Ngày 12/11/2019, CIEM tổ chức hội thảo: “Tiêu chí chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công cho khu vực ngoài nhà nước trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư” do TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng phụ trách CIEM chủ trì.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh cho biết: Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/2018/NQ-CP, trong đó yêu cầu các bộ, ngành có chương trình hành động nghiên cứu chuyển giao cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội có đủ năng lực đảm nhiệm một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà các cơ quan hành chính nhà nước không nhất thiết phải thực hiện. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao cho CIEM chủ trì và phối hợp với các đơn vị trong Bộ thực hiện nghiên cứu và xây dựng Đề án.

Phó Viện trưởng phụ trách CIEM TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh phát biểu tại hội thảo.

Triển khai nhiệm vụ trên, CIEM đã có những nghiên cứu ban đầu và tiến hành khảo sát ở một số địa phương. Đến tháng 8/2019, CIEM đã tổ chức hội thảo đưa ra một số kết quả nghiên cứu ban đầu và nhận được góp ý của đa phần các đại biểu là cần thiết phải xây dựng các tiêu chí để có thể chuyển giao một số nhiệm vụ hành chính công cho các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội có đủ năng lực đảm nhận.

“Trên cơ sở góp ý của các đại biểu đưa ra tại hội thảo lần trước, CIEM đã dự thảo một số tiêu chí và mục đích của hội thảo hôm nay nhằm trao đổi chuyên sâu để có thể lựa chọn ra một số tiêu chí làm căn cứ cho việc thực hiện chuyển giao một số nhiệm vụ hành chính công trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư”, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh nhấn mạnh.

Giới thiệu về đề án nghiên cứu với các đại biểu tham dự hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội CIEM cho biết, phạm vi của đề án tập trung vào 4 lĩnh vực dịch vụ hành chính thuộc chức năng quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được đề xuất triển khai là: Dịch vụ hành chính về đầu tư tại Việt Nam ở cấp tỉnh; Dịch vụ hành chính về đấu thầu ở cấp tỉnh; Dịch vụ hành chính về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp ở cấp Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cấp tỉnh; Dịch vụ hành chính về đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ở cấp tỉnh.

Để lựa chọn một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công hoặc một số khâu/công việc trong thủ tục hành chính có thể chuyển giao cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội có đủ khả năng tham gia thực hiện, Dự thảo Đề án đưa ra các tiêu chí. Đó là, Thủ tục hành chính có nhu cầu cao từ phía người dân, doanh nghiệp, số lượng thủ tục hành chính giải quyết nhiều trong năm; Có tính hấp dẫn đối với doanh nghiệp, tổ chức xã hội; Có doanh nghiệp, tổ chức xã hội đủ năng lực quan tâm và tham gia; Đảm bảo an ninh, an toàn, hiệu quả, thuận tiện, không buông lỏng quản lý nhà nước khi chuyển giao cho tư nhân thực hiện…

Góp ý cho Dự thảo Đề án, bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng, nguyên Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, mục đích của chuyển giao là giúp người dân thuận tiện trong việc tiếp cận dịch vụ hành chính công với các chi phí có thể chấp nhận được và hoàn toàn được hưởng dịch vụ hành chính công đó chứ không phải cái gì cũng bắt người dân mỗi khi chuyển giao lại phải trả thêm tiền. “Do đó, trong đề án trước hết phải đưa ra quan điểm, bám sát và quán triệt ngay từ đầu đó là vai trò của nhà nước. Làm sao phải đảm bảo việc thuận tiện, thông suốt và chi phí mà người dân có thể đáp ứng được, chứ không phải là chúng ta đưa ra cho khu vực tư nhân hay các tổ chức khu vực ngoài nhà nước sau đó bảo là vì thế nên dịch vụ hành chính công của chúng tôi lên giá. Điều đó không thể chấp nhận được”, bà Hồng nhấn mạnh.

Cũng theo bà Hồng, trong đề án, bên cạnh việc giao thì phải có phần riêng về nâng cao vai trò giám sát, kiểm tra của nhà nước trên cơ sở “mở”, tức là phải có sự phản hồi, kênh phản hồi trực tiếp của người dân đối với các dịch vụ hành chính công cung ứng. Có như thế, vấn đề xã hội hóa thủ tục hành chính công mới thực sự đạt hiệu quả.

Tại hội thảo, từ kinh nghiệm xây dựng các thủ tục hành chính công ở đơn vị mình, ông Nguyễn Văn Chử (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, CIEM cần xem xét lại cách tiếp cận khi triển khai xây dựng Đề án, bởi bản chất của nội dung là cải cách thủ tục hành chính, mà cụ thể là rà soát, đơn giản hơn về các thủ tục hành chính. Do đó, CIEM có thể rà soát từ 300 thủ tục hành chính, xem xét lại 11 thành phần thủ tục hành chính; trình tự thực hiện, thành phần nộp hồ sơ như thế nào và thành phần hồ sơ, thủ tục nào bỏ được thì bỏ, thủ tục nào cần thiết chuyển giao cho cơ quan khác thì chuyển giao và khi chuyển giao phải kiểm soát được đầu ra./.