Tổng công ty May 10 dự kiến trả cổ tức 12%

Báo cáo do ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 trình bày tại ĐHCĐ thường niên năm 2021 diễn ra mới đây cho thấy, năm 2020, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do nguồn cung nguyên phụ liệu bị gián đoạn, đơn hàng sản phẩm truyền thống giảm mạnh đặc biệt là mặt hàng Veston giảm khoảng 50%. Nhưng với sự nhanh nhạy, nỗ lực của doanh nghiệp, Tổng Công ty May 10 đã tận dụng được cơ hội sản xuất kinh doanh mặt hàng phòng chống dịch bệnh và kết quả là hoàn thành vượt các chỉ tiêu về hoạt động sản xuất theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông 2020 và HĐQT đã đề ra.

Cụ thể, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020 ghi nhận tổng doanh thu đạt 3.485,59, vượt 29% kế hoạch và vượt 3,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 81,37 tỷ đồng, vượt 80,8% kế hoạch và giảm 0,9% so với cùng kỳ. ĐHCĐ đã thống nhất thông qua phương án mức chi trả cổ tức cho cổ đông năm 2020 dự kiến là 12%/mệnh giá cổ phiếu được Ban lãnh đạo May 10 đề xuất.

Đánh giá về triển vọng sản xuất kinh doanh năm 2021, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch HĐQT May 10 nhấn mạnh trước các cổ đông 5 thách thức mà doanh nghiệp phải đổi mặt trong thời gian tới, đó là thiếu hụt lao động có tay nghề và biến động lao động; các đơn hàng nhận từ năm 2020 với giá rẻ; áp lực trả lương cho công nhân khi nhận các đơn hàng gia công; tiềm lực và nguồn lực con người có khả năng thích ứng cao trong mọi hoàn cảnh và công nghệ & mô hình quản trị trong điều kiện mới.

Để ứng phó với các thách thức trong bối cảnh tình hình dịch bệnh dự báo còn phức tạp kéo dài ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu dùng và thị trường trong nước, khu vực cũng như thế giới trong năm 2021 và năm tiếp theo, các cổ đông đã thống nhất thông qua 5 nhóm giải pháp chính trong giai đoạn sắp tới được ông ông Vũ Đức Giang đại diện HĐQT trình ĐHCĐ. Trong đó tập trung xây dựng chiến lược về công nghệ, thiết bị tự động hóa; sắp xếp lại cơ cấu tổ chức theo chiến lược mới đáp ứng yêu cầu của các nhãn hàng; sắp xếp lại tài sản của May 10, tiến hành bán hoặc cho thuê tài sản; tập trung làm hàng FOB và ODM, giảm nhận đơn hàng CM; có kế hoạch tích lũy tài chính… ĐHCĐ May 10 đã thông qua các nội dung văn kiện, các tờ trình năm 2021 và 100% cổ đông tham dự đều nhất trí với Nghị quyết đưa ra của Đại hội.

Việt Tiến thông qua mức cổ tức 20%

Cũng chịu ảnh hưởng lớn do tác động của dịch Covid 19, song với các giải pháp nỗ lực vượt qua khó khăn, Tổng Công ty CP May Việt Tiến đã hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020. Báo cáo tại ĐHCĐ thường niên 2020, ông Bùi Văn Tiến, Tổng giám đốc Tổng Công ty CP May Việt Tiến cho biết, năm 2020, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn, không chỉ nguồn cung nguyên phụ liệu bị gián đoạn mà thị trường xuất khẩu cũng bị đứt đoạn, đơn hàng giảm mạnh, thậm chí nhiều đơn hàng bị hủy khiến kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sụt giảm mạnh. Tuy nhiên với việc nhanh nhạy chuyển hướng sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường trong giai đoạn dịch bệnh, Công ty CP May Việt Tiến đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu về hoạt động sản xuất kinh doanh theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông và HĐQT đã đề ra. Cụ thể doanh thu đạt 7.118,6 tỷ đồng, vượt 13% kế hoạch, đạt 78,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 170,7 tỷ đồng, vượt 13,8% so với kế hoạch, đạt 44,8% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân người lao động đạt 9.549.000 đồng/ người/ tháng. Ban lãnh đạo trình phương án dự kiến chia cổ tức 20% năm 2020 và được ĐHCĐ thống nhất thông qua.

Nhận định về tình hình thị trường và nhu cầu ngành may mặc năm 2021, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch HĐQT Việt Tiến cho biết năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến khó lường, ngành dệt may Việt Nam nói chung và Việt Tiến nói riêng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thị trường xuất khẩu cũng như thị trường nội địa sụt giảm khi sức mua người tiêu dùng giảm mạnh, thiếu nguồn cung NPL, chi phí tăng… Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến khó lường, các nước vốn nhập khẩu số lượng lớn mặt hàng may mặc của Việt Nam trước đây hiện đang phải gồng mình chống chọi với đại dịch cùng với số người mắc bệnh không ngừng gia tăng. Covid-19 đã làm thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng trên toàn cầu, giảm mạnh nhu cầu mặt hàng may mặc…Trước tình hình đó, HĐQT đã đưa ra các chỉ tiêu cho năm 2021 với các chỉ tiêu chính như tổng doanh thu là 8.090 tỷ đồng, tăng 14% so với thực hiện năm 2020. Lợi nhuận trước thuế là 180 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2020. Thu nhập người lao động đạt 10 triệu đồng/người/tháng, đảm bảo công ăn việc làm, đời sống người lao động.

Doanh nghiệp sẽ tiếp tục tìm kiếm giải pháp mới đẩy nhanh năng suất lao động, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, sắp xếp lại nhân sự cũng như mô hình quản lý, tổ chức sản xuất, cải tiến tiền lương, đầu tư chiều sâu, thay đổi công nghệ sản xuất mới… Áp dụng triệt để, toàn diện công nghệ Lean vào sản xuất, đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, nâng cao năng suất lao động, hợp tác tốt với khách hàng.

ĐHCĐ đã thông qua các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2021 và phương án đầu tư được HĐQT đưa ra. Cụ thể, theo phương án này, dự kiến trong năm 2021 tổng chi đầu tư của Việt Tiến khoảng 300 tỷ đồng, trong đó đầu tư xây dựng cơ bản: 140 tỷ đồng, đầu tư máy móc thiết bị: 30 tỷ đồng, đầu tư góp vốn thành lập doanh nghiệp: 120 tỳ đồng, góp vốn thành lập Công ty TNHH Việt Thái Tech 100 tỷ đồng và các đầu tư khác…

Đại diện cho cổ đông lớn Vinatex, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam nhấn mạnh, trong điều kiện khó khăn của năm 2020, khoản đầu tư của Việt Tiến kể cả giá trị cổ phiếu trên thị trường lẫn cổ tức dự kiến chi trả hiện nay thể hiện kết quả tích cực. Ông Tiến đưa ra ý tưởng mới cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp chính là hoạt động nghiên cứu và phát triển. Đại diện cổ đông lớn Vinatex cũng nhấn mạnh các cổ đông cần tạo ra cơ chế cho HĐQT và Ban lãnh đạo điều hành dám thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển có nhiều rủi ro và xây dựng ngân sách cho hoạt động này. Ông Lê Tiến Trường cũng kêu gọi tất cả các cổ đông cùng đồng hành, tin tưởng, thống nhất các giải pháp, chiến lược đầu tư, nhằm tạo điều kiện cho HĐQT, ban điều hành Việt Tiến thực hiện được những chiến lược phát triển với ngân sách rõ ràng, có cam kết coi như một khoản bảo hiểm cho tương lai đầu tư của các cổ đông.

Natexco nỗ lực ổn định sản xuất

Báo cáo tại ĐHCĐ thường niên 2021 Tổng công ty Cổ phần Dệt May Nam Định (Natexco), ông Nguyễn Văn Miêng, Tổng giám đốc Công ty cho biết, năm 2020 là năm vô cùng khó khăn với doanh nghiệp. Doanh thu năm 2020 chỉ đạt 98% so với năm 2019; Lợi nhuận đạt 337 triệu đồng. Kết quả sản xuất kinh doanh giảm là do hoạt động sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng lớn từ yếu tố khách quan, đặc biệt là sợi giảm dẫn đến cạnh tranh tiêu thụ nội địa gay gắt làm cho giá sợi giảm mạnh. Mặt khác, các hoạt động sản xuất kinh doanh khác như may mặc, dịch vụ bị khách hàng hủy đơn hàng nhiều… Doanh nghiệp đã nỗ lực có các giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh, duy trì công ăn việc làm cho hầu hết người lao động, sau khi tình hình dịch bệnh ổn định hơn kết quả SXKD của Tổng công ty đã nhanh chóng quay lại ổn định và đạt được kết quả nhất định, đặc biệt về năng suất Sợi.

Xác định năm 2021, là năm bản lề cho việc đình hình chiến lược của Tổng công ty trong giai đoạn năm 2021-2025. Ban điều hành Công ty cho biết, sẽ tập trung xoay quanh những vấn đề lớn nhằm xây dựng các giải pháp, gồm Xây dựng giải pháp phát triển thị trường; Hình thành các năng lực sản xuất mới, tiên tiến hiện đại; Xây dựng nền tảng vận hành dựa trên nền tảng công nghệ…

Đại hội đồng cổ đông đã tiến hành bẩu bổ sung thêm 2 thành viên HĐQT là ông Phạm Xuân Trình, Giám đốc điều hành Tập đoàn và ông Nguyễn Ngọc Bình, Phó trưởng ban Sợi, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dệt may Hòa Thọ, nâng tổng số thành viên HĐQT nhiệm kỳ (năm 2018 - 2023) từ 5 lên 7 thành viên./.