Tiềm năng rộng mở

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức đã ký 25 sắc lệnh, trong đó có việc nước Mỹ sẽ quay trở lại Hiệp định Paris và nhiều sắc lệnh vạch ra hướng đi cho chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu, nhằm nối lại các nỗ lực bảo vệ môi trường. Chính phủ của ông Joe Biden cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ thương mại tự do và tư duy này.

Ở góc nhìn kinh tế, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Trường đại học FulBright Việt Nam, một thời kỳ mới về thương mại quốc tế sẽ mở ra, trong đó Việt Nam có cơ hội vững vị thế của một quốc gia xuất khẩu. Với tiềm năng của thị trường nguyên liệu xanh, xuất khẩu của Việt Nam có cơ hội vững tiến khi nền kinh tế Việt có những doanh nghiệp mạnh về tài chính và sáng chế công nghệ như An Phát Holdings, đang tính bài toán “chớp cơ hội vàng”.

Tiến sĩ Nguyễn Lê Thăng Long, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất PBAT An Phát, thành viên Tập đoàn An Phát Holdings nhận định, thị trường nguyên liệu xanh toàn cầu đang trong giai đoạn khởi đầu với tiềm năng rất lớn khi ngành công nghiệp thế giới dần chuyển sang các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tại châu Âu, châu Mỹ, Úc, Canada và nhiều quốc gia khác, Chính phủ đã ban hành lệnh cấm hoặc đánh thuế rất cao đối với hoạt động sản xuất và tiêu dùng bao bì màng mỏng/túi nhựa truyền thống khi nhận ra rằng, càng tiêu dùng những sản phẩm truyền thống, Trái đất càng phải ôm vào lòng mình những khối ô nhiễm lớn, cần hàng chục, hàng trăm năm để phân hủy. Nhu cầu về sản phẩm phân hủy sinh học và thân thiện với môi trường kéo theo nhu cầu về nguồn nguyên liệu để tạo nên các sản phẩm ấy và đây sẽ là cơ hội cho những doanh nghiệp đủ sức mạnh “chớp thời cơ”.

Dự báo dung lượng thị trường giai đoạn 2019 - 2025 (Nguồn: European Bioplastics Association)

Xu hướng tiêu dùng xanh kéo theo sự ra đời và phát triển nhanh chóng của nguồn nguyên liệu chất dẻo sinh học (bioplastics). Nhóm ngành được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh, chạm mốc 2,87 triệu tấn vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng khoảng 36% trong 5 năm tới. Báo cáo của Hiệp hội Nguyên liệu sinh học châu Âu (EUBP) cho biết, bioplastics được ứng dụng để sản xuất nhiều sản phẩm khác như hàng tiêu dùng hoặc các sản phẩm nông nghiệp, làm vườn.

Châu Á đang là trung tâm sản xuất chính với hơn 46% thị phần sản xuất bioplastics, 25% công suất sản xuất còn lại được đặt tại châu Âu. Tỷ lệ này được dự đoán sẽ tăng lên 28% vào năm 2025.

Doanh nghiệp Việt bước chân vào thị trường nguyên liệu xanh quốc tế

Bên cạnh nguồn nguyên liệu được sản xuất từ tinh bột bắp hoặc đường mía (PLA) và tinh bột hóa dẻo, PBAT - nguồn nguyên liệu có khả năng phân hủy sinh học được dự báo sẽ là tương lai của ngành bioplastics. Trên thế giới, một số nhà sản xuất hàng đầu như BASF (Đức), Novamont (Ý), AnKor Bioplastics (Hàn Quốc) và mới đây có thêm Hengli Group (công suất 33.000 tấn/năm) đang cung cấp nguồn nguyên liệu PBAT với dung lượng khoảng 500.000 tấn, tính đến cuối năm 2020. Tại Việt Nam, doanh nghiệp đầu tiên bước chân vào thị trường PBAT là Tập đoàn An Phát Holdings. Lãnh đạo Tập đoàn này cho biết, nhà máy sản xuất chất dẻo phân hủy sinh học hoàn toàn (PBAT) sẽ được khởi công vào tháng 9/2021, công suất dự kiến 30.000 tấn/năm. Nhà máy sẽ khánh thành năm 2023 nhằm tham gia chuỗi cung ứng nguyên liệu PBAT trên toàn cầu.

Sản xuất sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn tại nhà máy thuộc Tập đoàn An Phát Holdings

Thị trường chất dẻo phân hủy sinh học hoàn toàn là cơ hội, nhưng để bước chân vào và cạnh tranh với các tên tuổi lớn trên trường quốc tế đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải có nền tảng tài chính và công nghệ đủ mạnh. Với vị thế là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất ngành nhựa Việt Nam, có mạng lưới khách hàng rộng lớn và đặc biệt là số ít doanh nghiệp sở hữu sáng chế nguyên liệu và sản phẩm xanh trên thế giới, An Phát Holdings tự tin bước sang thị trường PBAT. Nhà máy PBAT đặt mục tiêu sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn BPI Compostable của Hoa Kỳ, TUV OK Compost và DinCertco Compostable của châu Âu. Tiến sĩ Nguyễn Lê Thăng Long cho biết, An Phát Holdings chọn công nghệ sản xuất độc quyền từ Đức với công thức được nghiên cứu bởi các chuyên gia Hàn Quốc, để ngay khi ra sản phẩm, PBAT sẽ đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế.

Trong định hướng của An Phát Holdings, 70% sản phẩm PBAT sản xuất ra dùng để khép chuỗi cung ứng của An Phát Holdings, sản xuất các sản phẩm phân hủy sinh học hoàn toàn như túi rác, túi thực phẩm, túi có quai, ống hút, cốc giấy, dao, thìa, dĩa… dùng một lần, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 30% nguồn nguyên liệu PBAT sẽ dùng để thương mại, cung cấp cho các đơn vị sản xuất trong nước và quốc tế. An Phát Holdings cũng xác định thị trường mục tiêu là Mỹ, EU, Canada, Hàn Quốc, Úc…

Các nước lớn trên thế giới như Mỹ, EU, Canada… đang dần cấm/hạn chế túi nilon

Nỗ lực bảo vệ môi trường đòi hỏi sự chung tay của tất cả các Chính phủ. Tại Việt Nam, Chính phủ đang có chính sách hạn chế túi sử dụng một lần trong các siêu thị, nhà hàng, chợ dân sinh và tăng thuế môi trường vào những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm gây ô nhiễm. Cùng với đó, người dân Việt Nam, nhất là giới tiêu dùng trung lưu và cao cấp, ngày càng có ý thức gìn giữ môi trường sống, nên xu hướng chọn lựa các sản phẩm thân thiện môi trường ngày càng rõ nét. An Phát Holdings cho biết, đây là mảng thị trường rất tiềm năng, Tập đoàn này đang và sẽ hướng đến mạnh mẽ trong thời gian tới.

Trong hệ sinh thái sản xuất của mình, An Phát Holdings có lợi thế đặc biệt khi từng bước làm chủ nguồn nguyên liệu, Tập đoàn giảm chi phí nguyên liệu đầu vào phân hủy sinh học khoảng 20 - 30% cho các công ty thành viên như An Phát Bioplastics, An Trung Industries…, từ đó có lợi thế giảm giá thành các sản phẩm xanh, phát triển rộng hơn các khách hàng trong nước và quốc tế./.