Căn cứ vào khoản 3, Điều 143, khoản 2 Điều 145 Bộ luật Lao động, ngày 20/11/2019; Nghị định số 14/2017/NĐ-CP, ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự thảo Thông tư quy định danh mục công việc nhẹ người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi được làm.

Khi Thông tư có hiệu lực, nặn tò he là một trong những việc trẻ em từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi được làm

Theo dự thảo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất 6 loại công việc nhẹ người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi được làm gồm:

(1) Những công việc được sử dụng người dưới 13 tuổi làm việc theo quy định tại khoản 3 Điều 145 của Bộ Luật lao độngh.

(2) Các nghề truyền thống: chấm men gốm, cưa vỏ trai, vẽ tranh sơn mài, làm giấy dó, nón lá, se nhang, chấm nón, dệt chiếu, làm trống, dệt thổ cẩm, làm bún gạo, làm giá đỗ, làm bánh đa (miến), làm bánh đa Kế.

(3) Các nghề thủ công mỹ nghệ: thêu ren, mộc mỹ nghệ, làm lược sừng, đan lưới vó, làm tranh Đông Hồ, nặn tò he.

(4) Đan lát, làm các đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tự nhiên như: mây, tre, nứa, dừa, chuối, bèo lục bình.

(5) Nuôi tằm.

(6) Gói kẹo dừa.

Dự thảo nêu rõ, người sử dụng lao động khi tuyển dụng lần đầu người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi vào làm việc phải thông báo bằng văn bản về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính, trong vòng 30 ngày kể từ ngày bắt đầu tuyển dụng vào làm việc. Rà soát các công việc đang sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi làm các công việc theo danh mục trên. Đồng thời, tuân thủ các quy định tại Điều 144, khoản 1 và 3 Điều 145, khoản 1 Điều 146 của Bộ luật lao động khi sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi làm việc.

Cụ thể, Điều 145 Bộ luật lao động quy định, lao động chưa thành niên chỉ được làm công việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách. Người sử dụng lao động khi sử dụng lao động chưa thành niên có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động về các mặt lao động, sức khỏe, học tập trong quá trình lao động.

Khi sử dụng lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ; lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Người sử dụng lao động phải tạo cơ hội để lao động chưa thành niên được học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc, người sử dụng lao động phải tuân theo quy định: Phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó; Bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi; Phải có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe của người chưa đủ 15 tuổi phù hợp với công việc và tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất một lần trong 06 tháng; Bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi.

Theo Điều 146 Bộ luật lao động, thời giờ làm việc của người chưa đủ 15 tuổi không được quá 04 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm. Thời giờ làm việc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề, công việc theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

Cũng theo Dự thảo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với Sở Y tế, Liên đoàn Lao động địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện Thông tư; Tăng cường thanh tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về sử dụng lao động; Tổng hợp, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hằng năm về tình hình thực hiện Thông tư cùng với báo cáo tình hình thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trên địa bàn./.