“Kiểm toán Nhà nước đã từng bước khẳng định vị thế là cơ quan kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công do Quốc hội thành lập, là công cụ của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công...”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, cho biết như vậy khi trình bày trước Quốc hội Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 -2021 của Kiểm toán Nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý Kiểm toán Nhà nước cần báo cáo rõ hơn nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước chưa cao. Ảnh: Quốc hội

Cũng theo ông Nguyễn Đức Hải, bên cạnh kết quả đạt được trong nhiệm kỳ quy, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần lưu ý một số vấn đề như: Chưa đảm bảo 100% báo cáo tài chính của các Bộ, cơ quan Trung ương được kiểm toán thường xuyên hàng năm theo yêu cầu của Luật Ngân sách nhà nước... Tỷ lệ thực hiện kiến nghị về xử lý tài chính tăng, nhưng vẫn còn nhiều kiến nghị chưa được thực hiện. Kiểm toán Nhà nước cần báo cáo rõ hơn vướng mắc, nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến tỷ lệ thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước chưa cao. Từ đó cơ quan này đề xuất giải pháp cụ thể để xử lý triệt để, trường hợp cần thiết cần tổng hợp danh sách các đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ, kịp thời kiến nghị của kiểm toán, đồng thời đề xuất phương án xử lý để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để xử lý.

“Việc công khai báo cáo kiểm toán cơ bản đã được thực hiện theo quy định, tuy nhiên hiệu quả, tính lan tỏa còn hạn chế. Kiểm toán Nhà nước cần đa dạng các hình thức công khai theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước, nhất là công khai kết quả kiểm toán các cuộc kiểm toán, công khai kết quả kiểm toán trên trang thông tin điện tử của Kiểm toán Nhà nước...”, ông Hải nói.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội lưu ý, công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật cho hoạt động Kiểm toán Nhà nước cần tiếp tục triển khai để sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước, đặc biệt là quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, quy định để xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán, quy định về kiểm tra đối chiếu... Kiểm toán Nhà nước cần phân tích rõ hơn giải pháp, yếu tố tác động, mối liên hệ với việc chấn chỉnh kỷ luật tài chính, ngân sách của quốc gia để đạt được kết quả kiến nghị xử lý tài chính bằng 3,5 lần so với nhiệm kỳ trước, tránh hiểu lầm kiến nghị kiểm toán tăng đồng nghĩa với kỷ luật tài chính, ngân sách đi xuống.

Liên quan đến phương hướng hoạt động của Kiểm toán Nhà nước trong nhiệm kỳ 2021-2026, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị các cơ quan chức năng cần tập trung đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước; triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 có hiệu quả; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp. Kiểm toán Nhà nước cần đổi mới phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu và kiểm toán để xác nhận báo cáo tài chính; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, đánh giá sâu hơn nguyên nhân việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa triệt để. Kiểm toán Nhà nước cũng cần đẩy mạnh công khai kết quả kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước./.