Hội thảo Hai năm thực thi Hiệp định CPTPP tại Việt Nam - Đánh giá từ góc nhìn doanh nghiệp

Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo Hai năm thực thi Hiệp định CPTPP tại Việt Nam - Đánh giá từ góc nhìn doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội sáng nay 7/4 trong khuôn khổ hỗ trợ của của Chương trình Aus4Reform – Đại sứ quán Australia tại Việt Nam.

Xuất khẩu tăng trưởng tích cực

Cụ thể theo báo cáo khảo sát do VCCI thực hiện, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác CPTPP năm 2019 đạt tăng trưởng trung bình 7,2% so với năm 2018, trong khi nhập khẩu chỉ tăng nhẹ ở mức 0,7%. Xuất khẩu sang các thị trường mới trong CPTPP ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng (trong khoảng từ 26%-36%). Trong bối cảnh hầu như tất cả các đối tác CPTPP đều giảm nhập khẩu năm 2019, việc Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng này cho thấy CPTPP đang ít nhiều tạo ra những tác động ban đầu tích cực.

Đặc biệt, CPTPP đang thể hiện hiệu ứng tốt trong mở đường cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tiến vào châu Mỹ một cách trực tiếp (ở các thị trường mà CPTPP đã có hiệu lực, gồm Canada và Mexico) và cả gián tiếp (thông qua động lực thúc đẩy thương mại song phương với các thị trường mà CPTPP chưa có hiệu lực như Peru, Chile).

Đáng chú ý, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định trong khối thị trường các nước CPTPP nổi lên 2 thị trường có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất là Canada và Mexico.

Với thị trường Canada, xuất khẩu năm 2020 đạt kim ngạch gần 4,4 tỉ USD, tăng 12% - cao hơn nhiều so với mức tăng xuất khẩu chung (7%).

Trong đó, xuất khẩu các loại máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng gồm điện thoại các loại chiếm trên 62%/năm; Các sản phẩm mây, tre, cói và thảm; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc; Sản phẩm từ sắt thép; Phương tiện vận tải và phụ tùng… xuất khẩu sang Canada trong năm 2020 chiếm 25%, còn lại 15% là các sản phẩm gỗ, đồ gỗ, hàng rau quả, dụng cụ thể thao…

Mexico là đối tác thương mại lớn thứ 3 lại Mỹ La Tinh. Trong thời gian qua, thương mại hai chiều tăng bình quân 14,6%/năm. Xuất khẩu tăng bình quân 18,8%/năm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia thực hiện khảo sát, trong so sánh với mặt bằng chung, lợi ích từ CPTPP còn khiêm tốn. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đi các thị trường CPTPP (7,2%) thấp hơn so với mức 8,4% tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đi toàn thế giới trong cùng thời kỳ. Hơn nữa, với một số thị trường CPTPP, đà tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn trước khi có CPTPP vốn cũng đã ở mức cao hơn đáng kể so với trung bình xuất khẩu đi các thị trường khác, cho thấy CPTPP dường như chỉ có tác động bổ trợ nào đó cho đà tăng tự nhiên này.

Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam năm 2019 chỉ đạt 1,67%, mức rất thấp không chỉ so với mức trung bình năm 2019 (37,2%) mà còn so với tỷ lệ tận dụng năm đầu tiên của nhiều FTA khác. Đây là chỉ dấu rất đáng quan ngại, cho thấy khả năng hiện thực hóa các lợi ích xuất khẩu trực tiếp từ Hiệp định này của Việt Nam còn hạn chế.

Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, xuất khẩu của Việt Nam đi các thị trường đã phê chuẩn CPTPP chỉ đạt kim ngạch xấp xỉ 2019. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP trong năm thứ 2 này đã được cải thiện, đạt 4% trong trung bình, riêng với các thị trường mới là Canada và Mexico là 17%.

Thu hút FDI chưa đạt kỳ vọng

Về thu hút đầu tư nước ngoài, kết quả khảo sát cho thấy năm đầu thực thi CPTPP không mấy khả quan. Năm 2019, Việt Nam thu hút xấp xỉ 9,5 tỷ USD vốn đầu tư từ các nước CPTPP, giảm gần 36% so với năm 2018. Trong đó, thu hút FDI từ các đối tác lớn như Nhật Bản có mức giảm sâu nhất về giá trị (từ gần 9 tỷ USD năm 2018 giảm xuống còn hơn 4 tỷ USD năm 2019, tương đương giảm 52%). Về tốc độ, vốn FDI giảm mạnh từ các nguồn truyền thống như Australia (giảm gần 63%), Malaysia (giảm 50.

Điểm sáng trong bức tranh này là vốn FDI từ các đối tác mới trong CPTPP vào Việt Nam (Canada, Mexico) hoặc các đối tác truyền thống nhỏ (Brunei, New Zealand) lại được cải thiện đáng kể trong năm 2019. Năm 2020, tình hình được cải thiện hơn, khi tổng vốn đầu tư thu hút từ các đối tác CPTPP đạt 11,8 tỷ USD, tăng 24,4% so với 2019 trong bối cảnh tổng vốn đầu tư nước ngoài mà Việt Nam thu hút trong năm này giảm gần 25%.

Doanh nghiệp kỳ vọng tác động từ CPTPP giai đoạn hậu Covid

Kết quả khảo sát tác động cụ thể của CPTPP tới doanh nghiệp rất đáng chú ý khi cho thấy, cứ 4 doanh nghiệp thì mới có 1 doanh nghiệp đã từng được trải nghiệm “trái ngọt” từ Hiệp định này. Nhóm lợi ích phổ biến nhất với các doanh nghiệp này vẫn là thuế quan, tác động từ điều chỉnh chính sách, pháp luật thể chế khi CPTPP được thực thi, tiếp theo là các lợi ích dự kiến trong tương lai (trong các kế hoạch hợp tác, liên doanh với đối tác nước ngoài để tận dụng CPTPP, hay các dự kiến mở rộng thị trường với trợ lực từ Hiệp định này của doanh nghiệp).

Với 75% các doanh nghiệp chưa từng hưởng lợi ích trực tiếp nào từ CPTPP, lý do chủ yếu (60%) là họ không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào liên quan tới thị trường hay đối tác ở khu vực CPTPP trong hai năm vừa qua.

Trong số các doanh nghiệp đã từng có giao dịch với các thị trường này nhưng chưa hưởng lợi CPTPP, lý do được phần lớn (75%) doanh nghiệp đề cập là họ không biết có cơ hội nào từ CPTPP. Cũng có một tỷ lệ đáng kể (60%) không thấy có cam kết CPTPP liên quan hoặc do đã hưởng ưu đãi khác phù hợp hơn. 14-16% doanh nghiệp nêu các lý do khác như các văn bản hướng dẫn ban hành chậm, thủ tục hưởng ưu đãi phức tạp, quy trình cấp phép khó khăn, hay khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của nước nhập khẩu của doanh nghiệp còn hạn chế…

Đánh giá về tác dụng của CPTPP và FTA trong tương lai hậu COVID-19 này, các doanh nghiệp tỏ ra lạc quan một cách bất ngờ. 60% cho rằng CPTPP và các FTA sẽ tương đối hoặc rất hữu ích cho họ trong giai đoạn “bình thường mới”, lớn hơn mức 47% doanh nghiệp đánh giá CPTPP và các FTA có tác động tích cực trong thời gian đã qua.

Trong một tương lai xa hơn, doanh nghiệp cũng tỏ ra rất lạc quan về các tác động tích cực của CPTPP và các FTA. 91,5% doanh nghiệp kỳ vọng ở mức độ khác nhau vào một/các lợi ích CPTPP và các FTA có thể mang lại cho hoạt động kinh doanh của họ. Không chỉ đơn giản là “có kỳ vọng”, có tới 57,7% doanh nghiệp tham gia Khảo sát lựa chọn đặt kỳ vọng cao vào các Hiệp định này. Và sự kỳ vọng này đồng đều ở tất cả các nhóm doanh nghiệp dù là FDI, dân doanh hay 100% vốn Nhà nước.

Từ các kết quả thực thi hai năm đầu thực thi CPTPP, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, Hiệp định này đã có những tác động tích cực bước đầu, mang tới những lợi ích thực tế cho một số doanh nghiệp. Mặc dù vậy, những gì đã đạt được còn thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng, mà nguyên nhân không chỉ từ các biến cố khách quan như tình hình căng thẳng thương mại toàn cầu hay đại dịch COVID-19. Nguyên nhân còn ở các vấn đề chủ quan của chính Nhà nước và các doanh nghiệp. Trên cơ sở các phát hiện này, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam có thể rút kinh nghiệm để “dọn mình” tốt hơn, sẵn sàng thực thi hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Theo ông Lộc, các chương trình, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp cần tập trung vào các hoạt động thực chất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, xúc tiến thương mại ở tầm quốc gia một cách hệ thống đặc biệt là ở các thị trường mới, cập nhật thông tin thị trường và kết nối cung cầu. Các hoạt động này cũng cần được thiết kế theo các nhóm đối tượng riêng, với ưu tiên đặc biệt dành cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Đối với các doanh nghiệp, chủ động tìm hiểu cơ hội, cam kết CPTPP và hành động hiện thực hóa những lợi ích từ Hiệp định là đòi hỏi quan trọng nhất. Nâng cao năng lực cạnh tranh mà bắt đầu từ năng lực cạnh tranh của sản phẩm không chỉ là công việc thường xuyên phải thực hiện mà còn là chìa khóa để doanh nghiệp chớp được các cơ hội từ quá trình hội nhập CPTPP và các FTA. Liên kết và hợp tác trong kinh doanh để cùng mạnh, qua đó thu lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp từ quá trình này cũng là điều cần đặc biệt chú ý./.