Quốc gia tiếp theo sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch Diễn đàn thị trường vốn ASEAN năm tiếp theo - 2021 là Brunei với mục tiêu chung đến năm 2025 sẽ xây dựng thị trường vốn ASEAN liên kết toàn diện và linh hoạt. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Trần Văn Dũng cho biết như vậy tại cuộc họp báo được tổ chức ngay sau khi kết thúc Diễn đàn thị trường vốn ASEAN trong ngày 9/12/2020. ACMF có sự tham gia của các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán của 10 quốc gia thuộc khối ASEAN gồm Singgapore, Malaisia, Thái Lan, Indonesia, Mianma, Campuchia, Lào, Brunei, Philippines và Việt Nam. Năm 2020, theo cơ chế luân phiên, Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ACMF và Diễn đàn năm nay bên cạnh các thành viên, còn có chuyên gia của ADB, Hiệp hội thị trường vốn quốc tế, Viện Tài chính bền vững châu Á…

Trên con đường tương lai 2021-2025, ông Dũng cho biết, Diễn đàn thị trường vốn ASEAN sẽ tập trung vào 5 ưu tiên chính. Thứ nhất là thúc đẩy cao hơn mức độ minh bạch và công bố thông tin trên các TTCK khu vực. Thứ hai là thúc đẩy hài hòa hóa quy định trong các thị trường vốn ASEAN. Thứ ba là tăng cường xây dựng năng lực của các cơ quan quản lý thị trường. Thứ tư là tăng cường trao đổi nhận thức về thị trường vốn và phát triển thị trường vốn. Cùng với đó là tăng cường sự hợp tác và phối hợp giữa các thị trường ASEAN để hướng đến mục tiêu liên kết toàn diện. “Trên cơ sở 5 mục tiêu trên, năm 2021, các nước sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết và cùng trình lên Hội nghị ACMF thứ 34 do Brunei chủ trì, để làm “kim chỉ nam” trong hoạt động chung của các thị trường vốn khu vực 5 năm tới”, ông Dũng nói.

Hầu hết các cuộc họp của ACMF 2020 đều tổ chức theo hình thức trực tuyến

Về vai trò của Việt Nam, năm 2020 là năm rất đặc biệt, khi đại dịch Covid xảy ra làm ảnh hưởng rất mạnh đến sự phát triển của kinh tế toàn cầu, đứt gãy các chuỗi cung ứng, thay đổi các dòng chảy vốn trên thế giới. Trong bối cảnh đó, với vai trò Chủ tịch ACMF, Việt Nam đã thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý về thị trường vốn, chú trọng đảm bảo sự phát triển bền vững và đóng góp vào sự thịnh vượng chung của ASEAN.

Vì Covid nên các cuộc họp của ACMF chủ yếu là diễn ra trực tuyến, các thành viên phải làm quen với trạng thái bình thường mới, nhưng các hoạt động của ACMF vẫn tiến hành bình thường. “Đáng mừng là nền kinh tế Việt Nam có sức chống chịu với đại dịch rất tốt, là một trong số ít quốc gia có tăng trưởng dương năm 2020 và TTCK Việt Nam năm 2020 có sự bứt phá mạnh mẽ. Theo đó, một số kinh nghiệm ứng phó với đại dịch đã được UBCK Việt Nam chia sẻ tại ACMF, để tạo nên sự hiểu biết chung trong nội khối, để cùng vượt qua khó khăn bất thường của năm 2020”, ông Dũng nói.

Trả lời câu hỏi của Tạp chí Kinh tế và Dự báo về việc Covid xảy ra, TTCK Việt Nam đã chủ động thích ứng như thế nào và thúc đẩy sự thích ứng trong ASEAN ra sao, người đứng đầu UBCK cho biết, thị trường vốn bị tác động rất mạnh bởi đại dịch nên UBCK đã thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt để thích ứng. Thứ nhất, UBCK đã chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và các công ty chứng khoán chuyển 100% hoạt động giao dịch sang Online, tránh tối đa tiếp xúc với nhà đầu tư, để đảm bảo trong mọi hoàn cảnh, giao dịch không bị gián đoạn kể cả khi nền kinh tế bị phong tỏa. Cùng với đó, các hoạt động giám sát, thanh tra trên TTCK cũng có sự chuyển đổi mạnh mẽ. Vì phải hạn chế đến vùng có dịch nên ngành chứng khoán tập trung giám sát online, kiểm tra online qua hồ sơ, yêu cầu báo cáo bằng văn bản, nếu có nghi ngờ. Theo đó, công tác thanh tra, giám sát, đảm bảo sự tuân thủ, minh bạch và liêm chính của TTCK được thực hiện liên tục, kết quả là số vụ xử lý vi phạm trên TTCK không kém so thời kỳ giám sát trực tiếp.

Các chính sách điều hành thị trường cũng thích ứng và linh hoạt với hoàn cảnh. Chủ tịch UBCK chia sẻ, khi yêu cầu về giãn cách xã hội thực hiện nghiêm ngặt và một số ngành nghề không thiết yếu bắt buộc phải đóng cửa, nhiều ý kiến đã đặt ra câu hỏi: Chứng khoán có phải ngành thiết yếu không? “UBCK báo cáo cơ quan chức năng và đề nghị các địa phương rằng, chứng khoán là ngành thiết yếu, phải tổ chức hoạt động bình thường đồng thời phải tuân thủ giãn cách xã hội”, ông Dũng nói.

Một giải pháp kịp thời khác là UBCK kiến nghị Bộ Tài chính cho giảm phí, thúc đẩy thanh khoản trên TTCK, đồng thời cơ quan này trực tiếp giảm thiểu thủ tục hành chính, xử lý hồ sơ mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp thay vì 7 ngày theo luật định xuống còn 24 giờ. Những nỗ lực của ngành cùng với chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Tài chính và sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tham gia TTCK đã giúp TTCK Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ ngay trong thách thức đại dịch.

Được biết, nhiều kinh nghiệm ứng phó với Covid-19 đã được UBCK Việt Nam chia sẻ trong các cuộc họp ACMF và được các thành viên trong ASEAN đánh giá cao. “Một số nội dung Việt Nam đề xuất, sau một thời gian áp dụng, được Tổ chức quốc tế các ủy ban chứng khoán (IOSCO) khuyến nghị áp dụng trên phạm vi toàn thế giới”, ông Dũng cho biết. Vị thế của TTCK Việt Nam được đánh giá cao hơn sẽ là một nhân tố thuận lợi cho tiến trình nâng hạng thị trường. Ông Dũng khẳng định, câu chuyện nâng hạng TTCK luôn được UBCK quan tâm thực hiện và sẽ hoàn thành trước năm 2025, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh sự tăng trưởng về điểm số và thanh khoản, một trong những điểm sáng trên TTCK Việt Nam năm 2020, như chia sẻ của ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, UBCK, là việc lần đầu tiên có doanh nghiệp niêm yết xếp vào TOP 100 doanh nghiệp có điểm quản trị công ty tốt nhất ASEAN (Vinamilk). Được biết, ngày 10/12, kết quả thẻ điểm quản trị ASEAN khu vực Việt Nam sẽ được công bố đến các doanh nghiệp, thúc đẩy các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến nâng cao chất lượng quản trị, hướng đến phát triển bền vững./.