Trong một báo cáo của Văn phòng kiểm toán Chính phủ Hoa Kỳ năm 2001, trong số mười loại dược phẩm được kê đơn rút khỏi thị trường Hoa Kỳ từ năm 1997 đến 2001 có đến tám loại gây hại cho phụ nữ, nhiều hơn hẳn so với nam giới. Lý do xảy ra tình trạng như vậy vì các nhà sáng chế đã không tiên liệu được tác hại của sản phẩm đối với hẳn một nhóm người chiếm một nửa dân số thế giới, phái nữ.

Vì vậy, các nhà khoa học đã tìm cách để giải đáp vấn đề về đánh giá yếu tố giới tính trong việc thiết kế, thực hiện và khái quát hoá kết quả các nghiên cứu khoa học để tránh các hậu quả tiêu cực không lường trước được trong tương lai. Hiệp hội Các nhà biên tập Khoa học Châu Âu (EASE) đã thành lập Ủy ban Chính sách Giới tính (Gender Policy Committee – GPC) vào năm 2012. Phải mất tới 4 năm thì, Ủy bản này đã xây dựng thành công một bộ hướng dẫn báo cáo về Giới và giới tính trong Nghiên cứu (Sex and Gender Equity in Research – SAGER). Đến tháng 2 năm 2020, EASE Vietnam Regional Chapter đã hoàn thành bản dịch tiếng Việt chính thức của bộ hướng dẫn SAGER với sự ủy quyền của Joan Marsh, phó tổng biên tập tạp chí The Lancet Psychiatry và phụ trách của Ủy ban GPC.

Một hội đồng gồm 13 chuyên gia (tám nữ, năm nam) đại diện cho chín quốc gia đã được chọn bởi Chủ tịch của Ủy ban GPC (Tiến sĩ Shirin Heidari). Tám thành viên là biên tập viên cao cấp cho nhiều tạp chí y sinh, và các cá nhân còn lại đều là các chuyên gia về nghiên cứu giới và xuất bản khoa học. Bộ hướng dẫn SAGER được thiết kế chủ yếu để giúp các tác giả chuẩn bị bản thảo, nhưng chúng cũng hữu ích cho các biên tập viên để tích hợp đánh giá về giới và giới tính vào tất cả các bản thảo như một phần không thể thiếu của quá trình biên tập. Việc tích hợp các vấn đề về giới và giới tính là một bước tiến lớn giúp khoa học trở nên đạo đức và nghiêm ngặt hơn. Đối với một nền khoa học đang vươn mình như Việt Nam, bản dịch hoàn chỉnh mang tới một đóng góp rất quan trọng trong việc xây dựng một môi trường nghiên cứu khoa học với các tiêu chuẩn quốc tế, có sự chú trọng hơn dành cho bình đẳng giới và giới tính.

Hiện nay, sự khác biệt về giới (Gender) và giới tính (Sex) vẫn còn bị các nhà nghiên cứu bỏ qua trong khi thiết kế nghiên cứu, thực hiện nghiên cứu và báo cáo khoa học, cũng như trong truyền thông khoa học nói chung. Việc không chú ý tới yếu tố này làm hạn chế tính khái quát của các kết quả nghiên cứu và khả năng ứng dụng của chúng vào thực hành lâm sàng, không chỉ đối với nữ giới mà cả nam giới. Theo nguyên tắc chung, Bộ hướng dẫn SAGER khuyên các tác giả nên sử dụng cẩn thận các từ “giới” (Gender) và “giới tính” (Sex) để tránh nhầm lẫn hai thuật ngữ. Việc sử dụng các định nghĩa phổ biến sẽ cải thiện khả năng tiến hành phân tích tổng hợp của dữ liệu được công bố và lưu trữ.

Khoa học Việt Nam, đặc biệt là KHXH&NV, đang dần tiếp cận các chuẩn mực xuất bản và biên tập quốc tế nhờ các chính sách tài trợ khoa học cũng như đào tạo nghiên cứu sinh. Vì thế, tính ứng dụng của bộ hướng dẫn SAGER là rất cao, góp phần tạo ra các nền tảng nghiên cứu vững chắc, hướng tới các kết quả có giá trị và tính chuẩn mực đạo đức cao.

Kể từ ngày 10/02/2020, bản dịch đã chính thức được lưu hành trên trang chủ của EASE: https://ease.org.uk/communities/gender-policy-committee/the-sager-guidelines/. Bản tiếng Việt là bản dịch quốc tế thứ 5 của bộ hướng dẫn SAGER được lưu hành chính thức trên trang chủ của EASE, bên cạnh tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, và Trung Quốc./.