Một số chuyên gia cho rằng, việc giãn, gia hạn thuế chỉ là Ngân sách giãn nợ tạm thời và doanh nghiệp vẫn sẽ phải chi trả khoản nợ nay. Đây là điểm khác biệt của Việt Nam trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế so với nhiều nước trên thế giới, khi họ chi hàng tỷ USD hỗ trợ thực tế cho doanh nghiệp và người dân.

Trước đó, ngày 8/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP quy định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Nghị định đã gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Đến 5/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2020/NĐ-CP về việc gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Tại nghị định này, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước được gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 8, tháng 9 và tháng 10/2020. Số thuế phát sinh nộp ngân sách chậm nhất là từ 20/9/2020 đến 20/12/2020.

Tại văn bản mới, Nghị định 52/2021/NĐ-CP, các đối tượng được thụ hưởng gồm doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế như nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất mô tô, xe máy; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị; thoát nước và xử lý nước thải; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch; hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí; hoạt động chiếu phim; hoạt động phát thanh, truyền hình; lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; hoạt động dịch vụ thông tin…

Cùng với đó, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 theo quy định, cũng thuộc đối tượng được hỗ trợ.

Nghị định mới nêu rõ, đối với thuế giá trị gia tăng (trừ thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu), gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp (bao gồm cả số thuế phân bổ cho các địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính, số thuế nộp theo từng lần phát sinh) của kỳ tính thuế từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2021 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng) và kỳ tính thuế quý 1, quý 2 năm 2021 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý) của các doanh nghiệp, tổ chức. Thời gian gia hạn là 05 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2021 và quý 1, quý 2 năm 2021, thời gian gia hạn là 04 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 7 năm 2021, thời gian gia hạn là 03 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 8 năm 2021. Thời gian gia hạn được tính từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị định quy định, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý I, quý II kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 của doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng nêu trên. Thời gian gia hạn là 03 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Đối với thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2021 của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động trong các ngành kinh tế, lĩnh vực nêu tại tại (1), (2), (3) nêu trên. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp số tiền thuế được gia hạn tại khoản này chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2021.

Đối với tiền thuê đất, gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân thuộc đối tượng quy định nêu trên đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Thời hạn gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2021.

Việc gia hạn này là cần thiết để các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2021.

GS.TS Nguyễn Mại cho rằng, tăng trưởng GDP Việt Nam khó mạnh như các năm trước đại dịch

Trong góc nhìn của một số chuyên gia, GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, rất nhiều quốc gia chi nhiều tỷ USD hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trụ vững trong thời đại dịch, nhưng tại Việt Nam, chính sách hiện nay mới chủ yếu ở việc… giãn và hoãn thuế. Ông giữ quan điểm lạc quan khi quan sát kinh tế quý I/2021, nhưng cho rằng, tăng trưởng GDP Việt Nam khó mạnh như các năm trước đại dịch. “Dư địa cho tăng trưởng còn nhiều, nhưng phụ thuộc vào cải cách cho mạnh và có thông hay không”, ông nói.

TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, doanh nghiệp thực tế không thực sự nhận được sự trợ giúp đặc biệt nào để bật dậy sau đại dịch. Tại Mỹ, ngân sách hỗ trợ lên đến 22% GDP thì tại Việt Nam, nếu tính kỹ, tổng giá trị hỗ trợ chưa tới 1% GDP. “Khi các không có các nguồn lực ở dạng thế năng trợ giúp doanh nghiệp và nền kinh tế, nhà đầu tư cần lường trước một thực tế là nền kinh tế Việt Nam sẽ có sức bật yếu ớt so với các nền kinh tế khác trên thế giới tới đây”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định./.