Đó là những thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyến cho biết tại Hội nghị Tổng kết công tác dân số năm 2019, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 và triển khai Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 do Bộ Y tế tổ chức ngày 09/01/2020.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tại Hội nghị, ông Đặng Văn Nghị, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Tổng cục Dân số), cho biết, theo kết quả cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được công bố mới đây, quy mô dân số nước ta là 96,2 triệu người. Như vậy, nước ta đã tăng thêm 1,5 triệu người so với cùng kỳ năm 2018, tương đương tỷ lệ tăng dân số là 1,56%, không đạt kế hoạch năm 2019 (chỉ tiêu dân số là 95,7 triệu người, tỷ lệ tăng dân số là 1,06%).

Bên cạnh đó, theo Tổng cục Thống kê, tổng tỷ suất sinh cả nước năm 2019 là 2,09 con, đây là năm thứ ba liên tiếp mức sinh dưới mức sinh thay thế (năm 2017 là 2,04 con, năm 2018 là 2,05 con). Tuy nhiên, hiện nay, mức sinh rất khác biệt giữa các vùng miền, khu vực.

Theo ông Đặng Văn Nghị, tại thời điểm ngày 01/04/2019, tỷ số giới tính khi sinh trên cả nước là 111,5 bé trai/100 bé gái. Kết quả Tổng cục Dân số tổng hợp từ các tỉnh, thành phố, tính đến ngày 31/12/2019, con số này là 108 bé trai/100 bé gái. Như vậy, nếu so kế hoạch đặt ra là 114 bé trai/100 bé gái thì đã hoàn thành chỉ tiêu khống chế tỷ số giới tính khi sinh. Tuy tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 đã giảm so với năm 2018 nhưng vẫn ở mức cao.

Đặc biệt, năm 2019, tỷ lệ người sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng tăng; tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt và vượt kế hoạch đề ra; công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được chú trọng, số người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm ngày càng tăng. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh là 40%, tăng 2% so với năm 2018 nhưng không đạt kế hoạch (chỉ tiêu là 70%).

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009-2019 là 1,14%/năm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyến phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

“Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định trong hơn một thập kỷ qua, xu hướng sinh hai con ở Việt Nam là phổ biến. Bên cạnh đó, chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình đạt 73,6 tuổi, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người; tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh; tầm vóc, thể lực người Việt Nam từng bước được cải thiện” Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyến nhấ mạnh.

Tuy nhiên, hiện tại, công tác dân số cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Chẳng hạn, mức sinh giữa các vùng có chênh lệch khá lớn. Xu thế mức sinh giảm xuống quá thấp đã xuất hiện ở nhiều khu vực. Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Lợi thế dân số vàng chưa được tận dụng tốt. Già hóa dân số diễn ra với tốc độ quá nhanh, song các giải pháp thích ứng chưa được triển khai. Chất lượng dân số còn nhiều hạn chế…

Do vậy theo Thứ trưởng Bộ Y tế, năm 2020, công tác dân số tiếp tục đặt mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Các chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020 gồm, dân số trung bình đạt 97,3 triệu người; tỷ lệ tăng dân số là 1,14%; tổng tỷ suất sinh 2,1%; tỷ số giới tính khi sinh 111,3 bé trai/100 bé gái sinh sống; tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại là 68%; 50% bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh; 80% trẻ sinh ra được sàng lọc sơ sinh; số vị thành niên, thanh niên mang thai ngoài ý muốn giảm 10% so với năm 2019.

Số người cao tuổi được khám sức khoẻ định kì ít nhất 1 lần/năm và số cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn tăng 10% so với năm 2019...

Để đạt được mục tiêu trên, đồng thời thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết 21-NQ/TW, ngày 07/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyến cho rằng, việc quan trọng là cần tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện thể chế, cụ thể là hoàn thành các Đề án trong Chương trình hành động của Chính phủ, đặc biệt là các Đề án cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết 21-NQ/TW.

Bên cạnh đó, xây dựng nền tảng pháp lý vững chắc cho việc đưa Nghị quyết 21-NQ/TW và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo chuyển biến căn bản trong công tác này trong thời gian tới.

Đối với các tỉnh, thành phố, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền cần quan tâm hơn đến công tác dân số. Khẩn trương tham mưu trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Cùng với đó, củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác dân số ở cấp tỉnh, huyện, xã theo hướng hiệu lực, hiệu quả phù hợp với trọng tâm công tác dân số trong tình hình mới; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận xã hội trong việc chuyển hướng chính sách dân số từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển./.

Ngày 22/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. Chiến lược đề ra 8 mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và 8 nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các mục tiêu đó.