Doanh nghiệp nhà nước chỉ mong được tự chủ như tư nhân

Câu chuyện thật như đùa doanh nghiệp nhà nước “bì tị” với doanh nghiệp tư nhân lại được nhắc đến tại Hội thảo Giải pháp quản trị tài chính và đầu tư nhằm nâng cao vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế vừa diễn ra sáng qua 31/3.

TS Nguyễn Quang Tuấn, Ban Nghiên cứu sản xuất, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) một lần nữa lại nhắc lại phát biểu của Chủ tịch tập đoàn này tại một Hội nghị gần đây về DNNN do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. “Tôi mong các Bộ ngành hãy nghĩ 1 câu thôi. Cố gắng làm sao từ tư duy hãy coi doanh nghiệp nhà nước như doanh nghiệp tư nhân!”

Doanh nghiệp nhà nước mong được ứng xử như doanh nghiệp tư nhân

Tâm tư này của Chủ tịch Viettel, một trong những tập đoàn nhà nước lớn nhất hiện nay đã cho thấy thực trạng bị “trói chặt” của doanh nghiệp nhà nước lâu nay đã đến mức khiến những người trong cuộc khó có thể nhẫn nại thêm.

Hàng loạt các vấn đề bất cập trong chính sách phát triển doanh nghiệp nhà nước khiến khu vực này không thể phát huy được thế mạnh đáng ra phải có từ những tập đoàn được mệnh danh là “quả đấm thép” mới của nền kinh tế. Ngay cả như Viettel, một tập đoàn được coi là đã làm được những điều tưởng chừng như không thể trong khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng phải chùn chân trước những rào cản và bất cập này này.

Chính sách phản ứng chậm so với sự thay đổi của thị trường và bối cảnh quốc tế, nhà nước chưa hỗ trợ được doanh nghiệp trong dự báo, định hướng các xu thế lớn của thế giới. Trong khi đó, Samsung, ông lớn hàng đầu thế giới về công nghệ nhưng vẫn phải dựa nhiều vào chiến lược, định hướng và tầm nhìn công nghệ của Chính phủ Hàn Quốc

Đối với một tập đoàn trong lĩnh vực phát triển công nghệ và viễn thông đặc thù như Viettel, nhân tố thiết yếu hàng đầu là những chính sách cởi mở, khuyến khích đầu tư vào đổi mới sáng tạo vẫn rất khó khăn nếu không muốn nói là cản trở doanh nghiệp nhà nước tham gia vào đầu tư, đổi mới sáng tạo.

Mặc dù chủ trương của Đảng và Bộ Chính trị đã có song những chủ trương này vẫn chưa được thể chế hóa để đi vào cuộc sống, đến tới các doanh nghiệp. Chính sách thay vì tạo điều kiện thì lại đang hạn chế, gây khó khăn đối với doanh nghiệp nhà nước khi muốn tự chủ thực hiện đổi mới sáng tạo mở. Chẳng hạn như Thông tư liên tịch số 12/2016 của Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Tài chính chỉ cho phép Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ của doanh nghiệp đối ứng với các nhiệm vụ cấp quốc gia, cấp bộ và cấp tỉnh” là một ví dụ rõ ràng về những rào cản này.

Ngoài ra, chính sách nhà nước theo hướng quản lý đầu vào là rất kém hiệu quả, thể hiện sự kiềm tỏa, hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp, là nguyên nhân dẫn đến bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả. Doanh nghiệp không thể phát huy tính tự chủ, chủ động sáng tạo, phải theo một kế hoạch khuôn mẫu, dẫn tới bỏ lỡ các cơ hội cho bứt phá phát triển.

Sự yếu kém bất cập về quản trị trong doanh nghiệp nhà nước được TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế Việt Nam nêu rõ như là nhân tố kìm hãm làm hạn chế tính tự chủ, quyền chủ động của lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước trong kinh doanh theo cơ chế thị trường. Điều này thể hiện rõ trong các cơ chế bất cập trong tuyển dụng, bổ nhiệm người quản lý, quyền sở hữu, định đoạt tài sản doanh nghiệp, thỏa thuận tiền lương…

“Sự thiếu quyền chủ động và hơn nữa là những rủi ro bị quy kết làm sai trong khung quy định cứng nhắc, không rõ ràng khiến người lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước khó có thể mạnh dạn dám đưa ra những quyết định mang tính bước ngoặt cho doanh nghiệp. Nếu như với doanh nghiệp tư nhân làm 5 dự án chỉ cần lãi 3 là đã tốt rồi thì với doanh nghiệp nhà nước, làm 10 dự án mà chỉ 1 dự án lỗ thôi là rắc rối. Trong khi đó, khung pháp lý đầu tư lại kìm hãm đổi mới sáng tạo, không chấp nhận rủi ro trong đầu tư, hệ thống đánh giá định mức tính nhiệm lại rất yếu kém đã tạo ra những hậu quả nhiều mặt, một mặt vừa kìm hãm sự sáng tạo của doanh nghiệp nhà nước nhưng mặt khác lại tạo ra nhiều kẽ hở và dư địa cho những sai phạm dẫn tới thiệt hai thất thoát tài sản của nhà nước” , TS Sang chỉ rõ và cho rằng đây là những bất cập rất lớn trong chính sách phát triển doanh nghiệp nhà nước lâu nay cần được khắc phục để “cởi trói” cho khu vực quan trọng này.

Bức tranh hiện thực trầm buồn

Trong một khung quản lý, quản trị mang tính kiềm tỏa cứng nhắc và lạc hậu, hệ lụy chậm phát triển và ngày càng tụt lùi của doanh nghiệp nhà nước là điều có thể nhìn thấy rõ. Những số liệu được đưa ra tại Hội thảo một lần nữa đã cho thấy thực trạng bức tranh trầm buồn của khu vực này.

Trong khi chiếm tới 60% nguồn lực xã hội thì khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ đóng gần 40% GDP, phần còn lại 60% GDP là đóng góp từ doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI. Điều này cho thấy hiệu suất sử dụng vốn của khu vực doanh nghiệp nhà nước còn thấp, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế, chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ.

Bên cạnh đó cơ chế quản trị doanh nghiệp còn chậm đổi mới, không phù hợp với thông lệ, tính công khai, tính minh bạch còn hạn chế, sử dụng vốn trong DNNN còn yếu kém; Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến còn hạn chế. Thời điểm này, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 đến 3 thế hệ.

Trong một số lĩnh vực mà nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối tại phần lớn các DNNN như nông nghiệp, kết cấu hạ tầng giao thông, vai trò và vị trí của các DNNN còn mờ nhạt. Chẳng hạn, Tổng Công ty Lâm nghiệp chủ yếu lợi nhuận đến từ chia lãi liên doanh và cho thuê văn phòng tại Hà Nội; Tập đoàn Công nghiệp cao su lợi nhuận do đầu tư khu công nghiệp trên cơ sở đất cao su hết chu kỳ khai thác; các Tổng Công ty lương thực chiếm thị phần khiêm tốn trong hoạt động xuất nhập khẩu và thực hiện một số nhiệm vụ chính trị.

Trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông và logistics, Tổng Công ty Đường sắt có hiệu quả thấp, vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách; các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực hàng không (hàng không, cảng hàng không dù có thị phần tương đối lớn (thị phần tại thị trường quốc tế: 23%, nội địa: 37%) nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong dịch Covid; Tổng Công ty Hàng hải chủ yếu lợi nhuận từ hoạt động cảng biển; vận tải biển vẫn thua lỗ.

Trong ngành dệt may, Tập đoàn Dệt may Vinatex tuy chiếm vị trí quan trọng nhưng chủ yếu sử dụng lao động phổ thông, tính lan tỏa và giá trị gia tăng không cao, chưa có tác động bền vững đối với môi trường. Trong lĩnh vực công nghiệp, Tập đoàn hóa chất Vinachem chủ yếu tập trung hóa chất tiêu dùng, chưa thực sự có nhiều ý nghĩa để thực hiện vai trò dẫn dắt, lan tỏa. Đối với ngành thép, Tổng Công ty Thép (VNSteel) khả năng cạnh tranh thấp, chi phí sản xuất cao, năng suất thấp…

Cởi trói như thế nào?

Trước thực trạng trên, vấn đề đã được nhắc đến nhiều là cởi trói cho khu vực doanh nghiệp nhà nước để phát huy hiệu quả tương xứng với tiềm lực vốn có lại tiếp tục được đưa ra, nhưng cởi trói như thế nào để có thể vừa phát huy được thế mạnh nhưng vẫn đảm bảo sự dẫn dắt của nhà nước trong khu vực này là bài toán đặt ra.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước Hồ Sỹ Hùng, cốt lõi vấn đề cần giải quyết vẫn nằm ở việc cần tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước và chủ sở hữu vốn nhà nước, thực hiện đúng cách tiếp cận quản lý vốn thay vì quản lý doanh nghiệp. Từ cách tiếp cận này, nếu thực thi đúng và đủ thì sẽ lan tỏa tư duy ứng xử đúng nghĩa doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhà nước trên mọi phương diện, từ việc quản lý và ra quyết định đầu tư, quản lý và xác định sở hữu tài sản, vốn và đất đai của nhà nước tại doanh nghiệp. Cũng với tư duy ứng xử này sẽ giải quyết được vấn đề tuyển dụng và sử dụng nhân lực trong doanh nghiệp nhà nước với động lực thực sự mang tính thị trường từ cơ chế lương thưởng phù hợp, đồng thời với việc tăng phân cấp tự chủ đi cùng nâng cao hiệu quả của cơ chế giám sát đầu ra.

Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Sang cho rằng, cần làm rõ nội hàm kinh tế nhà nước là chủ đạo, doanh nghiệp nhà nước là nòng cốt; hoàn thiện quản trị, bình đẳng, thống nhất về thực chất giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp khác nhất là những khâu yếu như tuyển dụng, bổ nhiệm.

Ông Sang đề xuất nên tận dụng thời kỳ dịch bệnh Covid-19 để chuyển đổi số, nhất là thoái vốn nhà nước bởi Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội hiếm có năm 2020 trong IPO). Đặc biệt, niêm yết quốc tế để một mũi tên trúng 3 đích: vừa đạt được mục tiêu huy đông vốn, vừa được quản trị và có hiệu quả. Đồng thời cần tận dụng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để nâng cao hiệu quả giám sát, quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước.

Trở lại câu chuyện của Viettel, ông Nguyễn Quang Tuấn cho rằng nhà nước cần mở rộng quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi chính sách từ quản lý đầu vào sang quản lý mục tiêu và quản lý dựa trên kết quả.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước, đẩy mạnh đổi mới tư duy trong việc xây dựng nhà nước kiến tạo, nhà nước phục vụ; hỗ trợ tốt hơn đối với doanh nghiệp trong công tác dự báo, định hướng cũng như có những cảnh báo tốt đối với doanh nghiệp.

Đặc biệt, nhà nước xây dựng và thực thi các chính sách cụ thể để phát triển các doanh nghiệp tiên phong, dẫn dắt về công nghệ trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển kinh tế số.