Tham dự hội thảo có Giáo sư Philippe Aghion – Trường Đại học Havard, TS. Trần Hồng Quang - Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, đại diện Tổ biên tập của Tiểu ban kinh tế - xã hội và đại diện các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng một số chuyên gia kinh tế, học giả ở nhiều nơi trên thế giới.

Toàn cảnh hội thảo/Ảnh: Minh Trang

Chia sẻ về công tác ứng phó với dịch bệnh cũng như khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội hậu Covid-19 ở các quốc gia, Giáo sư Philippe Aghion bày tỏ, ông rất ngưỡng mộ Việt Nam, đặc biệt là trong công tác chống dịch Covid-19 thời gian qua.

Dịch Covid-19 đã dẫn đến những thay đổi về hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo Giáo sư, Pháp và một số quốc gia khác đang tiến vào mảng kỹ thuật số, mở rộng hoạt động sáng tạo. Trong khi đó, tại Đức, quốc gia này đã phục hồi nhiều mặt hàng xuất khẩu và tiến hành các hoạt động sáng tạo với các đối tác.

“Chúng ta cần phải thúc đẩy óc sáng tạo của mình để qua đó phát triển và hợp tác tích cực hơn”, ông nói.

Trải qua dịch bệnh Covid-19 cho thấy nhiều quốc gia vẫn còn phụ thuộc vào nguyên liệu thô, trong khi một số quốc gia khác đang “đánh cược” vào công nghệ sáng tạo. Trong bối cảnh đó, Giáo sư Philippe Aghion nhấn mạnh, cần phải có chính sách linh hoạt và đào tạo nghề cho lao động theo hướng làm được nhiều nghề khác nhau, qua đó giúp lao động có khả năng thích ứng với những tình huống mới trong tương lai.

Liên quan đến cơ hội nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu sau đại dịch Covid-19, Giáo sư cho rằng, mấu chốt nằm ở hệ thống giáo dục. Ông đánh giá, Việt Nam có hệ thống giáo dục tốt, nhưng cần có thêm những chính sách ưu đãi của Chính phủ cho các trường đại học, cho phép tự do về học thuật.

“Đây là điều quan trọng, cần thúc đẩy các hoạt động sáng tạo để thay đổi mọi thứ. Nền kinh tế tri thức cũng rất quan trọng. Nền kinh tế cũng như giới học thuật có trình độ là yếu tố mấu chốt để Việt Nam trở thành quốc gia mở cửa, đón chào các nhà đầu tư với các trường đại học tốt nhất”, Giáo sư nhận định.

Trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam cân nhắc việc tăng ngưỡng nợ công để thúc đẩy sản xuất, Giáo sư Philippe Aghion cho rằng, không nên quá quan ngại về tỷ lệ nợ/GDP. Bởi, khi kinh tế tăng trưởng cao, thì tỷ lệ này không vấn đề gì và các quốc gia khác hiện nay đều như vậy.

Vì thế, có thể tăng tỷ lệ nợ công/GDP để đầu tư vào một số lĩnh vực quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. “Nhưng vấn đề chúng ta phải tăng mức cung và cầu lên, phải tăng nợ công lên vì Việt Nam đã có tỷ lệ tăng trưởng rất tuyệt vời, có được khả năng nợ/GDP tốt”, ông nói.

Làm rõ hơn về vấn đề tổng cầu trong bối cảnh tác động của dịch bệnh, Giáo sư cho rằng, đây là câu chuyện khó, quan trọng là đối với các ngành tích cực thì cần có chính sách hỗ trợ, hoạch định cụ thể, hướng vào tính sáng tạo. Song song với đó, phải đào tạo, giúp doanh nghiệp khởi sự kinh doanh một cách dễ dàng; đảm bảo người lao động được đào tạo, đào tạo lại, tham gia loại hình kinh doanh mới; tạo điều kiện thuận lợi để thị trường quyết định về giáo dục, đào tạo…

Ông khuyến nghị, cần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, cải thiện cơ sở hạ tầng thông qua đầu tư, cải thiện dịch vụ công, tận dụng các hiệp định đã được ký kết… để đạt mức tăng trưởng cao hơn.

Trước cơ hội tham gia Mạng lưới kinh tế thịnh vượng (gồm: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand) nhằm tìm cách khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 và tài cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, Giáo sư Philippe Aghion ủng hộ sáng kiến này và cho rằng, Việt Nam sẽ có vai trò quan trọng, thậm chí dẫn đầu, bởi Việt Nam đang thể hiện vai trò dẫn dắt ở khu vực và liên kết, kết nối giúp các quốc gia cùng nhau tiến bộ, phát triển hơn./.