Ngày 19/11/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 1656/QĐ-TTg điều chỉnh mức cho vay quy định tại Khoản 1 Điều 5 Quyết định số 157/2007, ngày 27/09/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.

Từ 01/12/2019, học sinh, sinh viên có thể vay tối đa 2,5 triệu đồng/tháng

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền cân đối, bố trí vốn cho vay, vốn bù cấp chênh lãi xuất và phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai thực hiện Chương trình sau năm 2020 theo quy định của pháp luật.

Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm thực hiện cho vay, giám sát, thu hồi nợ vay theo quy định của pháp luật hiện hành, trong phạm vi tăng trưởng kế hoạch tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ giao hàng năm; tự cân đối nguồn vốn thực hiện từ nay đến năm 2020 trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2019, áp dụng đối với các khoản giải ngân mới kể từ khi quyết định này có hiệu lực thi hành.

Theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 29/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, thì đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi gồm:

- Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động.

- Học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: Hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật; Hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật.

- Học sinh, sinh viên mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

Về lãi suất cho vay, theo Quyết định số 853/QĐ-TTg ngày 03/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ, lãi suất cho vay đối với học sinh, sinh viên là 0,65%/tháng (7,8%/năm), bằng mức lãi suất cho vay hộ nghèo, thấp hơn lãi suất cho vay các đối tượng chính sách khác như: lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo (10,14%/năm); lãi suất cho vay hộ gia đình tại vùng khó khăn và cho vay thương nhân tại vùng khó khăn là (10,8%/năm). Việc quy định lãi suất cho vay nói trên không hàm ý đánh đồng cho vay học sinh, sinh viên với hộ nghèo mà là sự sắp xếp vào nhóm được hỗ trợ cao hơn; cùng nhóm này có các loại chương trình khác như: Chương trình cho vay giải quyết việc làm; Chương trình cho vay đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động. Ngoài ra, nếu học sinh, sinh viên trả nợ trước hạn sẽ được giảm 50% lãi suất cho vay. Đây là chính sách hỗ trợ của Nhà nước để tạo điều kiện cho con, em các gia đình, các hộ gia đình khó khăn về tài chính có nguồn tài chính để theo học.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến cuối tháng 08/2019, chương trình tín dụng hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có dư nợ đạt 11.038 tỷ đồng, chiếm 5,5% tổng dư nợ với trên 414 nghìn khách hàng còn dư nợ. Doanh số cho vay giai đoạn 2016-2019 đạt 6.908 tỷ đồng, với gần 199 nghìn học sinh, sinh viên được vay vốn đi học./.