Đây là nhận định được các chuyên gia thống nhất đưa ra tại Hội thảo “Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp: Kết quả 5 năm triển khai và định hướng sửa đổi, bổ sung" do Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức ngày 7/4/2021 tại Hà Nội.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Đề án 11A thuộc Chương trình Hỗ trợ tư vấn và phân tích quản lý tài chính công tại Việt Nam. Mục đích của Hội thảo nhằm trình bày kết quả rà soát, đánh giá tình hình triển khai Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69) thời gian qua và tham vấn ý kiến các chuyên gia, các cơ quan đại diện chủ sở hữu và một số Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty lớn về định hướng sửa đổi, bổ sung Luật cho giai đoạn tới.

Hội thảo “Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp: Kết quả 5 năm triển khai và định hướng sửa đổi, bổ sung"

Bộc lộ nhiều bất cập

Đánh giá về kết quả đạt được sau hơn 5 năm triển khai thực thi, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) khẳng định, Luật số 69/2014/QH13 tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Các cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại các DNNN đã được xây dựng đồng bộ phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập; góp phần tạo môi trường pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; đảm bảo tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp cùng việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, sử dụng vốn và tải sản đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung. Cụ thể như cần phân định, làm rõ khái niệm vốn nhà nước theo quy trình của dòng vốn. Theo đó, sau khi đầu tư vào doanh nghiệp, vốn nhà nước trở thành vốn của doanh nghiệp, do doanh nghiệp quản lý, sử dụng và định đoạt và nhà nước trở thành chủ sở hữu của phần vốn góp, cổ phần tương ứng tại doanh nghiệp.

Cần làm rõ vai trò của các cơ quan đại diện chủ sở hữu: Sau khi đầu tư, các cơ quan đại diện chủ sở hữu là chủ sở hữu phần vốn góp, cổ phần tại doanh nghiệp và có quyền, nghĩa vụ tương tự các nhà đầu tư, các cổ đông của doanh nghiệp. Các cơ quan đại diện chủ sở hữu không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Mọi hoạt động của doanh nghiệp do ban điều hành thực hiện; tách chức năng quản lý của chủ sở hữu nhà nước với quản lý điều hành doanh nghiệp.

Thay đổi đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư vốn nhà nước phải thực hiện theo các nguyên tắc thị trường, theo đó, phải đánh giá dựa trên giá trị gia tăng của vốn đầu tư và cổ tức, lợi nhuận được chia hàng năm – hiệu quả đầu tư vốn của cổ đông nhà nước.

Đẩy mạnh đổi mới, quản trị tại các doanh nghiệp nhà nước theo hướng - tăng cường công khai, minh bạch và tăng trách nhiệm giải trình của người đứng đầu; áp dụng quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế; tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước, thúc đẩy vai trò giám sát của các tổ chức, đoàn thể tại doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, TS.Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cho rằng, đến nay Luật 69 đã thể hiện những bất cập trong việc xác định vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau và được quy định tại nhiều luật nhưng chưa có sự thống nhất đồng bộ, thiếu rõ ràng, dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện.

Một yếu tố quan trọng khác cần cân nhắc là trong giai đoạn vừa qua, một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có thay đổi (như Nghị quyết số 12 NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN; Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch; Luật đầu tư công số 39/2019/QH14; Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 và Luật đầu tư số 61/2020/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.) Do đó, các chuyên gia đều thống nhất với quan điểm đề xuất của Bộ Tài chính đã đến lúc Luật số 69/2014/QH13 cần được bổ sung sửa đổi để tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp cho phù hợp”.

5 nhóm vấn đề lớn cần sửa đổi

Theo Cục trưởng Đặng Quyết Tiến, trên cơ sở phân tích những bất cập sau 5 năm thực thi, có 5 vấn đề lớn cần tập trung làm rõ để “bắt mạch” được đâu là nội dung chính, đột phá cần phải sửa đổi, bổ sung Luật tới đây.

Cụ thể trong đó, trước hết là nhóm các quy định về vốn nhà nước: khái niệm, quan điểm về vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp trước, trong và sau quá trình đầu tư, quyền quản lý, sử dụng, định đoạt vốn tại doanh nghiệp;

Hai là, nhóm quy định phạm vi doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối được tổ chức và hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Các lĩnh vực then chốt, thiết yếu mà doanh nghiệp nhà nước cần nắm giữ, những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

Ba là vấn đề tăng cường quản trị doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Tách bạch nhiệm vụ của doanh nghiệp có vốn nhà nước sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông thường và nhiệm vụ của doanh nghiệp có vốn nhà nước sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ công ích. Nhà nước xác định là một nhà đầu tư vốn, không can thiệp hành chinh trực tiếp vào hoạt động và quản trị sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà thông qua người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp, người đại diện vốn để thực hiện các quyền của nhà đầu tư vốn (góp vốn) vào doanh nghiệp.

Bốn là, nhóm quy định về cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp có vốn nhà nước theo cơ chế thị trường là quá trinh thường xuyên, liên tục với phương thức thực hiện và lộ trình hợp lý. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn nhà nước theo hướng kiên quyết cổ phần hóa, bản vốn nhà nước tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần năm hoặc không cần giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả; đồng thời xử lý triệt để, bao gồm cả việc cho phá sản các doanh nghiệp có vốn nhà nước yếu kém.

Năm là, nhóm quy định về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước; phòng ngừa thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước.

Bên cạnh đó, cần xem xét sửa đổi Luật theo hướng thay đổi đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư vốn nhà nước phải thực hiện theo các nguyên tắc thị trường, theo đó, phải đánh giá dựa trên giá trị gia tăng của vốn đầu tư và cổ tức, lợi nhuận được chia hàng năm – hiệu quả đầu tư vốn của cổ đông nhà nước”, ông Tiến nhấn mạnh.