Fed quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên trong vòng 1 năm

Chiều 14/12 (rạng sáng 15/12 theo giờ Việt Nam), Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm, từ biên độ 0,25%-0,5% lên 0,5%-0,75%, dựa trên đánh giá nền kinh tế Mỹ đang cải thiện. Đây là lần đầu tiên Fed nâng lãi suất trong vòng 1 năm qua và là lần duy nhất trong năm 2016.

Kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed, FOMC nêu rõ: "Sau khi đánh giá các điều kiện thị trường lao động và lạm phát, ủy ban đã quyết định nâng biên độ lãi suất".

Trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua cắt giảm thuế, tăng cường chi tiêu vào cơ sở hạ tầng và bãi bỏ một số quy định, các quan chức của Fed cho biết họ dự kiến sẽ tiến hành 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2017, theo đó sẽ nâng lãi suất lên mức 1,4% vào cuối năm sau, sau đó sẽ tăng tiếp lên 2,1% vào cuối năm 2018.

Ngân hàng trung ương Nga quyết định giữ nguyên lãi suất mức 10%

Ngày 16/12, Ngân hàng trung ương Nga đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 10%, qua đó lựa chọn giải pháp giữ lạm phát trong tầm kiểm soát hơn là đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Giám đốc Ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết nguy cơ lạm phát đã giảm và triển vọng trung hạn không thay đổi kể từ khi ngân hàng này cắt giảm lãi suất lần gần đây nhất là hồi tháng 9 vừa qua. Theo bà Nabiullina, Nga hy vọng lạm phát của nước này sẽ ở mức 5,4-5,8% vào cuối năm nay, đồng thời đặt mục tiêu lạm phát ở mức 4% trong năm tới.

Tuy nhiên, trong một thông báo riêng, Ngân hàng trung ương Nga cảnh báo rằng khả năng cắt giảm lãi suất rất hạn chế trong tương lai gần.

EU siết nhập khẩu sau căng thẳng thương mại với Trung Quốc

Trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc căng thẳng liên quan đến quy định về chống bán phá giá, ngày 13/12, các nước thành viên của khối này đã nhất trí siết chặt các quy định thương mại đối với các mặt hàng nhập khẩu, trong đó có các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc.

Sau 3 năm thương lượng, các nước EU đã bỏ phiếu cho phép châu Âu có quyền hạn lớn hơn trong việc chống lại nguyên liệu nhập khẩu giá rẻ. Động thái này được nhìn nhận sẽ làm sâu sắc thêm căng thẳng thương mại với Trung Quốc.

Bộ trưởng Thương mại Slovakia, nước đang là Chủ tịch luân phiên EU, ông Peter Ziga nhận định đây là một sự đột phá quan trọng, cho thấy EU không thể "ngờ nghệch" và phải bảo vệ lợi ích của mình, đặc biệt trong trường hợp bán phá giá.

IMF tuyên bố Hy Lạp không cần tiếp tục chính sách khắc khổ

Ngày 12/12, các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuyên bố Hy Lạp hiện tại không cần tiếp tục thi hành chính sách "thắt lưng buộc bụng" và nếu nước này quyết định tiếp tục cắt giảm chi tiêu thì không nên lấy IMF làm lý do.

Trong một bài viết, nhà kinh tế trưởng Maurice Obstfeld và Giám đốc Ban châu Âu Poul Thomsen, 2 quan chức của IMF tham gia vào tiến trình đàm phán nợ Hy Lạp, chỉ trích chính quyền Athens đã "bóp méo sự thật" khi nói rằng IMF yêu cầu Hy Lạp tiến hành cắt giảm chi tiêu công sâu hơn để đổi lấy các gói cứu trợ tài chính.

Hai quan chức này khẳng định cho đến nay, IMF vẫn bảo lưu quan điểm rằng Hy Lạp hiện tại không cần tiếp tục cắt giảm thêm chi tiêu và tăng thuế.

Cơ quan này thậm chí còn cảnh báo Athens về những nguy cơ đến từ việc thúc đẩy quá mức thặng dư ngân sách cơ bản - chưa tính chi phí trả nợ cho các khoản vay - vượt con số 1,5% GDP mà IMF đánh giá là mốc thực tiễn./.