Năm nhà khoa học Việt được vinh danh trong danh sách 100 nhà khoa học châu Á - Ảnh: Asian Scientist

Năm nhà khoa học Việt Nam xuất sắc lọt vào Tốp 100 châu Á năm nay gồm PGS.TS. Trần Thị Thu Hà (Đại học Thái Nguyên), PGS.TS.BS. Vương Thị Ngọc Lan (Đại học Y Dược TPHCM), PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), PGS.TS. Phạm Tiến Sơn (Đại học Đà Lạt), TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu (Đại học Tôn Đức Thắng).

PGS.TS. Trần Thị Thu Hà là nhà khoa học tập trung nghiên cứu về nhân giống và thâm canh cây; nhân giống, nuôi trồng các loại cây lâm sản ngoài gỗ và dược liệu, phát triển cây thuốc địa phương. Bà được trao Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam 2019.

PGS.TS.BS. Vương Thị Ngọc Lan chuyên nghiên cứu trong lĩnh vực y sinh, là một trong 3 nhà khoa học nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 về so sánh phương pháp chuyển phôi tươi và đông lạnh để thụ tinh ống nghiệm (IVF). Bà có nhiều đóng góp cho nghiên cứu cũng như thực hiện IVF cho hàng nghìn gia đình.

PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai là người đại diện cho nhóm nhà khoa học nữ được trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019 vì phân lập thành công một chủng virus SARS-CoV-2 mới, đưa Việt Nam trở thành một trong 4 quốc gia đầu tiên phân lập thành công virus này.

PGS. TS. Phạm Tiến Sơn là một trong 3 nhà khoa học nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 nhờ công trình nghiên cứu về các tính chất tổng quát về quy hoạch nửa đại số trong lĩnh vực toán học.

Trong lĩnh vực vật lý, PGS.TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu là một trong 3 nhà khoa học nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 nhờ công trình nghiên cứu về quãng đường tự do trung bình của điện tử năng lượng thấp trong vật liệu.

Năm 2021 là năm thứ 6 liên tiếp tạp chí Asian Scientist vinh danh các nhà nghiên cứu xuất sắc ở châu Á, có đóng góp trong nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp, kinh tế, đến vật lý, y học... Việt Nam đã có 15 nhà khoa học được vinh danh trong danh sách này.

Cũng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, năm 2020, Việt Nam có 4 nhà khoa học được vinh danh các giải thưởng lớn trên thế giới. Thứ nhất là nhà khoa học nữ Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng Noam Chomsky, PGS-TS Trần Thị Lý (sinh năm 1975, quê ở Quảng Trị), đang công tác tại khoa Nghệ thuật và Giáo dục, Đại học Deakin, Úc đã vinh dự được trao Giải thưởng Noam Chomsky. Năm 2019, bà từng được tạp chí Forbes Việt Nam công bố là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam.

Thứ hai, TS Trần Thị Hồng Hạnh - Viện Hóa sinh biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, được vinh danh vì những nỗ lực không ngừng trong lĩnh vực nghiên cứu hóa học, hóa sinh hữu cơ. Các công trình nghiên cứu của TS Trần Thị Hồng Hạnh góp phần giúp chuẩn hóa phương pháp xác định, đánh giá và tìm kiếm những nguồn dược liệu mới cho Việt Nam và thế giới một cách bền vững.

Thứ ba là GS-TS Nguyễn Thị Kim Thanh hiện công tác tại Đại học University College London (UCL), được nhận huy chương Rosalind Franklin của Royal Society ở London, Anh với những thành tựu có tầm ảnh hưởng lớn về nghiên cứu khoa học ứng dụng vật liệu nano trong lĩnh vực y sinh, chăm sóc sức khỏe. Rosalind Franklin là giải thưởng được trao cho các cá nhân có đóng góp nổi bật trong lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) và nhằm khuyến khích vai trò của phụ nữ trong STEM. Dự án của GS Nguyễn Thị Kim Thanh là đề xuất tổ chức trại hè khoa học để truyền cảm hứng và thúc đẩy các em học sinh lớp 8, chủ yếu là nữ, từ các gia đình nghèo ở London, chọn các môn khoa học tự nhiên cho chương trình GCSE (cấp hai).

Nhà khoa học trẻ Trần Xuân Bách, sinh năm 1984, là Phó giáo sư trẻ tuổi nhất Việt Nam khi được bổ nhiệm (32 tuổi)

Thứ tư là PGS. TS Trần Xuân Bách (sinh năm 1984, ông hiện là Phó Trưởng Bộ môn Kinh tế Y tế, Trường Đại học Y Hà Nội). Trần Xuân Bách là Phó giáo sư trẻ tuổi nhất Việt Nam khi được bổ nhiệm vào năm 2016. Trần Xuân Bách là một trong hai học giả tại Việt Nam được trao Giải thưởng Noam Chomsky - Ngôi sao tỏa sáng về thành tựu trong nghiên cứu 2020.