Sẽ xây cơ chế vượt trội trong Chiến lược phát triển mới

Chiến lược sẽ nhấn mạnh đến việc tháo gỡ các cản trở, vướng mắc từ các cơ chế, chính sách kinh tế, đầu tư, thương mại, mua sắm công… đồng thời khẳng định phải quan tâm xây dựng cơ chế vượt trội, chấp nhận rủi ro trong hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo và cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đột phá.

Chiến lược cũng sẽ làm rõ vai trò và nội hàm của KH&CN và đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số. Khung chính sách và triển khai chính sách KH&CN, đổi mới sáng tạo được điều chỉnh để tăng cường hỗ trợ ứng dụng, áp dụng, hấp thụ công nghệ thay vì quá tập trung vào nghiên cứu phát triển.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ đang xây dựng cơ chế thí điểm khoán đến sản phẩm cuối cùng đối với các nhiệm vụ KHCN sử dụng nguồn ngân sách nhà nước

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt cho rằng, nếu không tập trung xây dựng cơ chế vượt trội, đột phá để KH&CN và đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ, đóng góp thiết thực vào kinh tế-xã hội thì rất khó đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển và thu nhập cao.

Theo lãnh đạo Bộ KH&CN, Chính phủ đã coi KH&CN, đổi mới sáng tạo là khâu đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Tuy nhiên, hoạt động KH&CN ở địa phương còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế, nhiều việc phải làm và phải làm quyết liệt hơn nữa để KH&CN thực sự có những đóng góp thiết thực, trực tiếp phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ địa phương.

Chia sẻ trên website Chính phủ, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội cho biết, Hà Nội đang tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô trong thúc đẩy việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ mới và hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Trước hết là các chính sách thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, triển khai một số mô hình kinh tế mới, mô hình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo.

Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP. HCM cho biết, ở giai đoạn đầu của các doanh nghiệp khởi nghiêp sáng tạo (phát triển ý tưởng thành sản phẩm, hoàn thiện sản phẩm, ươm tạo, thử nghiệm sự phù hợp của sản phẩm với thị trường…) gần như không có nguồn lực tư nhân nào tham gia, đây cũng là giai đoạn thất bại nhiều nhất của các doanh nghiệp này, do đó Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ chính thông qua các tổ chức hỗ trợ và ươm tạo.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện nay các đơn vị chức năng của Bộ đang xây dựng cơ chế thí điểm khoán đến sản phẩm cuối cùng đối với các nhiệm vụ KHCN sử dụng nguồn ngân sách nhà nước trên nguyên tắc tôn trọng đặc thù của hoạt động nghiên cứu, chấp nhận rủi ro. Đây là vấn đề khó, cần sự quyết tâm, kiên trì của toàn ngành KHCN cũng như sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu…

Cũng liên quan đến hỗ trợ hoạt động đổi mới, sáng tạo, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ký quyết định ban hành Điều lệ hoạt động của Quỹ Ðổi mới công nghệ quốc gia. Quỹ có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, có chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ.

Đầu tư cho khoa học, công nghệ còn thấp, 80% doanh nghiệp chưa được kết nối để đổi mới

Một cuộc khảo sát của Bộ KH&CN cho biết, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện. Về phía Nhà nước, tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ (cả khu vực Nhà nước và tư nhân) chỉ khoảng 0,44% GDP, đứng sau Singapore (2,22%), Malaysia (1,44%) và Thái Lan (0,78%)...

Đa số doanh nghiệp còn thiếu thông tin nên chưa tận dụng được các hình thức hỗ trợ đổi mới công nghệ của Nhà nước

Về phía, doanh nghiệp, một cuộc khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, phần lớn các doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo thông qua việc “Đầu tư vào công nghệ mới được gắn liền với hàng hóa, máy móc, thiết bị” (39,4%) hoặc “Nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại” (39,3%) mà ít có nghiên cứu phát triển. Khoảng 80% doanh nghiệp cho biết họ không có hợp tác với đơn vị/tổ chức khác để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo. Việc doanh nghiệp thiếu thông tin về các hình thức hỗ trợ của Nhà nước là rào cản chính khiến các doanh nghiệp không tận dụng được các hình thức hỗ trợ của Nhà nước. Các yếu tố khác như tài chính, sở hữu trí tuệ, thông tin, cơ sở hạ tầng… chưa phát huy được hiệu quả cao nhất trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện nay.

Đây là những hạn chế mà Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới, sáng tạo 2021-2030 cần đưa ra giải pháp để xử lý, tạo nền tảng tốt hơn cho sự thay đổi của nền kinh tế Việt Nam./.