Kết nối nghiên cứu cơ bản với ứng dụng mới có thể tạo nên sức mạnh cho đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Đừng để nghiên cứu cơ bản tiếp tục tách rời nghiên cứu ứng dụng

TS. Bùi Hải Hưng cho rằng, vai trò quan trọng nhất của NIC là phải gắn giới hàn lâm với thực tế hoạt động ứng dụng của các tổ chức, doanh nghiệp

Tiến sĩ Bùi Hải Hưng là một trong những tên tuổi hàng đầu thế giới trong lĩnh vực AI. Ông là một trong những nhà sáng chế trí tuệ nhân tạo tại Google, với gần 100 công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí chuyên môn và hơn 10 bằng sáng chế về công nghệ được đánh giá tại Mỹ. Ông đảm nhiệm công việc Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo VinAI vào tháng 4/2019, với sứ mệnh thực hiện các nghiên cứu khoa học đột phá, mang tầm cỡ hàng đầu thế giới với khát vọng đưa Việt Nam vào bản đồ AI toàn cầu.

Chia sẻ với nhà quản lý, doanh nhân và các bạn trẻ tại cuộc tọa đàm “Vai trò của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia – NIC trong nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế ngày 09/01/2021”, TS Bùi Hải Hưng cho rằng, vai trò quan trọng nhất của NIC là phải gắn giới hàn lâm với thực tế hoạt động ứng dụng của các tổ chức, doanh nghiệp. Ông Hưng chia sẻ, khi còn trên giảng đường, ông rất hạnh phúc khi giải được những bài toán khó. Khi làm nghiên cứu, hạnh phúc là khi tìm ra được ý tưởng mới. Khi làm nghiên cứu ứng dụng, hạnh phúc đến từ việc sản phẩm được thị trường đón nhận. “Các ý tưởng nghiên cứu cơ bản nếu được phát triển thành sản phẩm ứng dụng trong thực tế sẽ nhân niềm hạnh phúc lên hàng trăm lần so với trước đây”, ông Hưng nói.

Các ý tưởng nghiên cứu cơ bản nếu được phát triển thành sản phẩm ứng dụng trong thực tế sẽ nhân niềm hạnh phúc lên hàng trăm lần

Với Việt Nam, TS. Bùi Hải Hưng cho rằng, muốn khởi tạo con đường nghiên cứu sáng tạo, trước hết các bên phải cùng mục tiêu và có kết nối đủ mạnh giữa nghiên cứu cơ bản với tiến trình ứng dụng. “NIC cần thực hiện vai trò kết nối giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nhà trường, các viện nghiên cứu. Cùng với đó, cần xây dựng các công trình nghiên cứu uy tín, các nhà nghiên cứu uy tín, để tăng sức hút với bên ứng dụng”, ông Hưng nói.

Để có sản phẩm đột phá phải có nghiên cứu. Thực tế, người làm công tác nghiên cứu đều muốn sản phẩm của mình được mang lại lợi ích cho xã hội, nhưng ở Việt Nam gần như thiếu đi sự kết nối để thực hiện mong muốn này. Ở một khía cạnh khác, với sự cởi mở của luật pháp, số lượng doanhnghiệp Việt Nam được thành lập là rất lớn. Hàng năm có cả trăm nghìn doanh nghiệp được ra đời. Rất nhiều doanh nghiệp khởi sự từ các bạn trẻ, có ý tưởng nhưng thiếu nhiều thứ, nhất là thiếu kinh nghiệm. Việc thiếu kinh nghiệm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trụ lại với thường trường.

Sự tách rời giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng là điều đáng tiếc cho Việt Nam. Theo ông Hưng, nếu kết nối được 2 mảng này, chắc chắn nguồn lực xã hội sẽ không bị lãng phí, thị trường sẽ có nhiều sản phẩm được làm bởi người Việt, trí tuệ Việt.

Để tạo ra những sản phẩm "Make in Vietnam" đẳng cấp quốc tế

Công nghệ được tạo ra là để phục vụ con người ngày càng tốt hơn. Tại VinAI, ông Hưng cho biết, mục tiêu lớn nhất là Viện sẽ góp phần để Việt Nam không còn là vùng trắng về trí tuệ nhân tạo. VinAI đang phát triển 3 mảng việc chính là nghiên cứu cơ bản về AI; ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đào tạo tài năng trẻ. Viện trưởng VinAI cho biết, sẽ hợp tác với NIC, góp sức dẫn dắt hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

VinAI do TS. Bùi Hải Hưng dẫn dắt ghi danh TOP 30 doanh nghiệp có nhiều công trình nghiên cứu trí tuệ nhân tạo do Hội nghị Quốc tế về máy học (ICML) 2020 bình chọn

Bên cạnh các góp ý về cách làm với NIC, TS. Bùi Hải Hưng cũng cho rằng, đổi mới sáng tạo rất quan trọng với sự phát triển của các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn lớn. Bài toán muôn thủa là một tổ chức càng lớn, sự trì trệ càng cao. Mỗi tổ chức không chỉ vươn lên cạnh tranh với các tổ chức khác, mà còn phải cạnh tranh với chính mình. Muốn vậy, đổi mới sáng tạo phải trở thành văn hóa, ngấm vào từng con người của tổ chức.

Cách nào và làm như thế nào để xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo? Theo ông Hưng, mô hình vườn ươm ý tưởng là rất thú vị. Các vườn ươm không nhất thiết đứng độc lập mà có thể ở trong tập đoàn, trong các trường đại học lớn, tạo chỗ cho thử nghiệm các ý tưởng sáng tạo.

Với mô hình vườn ươm, các ý tưởng mới sẽ được cộng hưởng kinh nghiệm của những người từng trải và có thể được trợ giúp vốn đầu tư ban đầu. Như vậy, quá trình từ sáng tạo, nghiên cứu, thử nghiệm và đưa ra ứng dụng sẽ được rút ngắn, dễ thành công hơn và cũng tiết kiệm nguồn lực cho xã hội.

Dù là mô hình nào, thì việc xây dựng nên con người có tri thức và định hình văn hóa đổi mới sáng tạo luôn là yếu tố quan trọng nhất. Chia sẻ với báo chí gần đây, ông Hưng cho biết, tại VinAI, không ai được hài lòng với kết quả ban đầu, bởi mục tiêu lớn nhất chính là xây dựng và phát triển nền khoa học Việt, để tạo ra những sản phẩm "Make in Vietnam" ở đẳng cấp quốc tế.

Gợi mở cách thúc đẩy những ý tưởng sáng tạo, ông Hưng chia sẻ câu chuyện tại Google. Theo đó, Google có quy định các nhân viên được dành 20% thời gian tham gia các không gian sáng tạo, họ không nhất thiết tuân thủ sếp trong khoảng tự do sáng tạo này./.