Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ của ngành Nội vụ năm 2019 đã diễn ra sáng ngày 27/12/2019. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị

Sau 4 năm, đã tinh giản biên chế 50.547 người

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, năm qua công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, được Bộ Nội vụ ưu tiên tập trung thực hiện.

Từ đầu năm đến nay, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV thông qua 02 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8. Chủ trì, xây dựng trình cấp có thẩm quyền: 07 nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 01 nghị quyết của Chính phủ, 05 nghị định, 05 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đã ban hành 14 thông tư theo thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Việc đẩy mạnh công tác phân cấp, ủy quyền cho các bộ, ngành và địa phương bước đầu đạt được kết quả tích cực, thúc đẩy tính độc lập, chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị; chính sách tinh giản biên chế bước đầu góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm nguồn chi trả ngân sách, giảm chi thường xuyên, cải cách tiền lương, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được của ngành Nội vụ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác của ngành Nội vụ còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục, trong đó, một mặt khó khăn, thiếu sót do sự chồng chéo của những văn bản quy định, mặt khác do chính sự chủ quan, năng lực của đội ngũ công chức của các cơ quan tham mưu giúp việc.

Trình bày Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 của Bộ, ngành Nội vụ tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, năm 2019, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm so với năm 2015. Trong đó, tại 63/63 địa phương giảm 4,26%, tại 20/22 bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) và 8/8 cơ quan thuộc Chính phủ giảm 11,85%. Từ năm 2015 đến ngày 20.12.2019, cả nước đã thực hiện tinh giản biên chế 50.547 người.

Về xây dựng chính quyền địa phương, địa giới hành chính, Bộ Nội vụ đã tập trung hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, nhưng không đạt 50% cả hai tiêu chí diện tích và dân số. Đến ngày 25/12/2019, Bộ Nội vụ nhận được hồ sơ đề án của 42/45 địa phương, đã tổ chức thẩm định hồ sơ đề án của 40 địa phương; đã trình Chính phủ thống nhất hồ sơ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 40 địa phương; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua đề án của 21 địa phương; dự kiến sau khi sắp xếp giảm 6/713 đơn vị hành chính cấp huyện và 560/11.160 đơn vị hành chính cấp xã.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cho rằng, vẫn còn tồn tại những hạn chế và bất cập, nhất là trong công tác đề bạt, bổ nhiệm, quản lý, sử dụng, luân chuyển cán bộ, công chức ở một số bộ, ngành, địa phương chưa đúng quy định, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm niềm tin của nhân dân. Chất lượng tham mưu của đội ngũ cán bộ, công chức chưa cao, các biện pháp giải quyết chưa đạt yêu cầu.

“Một số cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức và người dân chưa thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, vẫn còn có những biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu; công tác phối hợp giữa bộ, ngành và địa phương trong việc giải quyết công việc chưa được chưa tốt…”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh.

Từ 2021, khẩn trương thực hiện cải cách chính sách tiền lương

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu, năm 2020, Bộ Nội vụ cần tiếp tục tập trung công tác xây dựng thể chế, rà soát sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, mà Bộ Nội vụ được phân công, phấn đấu xây dựng hệ thống thể chế đồng bộ, thống nhất.

Trước mắt, Bộ Nội vụ cần kịp thời tham mưu giúp Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Khẩn trương hoàn thiện Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thanh niên, Luật Thi đua - Khen thưởng và Luật Thực hiện dân chủ cơ sở. Phân công rõ trách nhiệm, thời gian hoàn thành cụ thể, không để xảy ra tình trạng nợ đọng văn bản.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức bảo đảm đồng bộ giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; nhất là công tác quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá, kỷ luật; rà soát những vướng mắc trong công tác tuyển dụng, sử dụng, thi nâng ngạch quản lý công chức, viên chức để có giải pháp khắc phục.

Lấy kết quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và lấy kết quả này làm cơ sở để đề bạt, bổ nhiệm, tinh giản biên chế… đảm bảo khách quan, công tâm, công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong công tác cán bộ nhằm xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, có trình độ và có động lực để cống hiến. Khẩn trương triển khai công việc để thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ năm 2021.

“Bộ Nội vụ cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, các cơ quan ngành dọc của Trung ương đảm bảo tinh gọn, hợp lý. Kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế các cơ quan nhà nước theo kế hoạch đã đề ra, đồng thời, nghiên cứu chế độ hợp đồng đối với viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Cùng với việc tiếp tục nghiên cứu việc phân cấp giữa Trung ương và địa phương trên các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ tiếp tục rà soát, tiến hành đánh giá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương và cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế, bộ máy.

“Bộ Nội vụ cần nghiên cứu, đề xuất mô hình nhất thể hóa các chức danh đồng cấp, đảm bảo cơ cấu cán bộ, công chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế. Thực hiện tốt công tác quản lý hành chính nhà nước về địa giới hành chính, giải quyết triệt để các vụ tranh chấp địa giới hành chính cấp tỉnh do lịch sử để lại”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh./.