Theo Thông tư số 04 do Thống đốc Nguyễn Thị Hồng vừa ban hành, Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm đối với tổ chức tín dụng có khoản nợ của VietnamAirlines

Tái cấp vốn tới 4.000 tỷ đồng, lãi suất 0% cho khoản nợ của Vietnam Airlines

Thông tư số 04 quy định về tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam vay và việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của Tổng công ty do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19

Theo đó, số tiền tái cấp vốn tối đa đối với từng khoản cho vay VNA không vượt quá số tiền cho vay của từng khoản cho vay VNA theo Giấy đề nghị vay tái cấp vốn của tổ chức tín dụng. Tổng số tiền tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng tối đa là 4.000 tỷ đồng.

Lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm, áp dụng đối với thời hạn tái cấp vốn và thời hạn gia hạn tái cấp vốn (nếu có). Lãi suất áp dụng đối với nợ gốc tái cấp vốn quá hạn bằng 150% lãi suất tái cấp vốn do Ngân hàng Nhà nước công bố trong từng thời kỳ tại thời điểm khoản tái cấp vốn được chuyển quá hạn.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm đối với tổ chức tín dụng.

Về thời hạn tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn, Thông tư số 04 quy định, thời hạn tái cấp vốn theo đề nghị của tổ chức tín dụng, tối đa bằng thời hạn cho vay của khoản cho vay VNA (không bao gồm thời hạn gia hạn của khoản cho vay VNA) và không vượt quá 364 ngày. Thời hạn tái cấp vốn được tính từ ngày tiếp theo ngày Ngân hàng Nhà nước giải ngân tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng. Khoản tái cấp vốn được gia hạn tự động hai lần tại thời điểm đến hạn đối với dư nợ gốc tái cấp vốn còn lại; thời hạn gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn; tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 03 năm. Ngân hàng Nhà nước dừng giải ngân tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng khi Ngân hàng Nhà nước giải ngân hết 4.000 tỷ đồng nhưng không muộn hơn ngày 31 tháng 12 năm 2021.

Thông tư số 04 cũng quy định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Theo đó, trên cơ sở đề nghị của VNA và đánh giá về khả năng trả nợ đầy đủ gốc và/hoặc lãi của VNA sau khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ của VNA trong thời hạn tối đa không quá 3 năm (bao gồm cả thời gian cho vay và cơ cấu lại thời hạn trả nợ) nhưng không muộn hơn ngày 31 tháng 12 năm 2024.

Trong thời hạn cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhưng không quá 03 năm kể từ ngày tổ chức tín dụng cho VNA vay, tổ chức tín dụng được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm Quyết định số 450/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành đối với khoản nợ của VNA và thực hiện trích lập dự phòng cụ thể theo quy định.

Trường hợp khoản nợ của VNA đến hạn trả nợ mà không được tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư này, tổ chức tín dụng thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 04 năm 2021.

SCIC: chờ đầu tư 8.000 tỷ đồng, mua cổ phiếu của Vietnam Airlines

Trong một nỗ lực khác, nhằm góp sức giải cứu Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, SCIC sẵn sàng đầu tư 8.000 tỷ đồng thông qua hình thức mua cổ phiếu của Vietnam Airlines. Ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SCIC cho biết, hiện Tổng công ty đang chờ chuyển đổi hoạt động theo mô hình Quỹ Đầu tư chính phủ và nếu chuyển đổi thành công sẽ thuận lợi trong việc hoàn tất các thủ tục, đầu tư hỗ trợ Vietnam Airlines cũng như thực hiện hoạt động đầu tư vào hàng loạt lĩnh vực, doanh nghiệp thiết yếu khác của nền kinh tế như Vinalines, ACV, viễn thông, sân bay, cảng biển…

Đại dịch Covid-19 đã làm ngành hàng không toàn cầu năm 2020 điêu đứng với 400.000 việc làm bị cắt giảm. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho biết, các hãng hàng không vẫn đang chống chọi để duy trì hoạt động, một phần nhờ nguồn lực của doanh nghiệp, phần khác nhờ chính phủ bơm tiền. Theo IATA, tính đến hết năm 2020, số lượng doanh nghiệp phá sản có thể là 70 hãng.

Tại Việt Nam, “hộ chiếu Vaccine” được kỳ vọng là lời giải cho các chuyến bay quốc tế, cùng với các giải pháp từ nội địa sẽ giúp Hãng hàng không Quốc gia (Vietnam Ailrlines) bớt lỗ trong năm 2021. Với giả định thị phần Vietnam Airlines năm 2021 giảm còn 48% từ mức 49,2% trong năm 2020, sản lượng chuyến bay khai thác đạt 123 nghìn chuyến (+11,13% yoy), Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự phóng doanh thu HVN đạt 60.100 tỷ đồng năm 2021 (+48,01% yoy), lợi nhuận sau thuế âm 6.000 tỷ đồng. BVSC không đưa ra khuyến nghị đối với cổ phiếu HVN trong năm 2021. Trước đó, năm 2020, Vietnam Airlines ghi nhận mức lỗ 11.098 tỷ đồng vì khó khăn của đại dịch.

Với hãng hàng không cùng trên sàn niêm yết Vietjet, phân tích của BVSC giả định, thị phần 2021 của Hãng giảm nhẹ xuống 32,5% từ mức 33% trong năm 2020, sản lượng chuyến bay khai thác đạt 84 nghìn chuyến (+8,42% yoy), doanh thu VJC trong năm 2021 đạt 35,0 nghìn tỷ đồng (+92,2% yoy), lợi nhuận sau thuế là 303 tỷ đồng (+332,24% yoy)./.