PV: Khung pháp lý cho hoạt động của TTCK Việt Nam từ năm 2021 có nhiều điểm mới, nhưng liên quan đến nhà đầu tư và doanh nghiệp, đâu là những điểm đáng chú ý nhất, thưa ông?

Chủ tịch Trần Văn Dũng: Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung cùng các nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành có nhiều thay đổi lớn, đang và sẽ tác động sâu rộng đến TTCK, mở ra nhiều cơ hội cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Liên quan đến hàng hóa trên thị trường, gốc rễ của việc phát triển TTCK chính là làm sao để có được hàng hóa tốt, chất lượng và các thông tin được minh bạch, chuẩn mực, từ đó bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Trên quan điểm như vậy, các điều kiện về công ty đại chúng, điều kiện niêm yết, về quản trị công ty, về chào bán, phát hành chứng khoán… đều được nâng cao và chuẩn hóa trong Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn, nhằm vun gốc cho TTCK vững vàng hơn, tạo nền tảng để TTCK bước lên nấc thang phát triển mới.

Các điều kiện về công ty đại chúng, điều kiện niêm yết, về quản trị công ty, về chào bán, phát hành chứng khoán… được nâng cao và chuẩn hóa trong Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn, nhằm vun gốc cho TTCK vững vàng hơn

Luật Chứng khoán mới cũng quy định về phát hành, niêm yết chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài. Các quy định này được chi tiết hóa, mang tới cơ hội lớn hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong tiếp cận nguồn vốn, tiếp thị thương hiệu trên thị trường quốc tế. Luật Doanh nghiệp và pháp luật chứng khoán đã bổ sung các quy định liên quan đến chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết. Các sản phẩm chứng khoán phái sinh sẽ được mở rộng hơn, tạo sự đa dạng hàng hóa trên thị trường, hoàn chỉnh cấu trúc thị trường.

Hệ thống văn bản pháp luật mới cũng mở ra nhiều cơ hội hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn, phát triển sản xuất kinh doanh, như cho phép chào bán dưới mệnh giá, quy định về điều kiện phát hành của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; quy định cụ thể về cách thức xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp…

Để kết nối mạnh hơn dòng vốn trong và ngoài nước với các cơ hội đầu tư tại Việt Nam, Luật Chứng khoán tạo ra cơ hội lớn hơn cho các doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán, như: cho phép các công ty chứng khoán được mở rộng dịch vụ như dịch vụ phối hợp với tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán, ứng trước tiền bán chứng khoán, được chào bán các sản phẩm tài chính… Cùng với đó, mô hình thị trường có sự đổi mới khi Luật Chứng khoán quy định sự ra đời của Sở Giao dịch chứng khoán (SGDCK) Việt Nam, Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD). Việc thành lập SGDCK Việt Nam sẽ tạo cơ chế thống nhất và chuyên nghiệp trong tổ chức thị trường. Đây sẽ là đơn vị đầu mối ban hành các quy chế liên quan đến tổ chức giao dịch chứng khoán.

PV: Năm 2020 đi vào lịch sử nhân loại khi đại dịch Covid-19 xảy ra đã làm gián đoạn sự kết nối cũng như sự phát triển của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Trên thị trường vốn, năm 2020 lại là năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Diễn đàn thị trường vốn ASEAN. Vậy UBCK đã thực hiện vai trò này như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Văn Dũng: Đảm nhận vai trò Chủ tịch Diễn đàn thị trường vốn ASEAN (ACMF) năm 2020, chúng tôi chọn chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” như một sự hữu duyên khi đây là năm thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Đại dịch buộc các thị trường phải thay đổi để thích ứng, nhưng điều đáng mừng là ACMF đã thành công trọn vẹn, dù nhiều phiên họp phải tổ chức theo hình thức trực tuyến để đảm bảo an toàn trong bối cảnh bình thường mới.

ACMF 2020 đã thống nhất được 5 mục tiêu chính cho giai đoạn 2021-2025. Thứ nhất là thúc đẩy cao hơn mức độ minh bạch và công bố thông tin trên các TTCK khu vực. Thứ hai là thúc đẩy hài hòa hóa quy định trong các thị trường vốn ASEAN. Thứ ba là tăng cường xây dựng năng lực của các cơ quan quản lý thị trường. Thứ tư là tăng cường trao đổi nhận thức về thị trường vốn và phát triển thị trường vốn. Thứ năm là tăng cường sự hợp tác và phối hợp giữa các thị trường ASEAN để hướng đến mục tiêu liên kết toàn diện.

ACMF có sự tham gia của các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán của 10 quốc gia thuộc khối ASEAN gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Campuchia, Lào, Brunei, Philippines và Việt Nam. Năm 2020, theo cơ chế luân phiên, Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ACMF. Điều đáng mừng là nền kinh tế Việt Nam có sức chống chịu với đại dịch rất tốt, là một trong số ít quốc gia có tăng trưởng dương năm 2020 và TTCK Việt Nam năm 2020 có sự bứt phá mạnh mẽ. Theo đó, một số kinh nghiệm ứng phó với đại dịch đã được Ủy ban Chứng khoán Việt Nam chia sẻ tại ACMF, tạo nên sự hiểu biết chung trong nội khối, để cùng vượt qua khó khăn chưa từng có như năm 2020.

Một số nội dung Việt Nam đề xuất, sau một thời gian áp dụng, được Tổ chức Quốc tế các ủy ban chứng khoán (IOSCO) khuyến nghị áp dụng trên phạm vi toàn thế giới. Vị thế của TTCK Việt Nam được đánh giá cao hơn sẽ là một nhân tố thuận lợi cho tiến trình nâng hạng thị trường.

PV: Liên quan đến câu chuyện nâng hạng, nhiều nhà đầu tư kiến nghị, hoạt động này cần đẩy mạnh hơn nữa và cần tạo cơ chế bình đẳng cho nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc mở rộng không gian đầu tư cho khối ngoại vào doanh nghiệp Việt Nam. Xin ông chia sẻ những điểm mới về nội dung này trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Trần Văn Dũng: Từ ngày 01/12/2020, Tổ chức xếp hạng các thị trường quốc tế MSCI đã đưa Kuwait lên thị trường mới nổi. Đây là một yếu tố tích cực đối với TTCK Việt Nam khi trở thành thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ MSCI Frontier Markets Index. Các quỹ chuyên đầu tư vào khu vực cận biên (Frontier Markets), như: Schroder ISF Frontier Markets Fund, Coeli Frontier Markets Fund, T.Rowe Price Frontier Markets Fund đang gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trên TTCK Việt Nam. Trong năm 2021, việc Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cùng có hiệu lực, đang và sẽ tạo ra môi trường đầu tư minh bạch và tốt hơn. Do đó, việc xem xét nâng hạng TTCK Việt Nam đang có những tiến triển thuận lợi. Chúng tôi tin rằng, mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam trước năm 2025 là hoàn toàn khả thi.

Về việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, với các quy định tại Luật Đầu tư, nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán, không gian cho nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) sẽ được mở hơn nữa. Cụ thể, tại Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, số lượng ngành, nghề tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà ĐTNN được rút ngắn khá nhiều. Cùng với đó, danh mục sẽ cụ thể các điều kiện đối với nhà ĐTNN (trong đó có điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ) trên cơ sở tổng hợp điều ước quốc tế, pháp luật chuyên ngành.

Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán đã cụ thể quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng theo hướng thống nhất với pháp luật đầu tư; bổ sung các quy định đặc thù về biện pháp kỹ thuật trong ứng xử với các tổ chức có trên 50% vốn điều lệ của nhà ĐTNN trên TTCK (việc đăng ký mã số giao dịch của tổ chức kinh tế), cụ thể nghĩa vụ công bố thông tin về sở hữu nước ngoài tối đa của công ty đại chúng, tạo điều kiện tiếp cận thông tin tốt hơn cho nhà ĐTNN về vấn đề này.

PV: Một trong những vấn đề được nhà đầu tư cũng như các thành viên tham gia TTCK đặc biệt quan tâm, đó là giữ gìn sự minh bạch và công bằng trên TTCK. Xin ông cho biết, từ năm 2021, công tác thanh tra, xử lý vi phạm của cơ quan quản lý TTCK sẽ được làm mới như thế nào?

Ông Trần Văn Dũng: Trước bối cảnh TTCK hội nhập sâu, rộng với TTCK quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tài chính (Fintech) đang tạo ra rất nhiều cơ hội để phát triển TTCK hiệu quả hơn, phục vụ được nhiều khách hàng hơn với chi phí thấp hơn, nhưng cũng mang tới nhiều rủi ro, thách thức mà cơ quan quản lý và thị trường phải đối mặt, nhất là các rủi ro đổ vỡ hệ thống, rủi ro mô hình kinh doanh, rủi ro an ninh mạng. Cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 156/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK với nhiều điểm mới, bổ sung hình phạt tăng nặng.

Chẳng hạn, Nghị định 156 quy định, việc sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán sẽ bị phạt tiền 10 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn mức phát tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cùng với đó, chủ thể vi phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán hoặc công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam. Người hành nghề sẽ bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong thời hạn từ 18 tháng đến 24 tháng nếu vi phạm điều này và bị buộc nộp lại khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định.

Với vi phạm thao túng TTCK, Nghị định quy định phạt tiền 10 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn mức phạt tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán hoặc công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam có hành vi vi phạm. Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong thời hạn từ 18 tháng đến 24 tháng đối với người hành nghề chứng khoán có hành vi vi phạm quy định.

Nghị định 156 tiếp tục quy định cụ thể xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán và bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về phòng, chống tài trợ khủng bố trong lĩnh vực chứng khoán. Một số hành vi mới liên quan đến phòng, chống rửa tiền được bổ sung so với Nghị định 145/2016/NĐ-CP, như: Hành vi vi phạm quy định về kiểm toán nội bộ, rà soát khách hàng, vi phạm quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền và hành vi thiết lập hoặc duy trì tài khoản vô danh, tài khoản sử dụng tên giả theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền. Khung xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố từ 20 triệu đồng tới 250 triệu đồng. Ngoài ra, đối với hành vi tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ có thể bị đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán có thời hạn.

Luật Chứng khoán đã trao quyền hơn cho Ủy ban Chứng khoán trong việc yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra; yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản khách hàng khi có dấu hiệu thực hiện hành vi bị nghiêm cấm; yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, thời gian gọi để xử lý hành vi bị nghiêm cấm… Khung pháp lý này giúp cơ quan quản lý TTCK chủ động hơn trong điều hành, tạo cơ chế giám sát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, góp phần cho TTCK phát triển an toàn, bền vững.

PV: TTCK Việt Nam tròn 20 năm hoạt động vào năm 2020 và đây cũng là năm Việt Nam được ghi nhận là nước có TTCK có sức chống chịu và phục hồi thuộc hàng cao nhất thế giới. Mục tiêu lớn nhất mà Chính phủ đặt ra là TTCK phải trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế và phải giữ được sự tăng trưởng bền vững. Ông cảm nhận như thế nào về việc hiện thực hóa các mục tiêu trên?

Ông Trần Văn Dũng: Trải qua chặng đường phát triển hơn 20 năm, TTCK đã khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn hữu hiệu cho nền kinh tế. TTCK đã giúp huy động khoảng 1,6 triệu tỷ đồng cho doanh nghiệp và cho Nhà nước để đầu tư và phát triển. Ngay trong năm 2020 này, mặc dù kinh tế rất khó khăn nhưng giá trị huy động vốn vẫn tăng 20%, trong đó huy động vốn qua trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp đều đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Năm 2000, khi TTCK mới mở cửa, vốn hóa thị trường chỉ đạt 986 tỷ đồng, tương đương 0,28% GDP, các doanh nghiệp hầu như phải huy động vốn qua kênh tín dụng ngân hàng. Đến năm 2020, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tới 84,3% GDP. Hàng trăm ngàn tỷ đồng đã được các doanh nghiệp, kể cả các ngân hàng huy động qua TTCK. Từ 2 mã cổ phiếu niêm yết ban đầu đến nay TTCK Việt Nam đã có trên 750 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 SGDCK và trên 900 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên thị trường dành cho công ty đại chúng.

Sự phát triển của TTCK Việt Nam đã góp phần thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế trên cả 3 trụ cột. Thứ nhất, TTCK đã thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước thông qua cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước bằng các cơ chế đấu giá minh bạch, hiện đại và gắn cổ phần hóa với đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK nhằm tăng cường tính minh bạch, hiệu quả hoạt động và bảo vệ lợi ích nhà đầu tư. Thứ hai, TTCK đã giúp tái cơ cấu nợ công và đầu tư công thông qua việc trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho ngân sách nhà nước. Thứ ba, TTCK hỗ trợ quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại tham gia niêm yết trên TTCK, góp phần nâng cao năng lực tài chính và an toàn vốn, nâng cao năng lực quản trị, tính công khai, minh bạch, thu hút nhà đầu tư nước ngoài là các tổ chức tài chính.

Hoạt động của TTCK 20 năm qua phải trải qua rất nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng đã tạo nên một kênh đầu tư mới, minh bạch, hiện đại, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Chính sự tham gia của các nhà đầu tư (đến cuối năm 2020, TTCK có 2,75 triệu tài khoản được mở) đã không chỉ giúp các doanh nghiệp huy động được vốn, mà còn tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy các doanh nghiệp cải thiện chất lượng quản trị, sức khỏe tài chính, hiệu quả kinh doanh, phát triển cân bằng và vươn lên trong nền kinh tế.

TTCK Việt Nam thu hút 2,8 triệu nhà đầu tư tham gia và hiện có trên 30 doanh nghiệp quy mô vốn hóa hàng tỷ USD

Nếu như 20 năm trước, chúng ta không có doanh nghiệp quy mô lớn nào thì đến nay, Việt Nam có trên 30 doanh nghiệp niêm yết có quy mô hàng tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp đã vươn tầm quốc gia, không chỉ phát triển kinh doanh tại nước ngoài mà là huy động vốn, niêm yết trên thị trường quốc tế. Đây là những thành tựu rất đáng trân trọng trên hành trình 20 năm xây TTCK từ con số 0 đến một thị trường lớn mạnh như ngày hôm nay.

PV: Xin ông chia sẻ dự cảm về nền kinh tế và TTCK Việt Nam năm 2021?

Ông Trần Văn Dũng: Theo tôi, TTCK năm 2021 có nhiều yếu tố cho kỳ vọng phát triển bền vững. Thứ nhất, chúng ta có thể thấy thành công của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 tới đây sẽ là yếu tố đặt nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế trong thời gian tới. TTCK nhờ đó sẽ được hưởng lợi từ chính sách của Đảng và Chính phủ được ban hành ngay sau đó.

Thứ hai, chúng ta thấy dấu ấn của TTCK Việt Nam qua 20 năm phát triển và chiến lược phát triển trong thời gian tới sẽ được hoạch định thông qua Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030.

Thứ ba, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam được hình thành và bắt đầu sự chuẩn bị cho kế hoạch phân định lại thị trường theo hướng chuyên nghiệp hơn: Sở SGDCK TP. Hồ Chí Minh tập trung cho giao dịch cổ phiếu, chứng quyền có bảo đảm, chứng chỉ quỹ; SGDCK Hà Nội tập trung cho giao dịch trái phiếu và phái sinh.

Thứ tư, hệ thống công nghệ thông tin sẽ được đưa vào vận hành từ cuối năm 2021, và việc nghiên cứu triển khai số hóa các tài sản tài chính trên TTCK, áp dụng các công nghệ tài chính mới (Fintech); chuẩn hóa hoạt động mở tài khoản trực tuyến (e-contract); xác thực khách hàng trực tuyến (eKYC).

Thứ năm, như tôi đã nói trên, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi và các văn bản hướng dẫn cùng có hiệu lực từ năm 2021, đang và sẽ tạo nền tảng pháp lý mới, thúc đẩy tính bền vững và hiệu quả của TTCK, của nền kinh tế.

Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu nền kinh tế năm 2021 sẽ tăng trưởng 6,5% và nhiều tổ chức quốc tế như WB, ADB, OECD đặt niềm tin kinh tế Việt Nam có thể đạt tăng trưởng từ 6,8-8% trong năm này, tôi cho rằng, những kỳ vọng đó sẽ tạo niềm tin và động lực cho TTCK năm 2021. Bên cạnh những yếu tố tích cực, TTCK luôn hàm chứa những rủi ro không thể lường hết, nhưng sự ổn định kinh tế vĩ mô chính là môi trường thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp vươn lên phát triển và đó cũng là động lực giúp TTCK tăng sức hấp dẫn từ nội lực, khẳng định vị thế mới sau 20 năm xây dựng và trưởng thành trong nền kinh tế vừa qua./.