Ngành hàng không toàn cầu: 70 hãng phá sản, trên 400.000 việc làm bị cắt giảm

Đại dịch Covid-19 đã làm ngành hàng không toàn cầu năm 2020 điêu đứng với 400.000 việc làm bị cắt giảm. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho biết, các hãng hàng không vẫn đang chống chọi để duy trì hoạt động, một phần nhờ nguồn lực của doanh nghiệp, phần khác nhờ chính phủ bơm tiền. Theo IATA, tính đến hết năm 2020, số lượng doanh nghiệp phá sản có thể là 70 hãng.

Kể từ khi xảy ra dịch bệnh đến nay, các chính phủ trên thế giới đã chi tổng cộng khoảng 173 tỷ USD hỗ trợ cho ngành hàng không dưới nhiều hình thức như viện trợ trực tiếp, trợ cấp tiền lương, giảm thuế thu nhập, giảm thuế nhiên liệu bay và các dịch vụ liên quan. Tuy nhiên, viện trợ của chính phủ được phân bổ không đồng đều giữa các quốc gia. Trong khi các hãng hàng không ở Hoa Kỳ, châu Âu và các khu vực châu Á nhìn chung nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ chính phủ, thì sự hỗ trợ của các hãng hàng không ở châu Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Phi còn rất hạn chế.

Các chương trình hỗ trợ ban đầu của Chính phủ cho các hãng hàng không đang dần cạn kiệt, khi cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra đối với ngành hàng không quốc tế vượt xa mọi dự báo. Số tiền trợ cấp lương từ quý IV/2020 đến quý IV/2021 chỉ còn khoảng 15 tỷ USD. Trong bối cảnh ngành hàng không thế giới vẫn chưa thể sớm hồi phục và lượng hành khách dự báo chỉ có thể trở lại mức trước dịch vào năm 2024 thì số người mất việc vẫn tiếp tục gia tăng nếu chương trình hỗ trợ trả lương không được bổ sung và gia hạn.

Tại Việt Nam, Covid-19 xảy ra khiến lượng hành khách vận chuyển sụt giảm mạnh trong năm 2020. Trong cả năm qua, lượng hành khách vận chuyển chỉ đạt 34,8 triệu khách (-61,3 %yoy), trong đó khách quốc tế đạt hơn 3 triệu (-78,87% yoy), khách nội địa đạt 31,7 triệu (-24,93% yoy).

Hiện nay, vaccine chống lại Covid-19 đang được phân phối rộng rãi tới nhiều quốc gia, nhưng nhà tư vấn của BVSC, ông Đỗ Long Khánh đánh giá rằng, Chính phủ sẽ thận trọng hơn khi nối lại các đường bay quốc tế trong năm nay. Năm 2021, BVSC dự báo lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,8 triệu hành khách (-39% yoy). Nguồn khách hàng nhiều hy vọng hơn là khối nội địa. BVSC ước tính lượng khách nội địa vận chuyển năm 2021 đạt 34,7 triệu (+9,39% yoy), bằng 82,1% so với năm 2019.

Tuy nhiên, thị trường khai thác bay đang có thêm những tên tuổi mới, khiến cạnh tranh tiếp tục gia tăng. Hãng hàng không Viettravel đã được chấp thuận hoạt động từ tháng 1/2021, với ba máy bay thân hẹp cho thị trường nội địa, sẽ lấy một phần khách hàng của các hãng hàng không hiện có. Bên cạnh đó, Bamboo cũng liên tục gia tăng đội bay thông qua hình thức thuê ướt. Cạnh tranh sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp vận tải trong ngành, với mức giá trung bình so với năm 2019 trung bình vào khoảng 64,5%.

Vietnam Airlines chờ hỗ trợ, dự báo vẫn lỗ 6.000 tỷ đồng năm 2021

Trong nỗ lực hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua đi dịch, các chính sách như giảm chi phí cất hạ cánh, dịch vụ điều hành bay đi/đến, dịch vụ mặt đất.. đã được Chính phủ ban hành và áp dụng đến hết 2020 (thời hạn của chính sách phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh). Ngoài ra, Chính phủ cũng có cơ chế riêng nhằm tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines (mã cổ phiếu HVN), khi thông qua hai hình thức là cho vay với lãi suất ưu đãi và đầu tư mua cổ phần. Trước đó, Vietnam Airlines đã đề nghị gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng với hai phần (1) 8.000 tỷ đồng thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu, cổ đông nhà nước có thể giao SCIC mua cổ phần; (2) cho vay 4.000 tỷ đồng trong 3 năm với lãi suất ưu đãi.

SCIC sẵn sàng đầu tư 8.000 tỷ đồng thông qua hình thức mua cổ phiếu của Vietnam Airlines, nhưng thủ tục vẫn chưa hoàn tất

Với giả định thị phần VNA Group trong năm 2021 giảm còn 48% từ mức 49,2% trong năm 2020, sản lượng chuyến bay khai thác đạt 123 nghìn chuyến (+11,13% yoy), BVSC dự phóng doanh thu HVN đạt 60,1 nghìn tỷ đồng năm 2021 (+48,01% yoy), lợi nhuận sau thuế âm 6,0 nghìn tỷ đồng. BVSC không đưa ra khuyến nghị đối với cổ phiếu HVN trong năm 2021.

Với hãng hàng không cùng trên sàn niêm yết Vietjet, phân tích của BVSC giả định, thị phần 2021 của Hãng giảm nhẹ xuống 32,5% từ mức 33% trong năm 2020, sản lượng chuyến bay khai thác đạt 84 nghìn chuyến (+8,42% yoy), doanh thu VJC trong năm 2021 đạt 35,0 nghìn tỷ đồng (+92,2% yoy), lợi nhuận sau thuế là 303 tỷ đồng (+332,24% yoy).

Cũng liên quan đến Vietnam Airlines, trong nỗ lực hỗ trợ vốn với Hãng này, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Thông tư về tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay và về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo đó, tổng số tiền tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng tối đa là 4.000 tỷ đồng; lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm, áp dụng đối với thời hạn tái cấp vốn và thời hạn gia hạn tái cấp vốn.

Về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, dự thảo dự kiến giữ nguyên nhóm nợ và trích lập dự phòng rủi ro, tổ chức tín dụng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong thời hạn tối đa không quá 3 năm kể từ ngày quyết định của Thủ tướng về việc Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay và về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữa nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 có hiệu lực thi hành.

Giá dịch vụ vận tải hành khách bằng hàng không giảm rất mạnh, để kích thích nhu cầu sử dụng của người dân

Ở một diễn biến khác, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, SCIC sẵn sàng đầu tư 8.000 tỷ đồng thông qua hình thức mua cổ phiếu của Vietnam Airlines. Ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SCIC cho biết, hiện Tổng công ty đang chờ chuyển đổi hoạt động theo mô hình Quỹ Đầu tư chính phủ và nếu chuyển đổi thành công sẽ thuận lợi trong việc hoàn tất các thủ tục, đầu tư hỗ trợ Vietnam Airlines cũng như thực hiện hoạt động đầu tư vào hàng loạt lĩnh vực, doanh nghiệp thiết yếu khác của nền kinh tế như Vinalines, ACV, viễn thông, sân bay, cảng biển…/.