Mùa Xuân năm 1930, sau một thời gian chuẩn bị về mọi mặt, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam có sự phát triển, trưởng thành về mọi mặt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III

SỰ TRƯỞNG THÀNH CỦA ĐẢNG QUA CÁC KỲ ĐẠI HỘI

Tháng 3/1935, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ Nhất của Đảng được tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc). Đại hội đề ra chủ trương, đường lối, tổ chức và hoạt động của Đảng trong thời kỳ mới. Sau Đại hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam giành nhiều thắng lợi quan trọng, đặc biệt là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dẫn tới sự ra đời của nước Việt Nam Dân Chủ cộng hòa vào ngày 02/9/1945. Điều kiện lịch sử mới đặt ra cho Đảng yêu cầu là phải bổ sung và hoàn chỉnh đường lối cách mạng dân chủ nhân dân, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Trong bối cảnh đó, ngày 11-19/2/1951, tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II. Đại hội quyết định những vấn đề trọng đại: Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi mới là Đảng Lao động Việt Nam; tổ chức Đảng cách mạng của nhân dân Lào và Campuchia. Đại hội thông qua Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam. Chính cương đã phát triển và hoàn chỉnh đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tổng kết một bước lý luận cách mạng Việt Nam, xác định đường lối tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đường lối đúng đắn của Đại hội đề ra là sự bổ sung, phát triển Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, thúc đẩy kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, Đảng đã lãnh đạo kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và lãnh đạo toàn dân tiến hành kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tháng 9/1960, tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng được tổ chức. Đại hội lần này là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu lại làm Chủ tịch Đảng và đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại hội quyết định lấy ngày 3/2 Dương lịch hàng năm làm ngày Kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng họp tháng 12/1976 tại Thủ đô Hà Nội. Đây là Đại hội toàn thắng của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội quyết định đổi tên Ðảng thành Ðảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Điều lệ Đảng mới, gồm 11 chương và 59 điều. Điều lệ đã rút gọn 10 nhiệm vụ của đảng viên thành 5 nhiệm vụ, đặt lại chức vụ Tổng Bí thư thay chức Bí thư thứ nhất, quy định nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là 5 năm… Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng họp tại Hà Nội (tháng 3/1982), quyết định điều chỉnh cơ cấu, quy mô, tốc độ của mục tiêu công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa (XHCN), chú trọng phát triển nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu. Đại hội đã đề ra nhiệm vụ, phương hướng… nhằm giải quyết những vấn đề gay gắt nóng bỏng đang đặt ra của cách mạng Việt Nam. Đại hội đánh dấu sự chuyển biến về sự lãnh đạo của Đảng trên con đường đấu tranh “Tất cả vì Tổ quốc XHCN, vì hạnh phúc của nhân dân”. Đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tháng 12/1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Trên cơ sở phân tích sâu sắc tình hình đất nước và qua quá trình tìm tòi, khảo nghiệm thực tiễn, với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội đề ra Đường lối Đổi mới toàn diện đất nước, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tiếp tục bổ sung, phát triển đường lối Đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6/1991), đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh khẳng định những thắng lợi của cách mạng Việt Nam và đúc kết năm bài học kinh nghiệm; xác định 6 đặc trưng xã hội XHCN ở Việt Nam và 7 phương hướng xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và Cương lĩnh 1991, đất nước chính thức thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6/1996), quyết định chuyển đất nước sang thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước. Đại hội chỉ rõ: mục tiêu đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước là phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020. Đồng chí Đỗ Mười được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bước vào những tháng đầu thế kỷ XXI, tháng 4/2001, diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng. Đại hội đã tổng kết những thành tựu mà cách mạng Việt Nam đã giành được trong thế kỷ XX, đồng thời nêu triển vọng của đất nước trong thế kỷ XXI. Đại hội chủ trương phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH, nhằm xây dựng một nước Việt Nam: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng được tổ chức tháng 4/2006. Đề cập đến những thành tựu về lý luận 20 năm đổi mới, Đại hội khẳng định: Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ; hệ thống luận điểm về công cuộc đổi mới, về xã hội xã hội XHCN và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam về cơ bản đã hình thành. Đại hội chủ trương: Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đưa nước ta sớm ra khỏi tình trạng kém phát triển, vươn lên trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Diễn ra vào tháng đầu tiên của năm 2011 (tháng 01/2011), khi tổng kết 25 năm đổi mới và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng khẳng định: Công cuộc đổi mới, CNH, HĐH đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; Việt Nam đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình. Đại hội xác định mục tiêu tổng quát: Xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước XHCN ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Đại hội thảo luận và thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển 2011), trong đó: bổ sung 2 đặc trưng: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; đồng thời, điều chỉnh nội dung 5 trong số 6 đặc trưng của Cương lĩnh 1991. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V họp từ ngày 27 - 31.3.1982 tại Thủ đô Hà Nội

Tháng 01/2016, tại Thủ đô Hà Nội, diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Đại hội hội xác định mục tiêu tổng quát: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ XHCN. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững… Nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Đại hội xác định, kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Như vậy, qua mỗi kỳ Đại hội Đảng đã khẳng định vai trò lãnh đạo và đánh dấu sự trưởng thành, phát triển của Đảng. Những chủ trương lớn được xác định tại các kỳ Đại hội Đảng là yếu tố quyết định thắng lợi của Cách mạng Việt Nam 90 năm qua; tạo tiền đề cho những thành công của đất nước trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

Ý NGHĨA ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY

Những quyết sách đúng đắn của các kỳ đại hội Đảng đã tạo tiền đề và động lực để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đặc biệt, sau 35 năm Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới, trải qua 6 kỳ đại hội (từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI đến nay), Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử.

Trên lĩnh vực kinh tế:

Từ chỗ lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng (giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX), Việt Nam đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh và ổn định, chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước chuyển dịch sang chiều sâu. Tái cơ cấu nền kinh tế đạt kết quả bước đầu. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 200 USD năm 1990 lên 1.168 USD năm 2010 và trên 3.500 USD năm 2020. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng hiện đại. Năm 2020, tỷ trọng các ngành nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 14,6%; tỷ trọng ngành công nghiệp đạt 39,7%; tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ đạt 45,7%. Sự nghiệp CNH, HĐH được đẩy mạnh, với hơn 350 khu công nghiệp (KCN) vào năm 2020, trong đó gần 300 KCN đã đi vào hoạt động. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt trên 50%. Hoạt động kinh tế đối ngoại phát triển toàn diện và sâu rộng, đưa nước ta hội nhập ngày càng đầy đủ với kinh tế khu vực và thế giới. Năm 2020, xuất siêu hơn 19 tỷ USD. Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia trên thế giới; ký kết và phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do (FTA), với 16 FTA song phương và đa phương. Ngày 08/6/2020, Quốc hội Việt Nam chính thức phê chuẩn FTA giữa EU và Việt Nam.

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội:

Đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân được cải thiện rõ rệt. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện một bước. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 63% năm 2010 lên trên 90,85% năm 2020. Sự nghiệp xây dựng văn hóa và phát triển con người Việt Nam phát triển toàn diện được chú trọng. Đến năm 2020, Việt Nam có hơn 40 di sản vật thể, phi vật thể được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Công tác giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo đạt được những kết quả tốt. Tỷ lệ nghèo giảm mạnh, hộ nghèo đa chiều có xu hướng giảm mạnh, từ 53% năm 1993 xuống còn 24,4% năm 2015 và 6,83% năm 2019. Năm 2019, năng lực Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) tăng 10 bậc so với năm 2018, xếp thứ 67 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ; chỉ số Phát triển con người (HDI) xếp 118/189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến năm 2010, hoàn thành phổ cập trung học cơ sở trên phạm vi cả nước; tỷ lệ người lớn biết chữ đạt trên 90%. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở trẻ em giảm. Tuổi thọ trung bình của người dân tăng từ 63 tuổi năm 1990 lên 73,2 tuổi năm 2015 và gần 74 tuổi năm 2020.

Về xây dựng hệ thống chính trị:

Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đã đạt được những kết quả bước đầu. Quốc hội đẩy mạnh xây dựng luật pháp. Nền hành chính quốc gia được cải cách một bước. Quốc hội đã từng bước hoàn thiện cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động theo hình thức Nhà nước pháp quyền XHCN. Từ năm 1986 đến năm 2005, Quốc hội thông qua gần 150 luật. Từ năm 2006 đến năm 2015, Quốc hội thông qua hơn 100 luật, pháp lệnh. Đến đầu thế kỷ XXI, Bộ máy Chính phủ và chính quyền địa phương được kiện toàn một bước. Bộ máy Chính phủ giảm từ 49 đầu mối xuống còn 25 đầu mối. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên từng bước đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động cho phù hợp với tình hình mới. Đến hết năm 2019, số đầu mối trực thuộc Trung ương giảm 4 đầu mối; tổng cục và tương đương giảm 7; cục vụ và tương đương giảm 83; sở, ngành và tương đương giảm 119; đơn vị công lập giảm 5.145; thôn, tổ dân phố giảm 15.354…

Về đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đã giảm 827 lãnh đạo sở, ngành và tương đương, 9.063 lãnh đạo cấp phòng và tương đương, 8.131 cán bộ lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp ở địa phương.

Về công tác đối ngoại:

Thành quả nổi bật là Việt Nam đã phá thế bao vây, cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa; giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia. Bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (năm 1991), Hoa Kỳ (năm 1995), gia nhập ASEAN (năm 1995), gia nhập WTO (năm 2006); mở rộng quan hệ hợp tác với hầu hết nước lớn, như: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và các nước tư bản phát triển: Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Italia...; ký kết các hiệp ước đối tác chiến lược và hiệp ước đối tác toàn diện với nhiều nước trên thế giới. Từng bước giải quyết hòa bình các vấn đề biên giới, lãnh thổ biển, đảo với các nước liên quan, như: Trung Quốc, một số nước ASEAN. Đồng thời, tăng cường đàm phán, ký kết các FTA với ASEAN, EU, Mỹ... Đến năm 2020, Việt Nam đã thu hút gần 385 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng họp tại Hà Nội, từ ngày 28/6-1/7/1996

Về quốc phòng - an ninh:

Thành tựu cơ bản, bao trùm trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh là giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ củng cố an ninh, quốc phòng với chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ; vô hiệu hóa hoạt động của các đối tượng phản động trong và ngoài nước lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền để gây mất ổn định. Đảng đã chú trọng xây dựng, phát triển tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước; xây dựng lực lượng vũ trang, đặc biệt là quân đội và công an theo hướng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xây dựng được thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.

Đối với công tác xây dựng Đảng:

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch tấn công toàn diện vào Đảng và chế độ chính trị của đất nước, Đảng vẫn vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Từng bước nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, thống nhất tư tưởng trên những vấn đề cơ bản của công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong điều kiện mới; đấu tranh bảo vệ quan điểm, đường lối đúng đắn; phê phán các quan điểm sai trái đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, dân chủ cực đoan, phủ nhận thành tựu của cách mạng... Hệ thống tổ chức của Đảng và Nhà nước từng bước được kiện toàn theo hướng tinh gọn, giảm bớt đầu mối trung gian. Công tác cán bộ được đổi mới trên cơ sở lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo phẩm chất, năng lực cán bộ; bước đầu đổi mới phương thức lãnh đạo trên cơ sở coi trọng lãnh đạo thể chế hóa nghị quyết, lãnh đạo xây dựng luật và pháp lệnh, khắc phục tình trạng áp đặt, bao biện, làm thay.

Phát huy những thành quả đạt được sau 91 năm xây dựng và trưởng thành, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra từ ngày 25/01 đến ngày 02/02/2021, năm đầu tiên của thập kỷ thứ ba, thế kỷ XXI, có sứ mệnh hoạch định những chủ trương để tạo ra sự phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và sự biến động khó lường của tình hình quốc tế; đồng thời, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 để đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng, Việt Nam trở thành nước phồn vinh, hạnh phúc, có thu nhập bình quân đầu người trong nhóm nước có thu nhập trung bình cao.

Chủ đề của Đại hội là: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN.

Nhằm đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, Đại hội quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân các quan điểm cơ bản sau:

1- Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

2- Bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

3- Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ XHCN, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.

4- Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.

5- Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Đại hội xác định mục tiêu tổng quát: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, CNH, HĐH; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN”[1].

Các đại biểu biểu quyết tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Trên cơ sở mục tiêu tổng quát, Đại hội xác định mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt mục tiêu đó, Đại hội đề ra những nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN.

Thứ hai, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Thứ ba, giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.

Thứ tư, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân.

Thứ năm, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ XHCN, quyền làm chủ của Nhân dân; đồng thời, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là sự gương mẫu tuân theo pháp luật, kỷ cương, thực hành dân chủ XHCN của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên; tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ sáu, quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu./.

PGS, TS. Nguyễn Danh Tiên

Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 04/2021)


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (tài liệu lưu hành nội bộ), Hà Nội, 4/2020, tr28.