Hội nghị có sự đồng chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, cùng các đồng chí Ủy viên bộ Chính trị, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và hơn 300 đại biểu đến từ các cơ quan Bộ ban ngành Trung ương, địa phương và sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS).

Toàn cảnh Hội nghị

Theo Báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, năm 2019, Ban Kinh tế Trung ương đã đăng ký và được Bộ Chính trị giao chủ trì xây dựng 8 Đề án lớn. Đến nay cả 8 Đề án đều đã được hoàn thành, trong đó: Bộ Chính trị đã thông qua 6 Đề án và ban hành 2 Nghị quyết, 3 Kết luận, 1 Nghị quyết đang trình để ban hành; 2 Đề án đang chờ lịch họp Bộ Chính trị.

Đây là những đề án quan trọng làm cơ sở để Bộ Chính trị ban hành một số chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi cả quốc gia và một số vùng, địa phương trọng điểm, với diện rộng và đa dạng các vấn đề quan trọng như nông nghiệp, nông dân, nông thôn; ứng phó với biến đổi khí hậu; tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Các chủ trương, đường lối được Ban Kinh tế Trung ương tham mưu, trình Bộ Chính trị ban hành trong năm 2019 không chỉ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; định hướng, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế nhanh, bền vững mà còn góp phần tăng cường vai trò, hiệu quả lãnh đạo của Đảng về kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực cho xây dựng văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Các đề án do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì nghiên cứu, xây dựng có phạm vi rất rộng, nội dung phức tạp về lý luận và thực tiễn, đề cập đến những vấn đề rất quan trọng về đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình hiện nay.

Trong đó có một số Đề án có ý nghĩa quan trọng: Đề án “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; Đề án "Tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020”; Đề án “Tổng kết, đánh giá 10 năm việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050"; Đề án "Tổng kết 10 năm 2006 - 2016 việc thực hiện một số chủ trương, chính sách lớn của Đảng về phát triển kinh tế nhanh và bền vững".

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Ban Kinh tế Trung ương sau 7 năm tái lập, đặc biệt, năm 2019, hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương ngày càng toàn diện, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Nêu bối cảnh tình hình khu vực và thế giới dự báo tiếp tục có biến động khó lường, những thách thức và thuận lợi đan xen đối với sự phát triển của đất nước thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, các ban xây dựng Đảng, đặc biệt là Ban Kinh tế cùng các bộ, ban, ngành và Chính phủ cần đoàn kết cùng vượt khó, phối hợp tốt hơn nữa để đưa đất nước tiến lên.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương phải là cơ quan tiên phong trong đổi mới tư duy, dẫn dắt, định hướng cho sự phát triển của đất nước thông qua việc hiện thực hóa các đề xuất, kiến nghị của Ban thành nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Ban Bí thư. Những đề xuất xây dựng các chương trình chiến lược, các đề án cũng như góp ý cho những văn bản quy phạm pháp luật cần hướng đến mục tiêu chất lượng cao hơn, mang tầm chiến lược, sát với thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong thời đại công nghệ.

Thủ tướng đề nghị thời gian tới, Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm định đề án, dự án, đề cao tính khoa học khách quan, phản biện. Cùng với đó là nâng cao chất lượng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện những bất hợp lý trong thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách trong tổ chức thực hiện, từ đó đề xuất giải pháp thúc đẩy sự phát triển. Tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Kinh tế Trung ương và Ban cán sự Đảng, Chính phủ cụ thể hơn, hàng quý đều phải có sơ kết rút kinh nghiệm.

Nhắc đến những dự thảo văn kiện quan trọng mà các Tiểu ban chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIII đang xây dựng, Thủ tướng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương chủ động tích cực tham gia đóng góp cả về lý luận, thực tiễn, phát triển nhân tố mới, những mô hình tốt, đúc kết kinh nghiệm tốt, đóng góp thiết thực của việc chuẩn bị cho Đại hội nói chung, trong đó có việc hoàn thiện các văn kiện của Tiểu Ban Kinh tế - Xã hội./.