Mong Chủ tịch nước tiếp tục giảm tình trạng oan sai

Hôm nay, ngày 29/3, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 11, Quốc hội thảo luận các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ.

Liên quan đến Báo cáo của Chủ tịch nước, ông Lê Thanh Vân (Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) nhìn nhận, Chủ tịch nước đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ. Trong nhiệm kỳ mới, đề nghị Chủ tịch nước quan tâm hơn nữa đến hoạt động của các cơ quan tư pháp, tiếp tục giảm tình trạng oan sai, đảm bảo tính công minh của pháp luật…

Một mặt tán thành với Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 -2021 của Chủ tịch nước, ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, nhìn nhận, Chủ tịch nước đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp; góp phần quan trọng đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới… Đại biểu tán thành với nhận định của Chủ tịch nước là việc triển khai công tác cải cách tư pháp còn chậm. Ông đề nghị Chủ tịch nước tiếp tục nghiên cứu, chỉ đạo và thực hiện khẩn trương, có hiệu quả nhiệm vụ cải cách tư pháp và công tác tư pháp...

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng mong muốn Chủ tịch nước tiếp tục chỉ đạo khẩn trương nhiệm vụ cải cách tư pháp. Ảnh: Quốc hội

Ấn tượng sâu sắc về Chính phủ

“Tôi bày tỏ ấn tượng sâu sắc về một nhiệm kỳ thành công của Chính phủ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và công tác đối ngoại; ấn tượng về một Chính phủ với nhiều quyết tâm lớn, trong đó có quyết tâm xây dựng một Chính phủ không tham nhũng, một Chính phủ nói đi đôi với làm…”, bà Nguyễn Thị Mai Hoa (Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) nhìn nhận.

Tuy nhiên, bà Hoa cũng thẳng thắn nêu ra một số tồn tại trong nhiệm kỳ qua như: Việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển Chính phủ hành động đã làm chuyển động bộ máy hành chính nhà nước, nhưng vẫn còn chậm, chưa vững chắc, chưa đồng bộ, tức là vẫn chưa khắc phục triệt để những bất cập trong phân cấp, phân quyền và đây đó vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; trên bảo dưới không nghe, trên nóng dưới lạnh; vẫn còn cơ chế xin – cho; vẫn còn tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính sách. Việc xây dựng Chính phủ liêm chính, Chính phủ phục vụ nhân dân xuất phát từ quan điểm lấy dân làm gốc, nhưng trên thực tế chất lượng dịch vụ công ở đây đó vẫn còn hạn chế. Vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức vì lợi ích cá nhân chi phối, được gọi là công bộc của dân nhưng chưa thật sự toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân...

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa mong chờ Chính phủ khoá mới tập trung xây dựng bộ máy công quyền công tâm, khách quan, có trách nhiệm giải trình cao. Ảnh: Quốc hội

Để khắc phục những hạn chế trên, bà Hoa đề xuất, cần tập trung xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển với thước đo là sự hoàn thiện thể chế, ban hành văn bản đồng bộ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân. Đặc biệt, Chính phủ cần quan tâm nhiều tới sự công khai, minh bạch các chính sách, chế độ để người dân biết và tin tưởng. Đề nghị Chính phủ nhiệm kỳ mới cần tập trung xây dựng bộ máy công quyền công tâm, khách quan, có trách nhiệm giải trình cao và không bị chi phối bởi lợi ích nhóm…

Một mặt đánh giá cao báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ, bà Phạm Thị Minh Hiền, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên thẳng thẳn nêu lên những tồn tại: Sự cố xã hội hóa sách giáo khoa chưa được xử lý rõ ràng; quy định về nâng hạng giáo viên còn nhiều bất cập… Đại biểu kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành cần có giải pháp xử lý triệt để những vấn đề còn tồn tại; những chủ trưởng chính sách sau khi ban hành cần được thực hiện nghiêm túc; cần dành thời gian rà soát chính sách thu hút nhân tài, tạo môi trường chính sách hợp lý thu hút nhân tài; đổi mới giáo dục phải xuất phát từ đổi mới tư duy…

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng thẳn thắng nêu ra những hạn chế trong nhiệm kỳ qua của Chính phủ như: Một số dự án luật trình Quốc hội chưa đảm bảo chất lượng; khiếu nại, tố cáo còn nhiều; giải quyết kiến nghị cử tri hạn chế; việc triển khai thi hành pháp luật có lúc, có nơi còn chậm… Để khắc phục tình trạng này, kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục duy trì kỷ cương; tăng cường thanh tra, kiểm tra ngay từ khi triển khai; đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó chú trọng cắt giảm thủ tục gây phiền hà cho người dân; dành sự quan tâm hơn nữa cho công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo một cách triệt để; quan tâm xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ…/.