Đây là thông tin rất đáng quan tâm được bà Hoàng Phương Thảo chia sẻ tại lễ khởi động chương trình quan hệ đối tác “Để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến với COVID–19”, hợp tác thực hiện dự án hỗ trợ lao động nữ trong các khu vực phi chính thức của nền kinh tế tại Đà Nẵng và Huế diễn ra hôm qua 8/3 tại Hà Nội. Sự kiện do Đại sứ quán New Zealand và Tổ chức ActionAid Việt Nam phối hợp tổ chức.

Ông Joseph Mayhew - Đại diện Đại sứ quán New Zealand trao tặng hỗ trợ cho bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng Đại diện ActionAid Vietnam tại lễ ký kết khởi động dự án

Bà có thế cho biết các thông tin cụ thể về dự án cũng như các đối tượng có thể tiếp cận các hỗ trợ từ dự án?

Đây là một sáng kiến ​​thiết thực giúp giảm bớt tác động kinh tế của COVID-19 và tăng cường khả năng phục hồi sinh kế của hàng trăm lao động nữ và gia đình họ tại trong khu vực phi chính thức ở Đà Nẵng và Huế.

Theo đó, Đại sứ quán New Zealand trao tặng 50.000 NZD (tương đương 790.000.000 VND) cho dự án, nhằm hỗ trợ hơn 350 lao động nữ làm công việc phi chính thức như bán hàng rong, thu gom rác hoặc giúp việc nhà, trong 3 tháng tới. Đây là một trong những dự án quan trọng và hết sức có ý nghĩa trong chương trình hợp tác tổng thể giữa New Zealand và Việt Nam trên lĩnh vực hỗ trợ cộng đồng, góp phần giảm thiểu các tác động nặng nề của dịch Covid 19, sớm giúp người lao động vượt qua khó khăn và sớm phục hồi sinh kế.

Như chúng ta đã biết, đại dịch COVID-19 đã làm ngành du lịch Việt Nam bị thiệt hại nặng, trong đó, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, hai trung tâm du lịch quốc tế lớn của cả nước cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Dự án hỗ trợ đào tạo kiến thức về quản lý kinh tế hộ gia đình, quyền của phụ nữ và dinh dưỡng trẻ em, bên cạnh một khoản hỗ trợ tài chính nhỏ để mua thực phẩm, nhu yếu phẩm sinh hoạt hoặc các phương án sinh kế nhỏ. Chúng tôi tin rằng hỗ trợ lao động nữ trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch là một thành phần quan trọng của quá trình phục hồi mạnh mẽ, toàn diện và công bằng.

Thưa bà, tại sao ActionAid lại lựa chọn đối tượng phụ nữ phi chính thức để hỗ trợ phục hồi sinh kế trong và sau đại dịch COVID-19?

Trên thực tế, lao động phi chính thức chiếm hơn 57% lực lượng lao động của Việt Nam và nhiều người trong số họ là phụ nữ. Họ là đối tượng chịu tác động trực tiếp rất lớn từ đại dịch Covid 19 kéo dài do mất sinh kế, thu nhập. Tuy nhiên điều đáng nói là dù chiếm tỷ lệ lớn và chịu nhiều thiệt thòi song phần lớn phụ nữ thuộc khu vực này lại chưa được tiếp cận đầy đủ với các hỗ trợ từ Chính phủ cũng như các tổ chức xã hội hoặc cộng đồng.

Kết quả các nghiên cứu chúng tôi mới công bố gần đây cho thấy nữ lao động trong khu vực phi chính thức là đối tượng thiệt thòi nhiều nhất và bị ảnh hưởng nặng nề nhất do ảnh hưởng của đại dịch COVID. Gần 70% người lao động trong khu vực này bị giảm thu nhập, hơn 90% trong số họ bị ốm trong thời gian giãn cách xã hội nhưng 2/3 những người này lựa chọn ở nhà và tự chữa, do không được tiếp cận với bảo hiểm y tế hay bảo hiểm xã hội.

Vì vậy, chúng tôi hi vọng qua dự án khiêm tốn này sẽ có thêm một số chị em nữ lao động phi chính thức sẽ tiếp cận được thêm thông tin về quản lý kinh tế hộ gia đình, chăm sóc trẻ và bản thân mình, về bình đẳng giới và thông tin liên quan. Qua đó có thể giúp họ giảm nhẹ phần nào gánh nặng cơm áo gạo tiền của các nữ lao động phi thức, trong hai thành phố này.

Dự án chủ yếu hướng tới hỗ trợ các lao động nữ phi chính thức tại hai địa phương Đà Nẵng và Huế. Bà có thể cho biết lý do lựa chọn đối tượng tại 2 khu vực chính này?

Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng là hai thành phố du lịch quan trọng của Việt Nam bị ảnh hưởng rất nặng nề do COVID. Riêng tại Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, gần 90.000 người làm việc trong ngành du lịch bị thất nghiệp hoặc bị giảm thu nhập do COVID - 19. Chỉ 22% người lao động phi chính thức được (ActionAid) khảo sát khẳng định được tiếp cận gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng từ Chính phủ.

Hầu hết các lao động nữ bán hàng rong hay nhặt ve chai ở hai thành phố này đều bị mất nguồn thu nhập và sinh kế do COVID.

Với việc triển khai dự án này, chúng tôi mong muốn sẽ đóng góp vào các hỗ trợ chung của Chính phủ và cộng đồng nhằm giúp lao động nữ phi chính thức tại hai thành phố Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế có thể nhận được trợ cấp và hỗ trợ đào tạo để sớm phục hồi sinh kế sau cú sốc kinh tế từ đại dịch COVID-19. Với ý nghĩa này, dự án này là một nỗ lực khiêm tốn giúp lao động nữ trở nên ‘hữu hình’ hơn trong cộng đồng, bên cạnh việc xây dựng một mô hình thiết thực để các nhóm đối tượng và cá nhân hưởng lợi có thể tiếp cận hỗ trợ một cách hiệu quả và minh bạch. Chúng tôi muốn đóng góp vào các cam kết giữa Việt Nam và New Zealand cùng hành động để “Không Ai Bị Bỏ Lại Phía Sau’ trong cuộc chiến với COVID-19.

Được biết, cùng với dự án này, AAV Việt Nam cũng vừa công bố kết quả khảo sát về tác động của dịch Covid lên lao động nữ phi chính thức tại Hà Nội và TPHCM. Các kết quả này nói lên điều gì thưa bà?

Qua khảo sát hơn 500 lao động phi chính thức tại hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh về tình hình sinh sống và việc làm của họ trong đại dịch, chúng tôi thấy rằng trong số 48.2% người lao động phản ánh bị giảm thu nhập nặng nề thì đặc biệt, phụ nữ thuộc nhóm lao động phi chính thứcphải chịu nhiều gánh nặng khi vai trò cung cấp thu nhập chính trong gia đình chuyển nhiều sang nữ giới (81.1% người được phỏng vấn công nhận).

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ luôn thực hiện các “nghĩa vụ” chăm sóc không lương, giờ đây, thêm cộng với áp lực về kinh tế và áp lực trong thời kỳ thất nghiệp dẫn đến xung đột quan hệ giới và làm gia tăng bạo lực gia đình. Gánh nặng kiếm tiền lo cho gia đình trong thời gian giãn cách do COVID-19 được chuyển lên vai người phụ nữ, bên cạnh các công việc chăm sóc không lương mà họ vẫn tiếp phải làm như trước COVID.

Điều này cho thấy phụ nữ trong khu vực lao động phi chính thức là một trong những đối tượng chịu nhiều tác động và thiệt thòi nhất từ đại dịch Covid 19. Vì vậy, rất cần có những hoạt động hỗ trợ thiết thực và kịp thời hơn nữa nhằm góp phần nâng sức chống chịu và thêm vốn sinh kế cho các lao động nữ phi chính thức. Đặc biệt, cần có sự chung tay của Chính phủ, cộng đồng cũng như các tổ chức xã hội tập trung hỗ trợ những người phụ nữ có sinh kế bấp bênh có thể tiếp thêm nguồn vốn giúp họ đảm bảo sinh kế cho cuộc sống cũng như cần có sự hỗ trợ năng lực để hỗ trợ họ vượt qua thời điểm khó khăn này./.