Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết, có 3 hình thái thiên tai: gió bão, lũ lụt và lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng trả lời câu hỏi của báo chí. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trước hết về gió bão, vấn đề này thường xảy ra ở khu vực biển với khoảng cách cự ly là 30-50 km từ bờ biển vào. Về giải pháp công trình, chúng ta thực hiện được. Qua khảo sát, nếu nhà có 3 cứng (sàn cứng, tường cứng, mái cứng) cơ bản là chịu được gió bão; nhà bị đổ chủ yếu nhà cấp 4, mái tôn, cổng chào, mái kính...

“Đối với hình thái thiên tai này, chúng ta đã có giải pháp công trình để có thiết kế cho phù hợp”, ông Hùng nhấn mạnh.

Thứ hai, về lũ lụt, cách đây 7 năm, Việt Nam đã có Quyết định số 48 về chương trình nhà ở vượt lũ cho đồng bào miền Trung.

Thực tế, đã xây dựng được trên 3.200 ngôi nhà có cốt sàn trên mức đỉnh lũ, vừa rồi phát huy tốt, khoảng 5-10 m trên đỉnh lũ thì người dân và gia đình có thể rút lên đấy để cầm cự 10-15 ngày.

“Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu để nhân rộng, phát triển thêm mô hình này, chủ yếu cần nguồn lực. Đây cũng là một giải pháp khả thi thực hiện được”, Thứ trưởng nói.

Sạt lở tại thôn 3, xã Phước Lộc khiến 11 người chết và mất tích

Còn với lũ ống, lũ quét sạt lở đất, Thứ trưởng Hùng nhấn mạnh rằng, không có giải pháp công trình nhà ở nào có thể chịu được lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

“Giải pháp để phòng chống là gì? Đối với việc xây mới, quan trọng là lựa chọn địa điểm để tránh được lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Hiện nay chúng ta đã có bản đồ về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, nhưng tỷ lệ không cao, khoảng 1/20.000 hoặc 1/50.000, nên trong bản đồ này xã chỉ là một chấm nhỏ, vấn đề làm sao là phải đưa ra tỷ lệ 1/500. Chúng tôi sẽ phối hợp cùng các chuyên gia để chuyển tỷ lệ này về 1/500, thì khi đó chúng ta mới quản lý được”, Thứ trưởng chỉ rõ.

Với những công trình đã xây dựng rồi, như nhà đang tồn tại, thì giải quyết thế nào? Theo Thứ trưởng, một là rà soát để di dời, lựa chọn địa điểm khác như đã nói.

Hai là cần có hướng dẫn. Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ có hướng dẫn rất cụ thể để người dân và hộ dân có thể nhận được cảnh báo.

“Đối với lũ quét, sạt lở đất, người dân nên nhận được những chỉ dẫn rất đơn giản về vấn đề địa chất, thủy văn… trong bán kính khoảng 500 m. Hiện nay Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ khác tiến hành những việc như thế”, Thứ trưởng Hùng cho biết thêm thông tin./.