công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng.

Bộ trưởng nhấn mạnh, sai phạm trong tuyển dụng chiếm nhiều nhất trong các sai phạm khác. Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, có những tỉnh sai phạm về tuyển dụng trên 1.700 trường hợp, có tỉnh chỉ vài ba chục trường hợp, vài trăm trường hợp mà nguyên nhân là do các chính sách đặc thù của từng địa phương.

Một số địa phương có chính sách tuyển dụng không phù hợp với các quy định của pháp luật, nên Bộ Nội vụ đề nghị giải quyết theo thông báo Kết luận 43 của Ban Bí thư.

Bộ trưởng cũng cho biết, nhiều đồng chí sai phạm là cán bộ cấp cao, vì thế việc xử lý vấn đề này hết sức nhạy cảm và phải xử lý theo từng tình huống phù hợp, vừa bảo đảm tính nghiêm minh pháp luật, vừa bảo đảm sự ổn định chính trị và đặc biệt chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp.

“Lãnh đạo Ban tổ chức Trung ương đã tổ chức cuộc họp, thống nhất rất cao đề nghị của Bộ Nội vụ là phải giải quyết cái gốc của vấn đề đặt ra cho tuyển dụng, không giải quyết được gốc của tuyển dụng các bước tiếp theo sẽ vướng mắc”, Bộ trưởng báo cáo Quốc hội./.