Tạp chí Kinh tế và Dự báo trân trọng giới thiệu 10 sự kiện nổi bật của ngành Kế hoạch và Đầu tư năm 2020 được sắp xếp theo thứ tự thời gian (Bình chọn của Tạp chí Kinh tế và Dự báo).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư

Ban cán sự Đảng phát biểu chỉ đạo tại Đại hội

1. Thực hiện tốt việc tham mưu cho Chính phủ thực hiện các mục tiêu về kinh tế - xã hội, góp phần vào thành tích tăng trưởng GDP trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái nghiêm trọng.

Năm 2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Tuy là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu suy giảm nghiêm trọng, đây được đánh giá là thành công lớn. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư – “tổng tham mưu trưởng” trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cụ thể, với “Tinh thần tiên phong đi trước, nắm bắt cơ hội” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tin tưởng gửi gắm, cùng với phương châm hành động chính xác, kịp thời và hiệu quả, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động đề xuất, tham mưu cho Chính phủ giải pháp đối với những vấn đề mới, nhạy cảm và phức tạp dễ gặp phải trở lực và rào cản.

Ngay từ đầu năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trực tiếp dự thảo Nghị quyết số 01 về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước và Nghị quyết số 02 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, để Thủ tướng ký ban hành ngay trong ngày đầu tiên của năm mới. Ngày 09/01/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Nghị quyết 01 và 02 năm 2020 của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Trong năm 2020 có nhiều khó khăn và biến động, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tham mưu để Thủ tướng ban hành Chỉ thị về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh trong điều kiện vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch Covid-19. Cùng với đó là hàng loạt cơ chế, chính sách được đề xuất nhằm hoàn thành mục tiêu “kép” do Chính phủ đặt ra.

Lãnh đạo cộng đồng người mù các địa phương ký cam kết với sự chứng kiến của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư

2. Chương trình Vì sự phát triển cộng đồng – Chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc do Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai sâu rộng trong năm 2020

Là cơ quan chủ trì xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong 60 năm qua và các Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong 30 năm trở lại đây, đồng thời trực tiếp xây dựng và tham gia ý kiến về cơ chế chính sách phát triển đất nước, vì thế, bên cạnh các vấn đề kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn quan tâm tới các vấn đề xã hội.

Thông qua các hoạt động cộng đồng thấm đượm tinh thần nhân văn như “Hành trình cây gậy trắng cho người mù Việt Nam”, ra mắt Chương trình Sức sống Việt Nam, phát động Chương trình Mỗi người dân là một sứ giả ở các địa phương trong cả nước, ra mắt MV Bao la Việt Nam hỗ trợ phát triển du lịch thời Covid cùng với Chương trình xoá 500 nhà tạm ở các xã biên giới, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La đã góp phần bồi đắp, hình thành nên một nét văn hóa nhân văn ở những người tham gia hoạch định và tham mưu chính sách. Từ đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện được sứ mệnh kiến tạo nên một môi trường, mà ở đó mọi người dân đều có cơ hội tham gia đóng góp vào sự phát triển và "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bảo trợ 7 nhóm cộng đồng với hàng loạt hoạt động hỗ trợ, đó là: (i) Mạng lưới người tự kỷ, như: Chương trình Bình minh cho em…; (ii) Mạng lưới người điếc và khiếm thính, như: salon tóc Thành Nguyễn…; (iii) Mạng lưới người mù và khiếm thị, như: doanh nghiệp xã hội Blind Link…; (iv) Hợp ca Hi vọng của GS. Tôn Thất Triêm và các bạn khiếm thị; (v) Các doanh nghiệp tạo tác động xã hội do người khuyết tật làm chủ, như: Kym Việt, Thương Thương…; (vii) Các Hợp tác xã do người khuyết tật vận hành như Vụn Art, Tâm Ngọc…; (viii) Mạng lưới sáng kiến phát triển vì cộng đồng của Trung tâm Thông tin UNESCO.

3. Quốc hội thông qua 3 luật quan trọng về đầu tư, kinh doanh

Trong tháng 6/2020, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua 3 đạo luật quan trọng về đầu tư, kinh doanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, gồm: Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành rất cao.

Luật PPP gồm 11 chương và 101 điều đã quy định rõ về lĩnh vực đầu tư, tổng mức đầu tư tối thiểu, cơ chế chia sẻ phần tăng giảm doanh thu, cơ chế kiểm toán của các dự án PPP...

Luật Đầu tư gồm 7 chương, 77 điều đã điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng, trong đó đáng chú ý là giảm số lượng các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện từ 243 ngành, nghề xuống còn 227 ngành, nghề và quy định về điều kiện tiếp cận thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Luật Doanh nghiệp gồm 10 chương, 218 điều, điều chỉnh nhiều điểm so với luật cũ, trong đó có 40 điểm mới đáng chú ý. Gây tranh cãi nhất trong số đó là việc đưa hay không đưa hộ kinh doanh vào Luật.

Các luật này được đánh giá là đã khơi thông các điểm nghẽn, tạo hành lang rộng rãi và chắc chắn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

4. Tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025

Diễn ra trong 2 ngày 7 và 8/9/2020, Đại hội được tổ chức với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm và theo đúng quy định, nhằm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đại hội được tiến hành với chủ đề: Xây dựng chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, tinh thần chủ động, đổi mới sáng tạo; nêu cao đạo đức, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đại hội có nhiệm vụ đánh giá toàn diện, khách quan tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần thứ XXIV, thẳng thắn chỉ ra những ưu, khuyết điểm, phân tích những hạn chế, nguyên nhân và rút ra các bài học kinh nghiệm, từ đó xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác trong nhiệm kỳ tới.

5. Tổ chức thành công Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển năm 2020

Với chủ đề “Việt Nam: Hành động để phục hồi tăng trưởng nhanh theo hướng bền vững và bao trùm trong bối cảnh đại dịch Covid-19”, Diễn đàn được tổ chức vào ngày 29/9/2020.

Mục tiêu quan trọng nhất của Diễn đàn năm nay là cung cấp đầu vào giúp Việt Nam hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2021-2030 và Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Đây là dịp để các học giả, chuyên gia quốc tế trao đổi, thảo luận về những phương hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cũng như để Việt Nam chia sẻ với các nước có cùng trình độ phát triển kinh nghiệm về thành công và thất bại của mình.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh đến bối cảnh ý nghĩa diễn ra Diễn đàn. Đồng thời nhấn mạnh đến những bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc, đạt được nhiều thành tựu to lớn và toàn diện của đất nước; những thách thức lớn đến từ đại dịch Covid-19 tác động mạnh tới phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và phát huy ý chí, tinh thần dân tộc, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam đã chung sức, đồng lòng, sáng tạo, nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt “chống dịch như chống giặc”, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống nhân dân để “không một ai bị bỏ lại phía sau”.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, với ý nghĩa là quy hoạch vùng đầu tiên được triển khai thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn xây dựng bản quy hoạch có chất lượng cao, phấn đấu trở thành điển hình mẫu mực về quy hoạch vùng

6. Tổ chức lập Quy hoạch vùng đầu tiên tiếp cận tích hợp đa ngành tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)

Ngày 26/11, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội nghị báo cáo và tham vấn về “Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch vùng ĐBSCL là bản quy hoạch vùng đầu tiên được triển khai thực hiện theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch. Quá trình xây dựng quy hoạch đã nhận được sự tham gia ngay từ đầu của các địa phương trong vùng với tư cách là cấp sẽ phải triển khai thực hiện, chịu sự tác động trực tiếp cũng như được hưởng lợi từ bản quy hoạch này.

Là cơ sở để triển khai lập các quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan, như: quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh, quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị…, quy hoạch vùng ĐBSCL có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết bài toán tổng thể về phát triển vùng, xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; làm cơ sở cho các ngành, các địa phương triển khai xây dựng quy hoạch, kế hoạch thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ, đạt hiệu quả cao. Quy hoạch vùng ĐBSCL sau khi được phê duyệt là cơ sở quan trọng để Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2025, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc phân bổ nguồn lực và điều phối vùng, thúc đẩy phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 sẽ triển khai các hoạt động thiết thực với doanh nghiệp để đạt được 4 mục tiêu

7. Công bố Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.

Sáng 03/12/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Lễ công bố Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu đến năm 2025, Chương trình sẽ triển khai các hoạt động thiết thực với doanh nghiệp để đạt được 4 mục tiêu.

Một là, 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

Hai là, tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ từ Chương trình như sử dụng công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, kết nối các giải pháp.

Ba là, tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là các thành công điển hình trong chuyển đổi số, hướng tới các doanh nghiệp sản xuất, chế biến.

Bốn là, thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số.

Thông qua Chương trình, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ kỹ thuật tập trung vào 4 nội dung chính: (i) Nâng cao nhận thức, tầm nhìn và chiến lược của doanh nghiệp về chuyển đổi số; (ii) Số hóa hoạt động kinh doanh, như: marketing, bán hàng…; (iii) Số hóa quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ, các nghiệp vụ quản lý tài chính, kế toán, nhân sự, báo cáo, giám sát và đánh giá…; (iv) Chuyển đổi số toàn diện để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới cho doanh nghiệp.

Trong giai đoạn đầu, Chương trình sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực như: cơ khí, điện tử, chế biến chế tạo, nông nghiệp, chế biến thực phẩm…

8. Hoàn thành tốt vai trò là cơ quan chủ chốt trong xây dựng văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII

Là cơ quan giúp việc, thường trực và Tổ biên tập của Tiểu ban Kinh tế xã hội của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, trong năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của một cơ quan chủ chốt trong xây dựng dự thảo Báo cáo Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Báo cáo Đánh giá thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Các dự thảo báo cáo đã được hoàn thiện trình Bộ Chính trị, trình các Hội nghị Trung ương 13, 14. Dự thảo cũng đã được tổ chức lấy ý kiến tại Đại hội Đảng các cấp; lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội; các tổ chức chính trị - xã hộI; nhân dân.

9. Thực hiện thành công Đề án 715 về đổi mới quy trình biên soạn tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Ngày 22/5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 715/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Đề án ra đời xuất phát từ những hạn chế, bất cập của số liệu GRDP trong thời gian trước đó, đồng thời do yêu cầu cập nhật đổi mới từ SNA 1993 sang SNA 2008 cũng như vai trò và tầm quan trọng của chỉ tiêu GDP, GRDP trong việc lập kế hoạch, quản lý và điều hành của các cấp lãnh đạo.

Ngày 11/12/2020, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Đề án Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, sau 5 năm thực hiện, Đề án đã đạt được nhiều kết quả chính như sau: Quy trình biên soạn và công bố GRDP được đổi mới; số liệu GRDP biên soạn và công bố theo Quy trình mới phản ánh chính xác hơn tình hình kinh tế – xã hội của các địa phương, được tin cậy sử dụng; biên soạn GRDP và GDP tiến hành đồng thời tại Tổng cục Thống kê tạo khả năng đối chiếu, so sánh, nâng cao chất lượng số liệu của cả hai chỉ tiêu.

Kết quả tích cực của việc thực hiện Đề án đã góp phần quan trọng trong xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 của Việt Nam; phục vụ kịp thời các hoạt động quản lý, điều hành hoạt động kinh tế - xã hội của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đại diện Bộ đón nhận Huân chương độc lập Hạng Nhất do Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Ngành Kế hoạch và Đầu tư (31/12/1945 - 31/12/2020) diễn ra tại Hà Nội, sáng nay (31/12).

10. Tổ chức thành công sự kiện Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ngành Kế hoạch và Đầu tư

Ngày 31/12/2020, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư long trọng tổ chức Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Kế hoạch và Đầu tư (31/12/1945-31/12/2020) và Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Tại lễ Kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Suốt chặng đường 75 năm qua, quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của ngành Kế hoạch và Đầu tư luôn gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Vì thế, trong những thành tựu phát triển đất nước, có dấu ấn và đóng góp quan trọng của nhiều thế hệ cán bộ trong Ngành qua các thời kỳ. Dù trong thời kỳ nào, Ngành cũng có những đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược mà Đảng và Nhà nước đề ra, góp phần quan trọng vào thắng lợi trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Những nỗ lực ấy góp sức đưa Việt Nam từ một nước kém phát triển, thu nhập thấp trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình, với vị thế quốc gia ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế.

Các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Kế hoạch và Đầu tư đã nâng cao nhận thức, niềm tin, niềm tự hào về Ngành; tạo động lực tinh thần cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phát huy truyền thống đoàn kết, đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó./.