Thế giới ngày càng trở nên… VUCA hơn

Nhân loại đang ở một bước ngoặt lớn khi cuộc cách mạng 4.0 mang đến những tiện ích vượt trội mà vài ba thế kỷ trước, con người khó tưởng tượng ra. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những thách thức toàn cầu, như biến đổi khí hậu, siêu virus hay nguy cơ mất an ninh mạng… Thực tế này đòi hỏi mỗi quốc gia, mỗi tổ chức, mỗi con người đều cần phải thay đổi. Không thể làm truyền thống theo các bước từ A-Z như quá khứ, bởi có quá nhiều yếu tố mới, đòi hỏi phải có sự uyển chuyển và tính thích nghi cao hơn.

Tại cuộc tọa đàm của giới khoa học mới đây, chuyên gia UNDP, ông Nguyễn Tuấn Lương đã dẫn lời các nhà nghiên cứu và nhà quản lý, đưa ra nhận định rằng, thế giới ngày càng trở nên… VUCA hơn. Cụm từ VUCA không tồn tại trong ngôn ngữ tiếng Việt, nhưng lại đang trở nên phổ biến như một thuật ngữ để chỉ các khía cạnh khác nhau của môi trường không thể kiểm soát. VUCA được ghép từ chữ đầu tiên của 4 từ là Volatility (Sự biến động), Uncertainty (Sự không chắc chắn), Complexity (Độ phức tạp) và Ambiguity (Sự mơ hồ).

VUCA không tồn tại trong ngôn ngữ tiếng Việt, nhưng ngày càng phổ biến

Chữ V - Volatility - nói về sự biến động. Đó là tốc độ thay đổi trong một ngành, thị trường hoặc thế giới nói chung đang rất nhanh chóng. Nó gắn liền với những biến động về nhu cầu, sự hỗn loạn với thời gian ngày càng ngắn. Thế giới càng biến động, mọi thứ càng thay đổi nhanh chóng.

Chữ tiếp theo U - Uncertainty - hàm ý về sự không chắc chắn. Một phần của sự không chắc chắn được nhận thức và liên quan đến việc mọi người không thể hiểu được điều gì đang xảy ra. Tuy nhiên, sự không chắc chắn cũng là một đặc tính khách quan hơn của môi trường. Môi trường thực sự không chắc chắn là những môi trường rất khó dự đoán.

Chữ C - Complexity - mô tả tính chất phức tạp ngày càng lớn. Càng nhiều yếu tố, sự đa dạng của chúng càng lớn và chúng càng liên kết với nhau, môi trường càng phức tạp. Dưới độ phức tạp cao, không thể phân tích đầy đủ môi trường và đưa ra kết luận hợp lý. Thế giới càng phức tạp thì càng khó phân tích.

Cuối cùng, chữ A - Ambiguity - thể hiện sự mơ hồ. Một tình huống không rõ ràng, ví dụ, khi thông tin không đầy đủ, mâu thuẫn hoặc không chính xác để đưa ra kết luận rõ ràng. Nói một cách tổng quát hơn, nó đề cập đến sự mờ nhạt và mơ hồ trong các ý tưởng và thuật ngữ. Thế giới càng mơ hồ, càng khó giải thích.

Cách đây 20 năm, con người khó có thể tưởng tượng ra những thay đổi đang hiện diện trong đời sống hiện tại. Chẳng hạn, cả thế giới thu gọn trong một chiếc điện thoại, hay việc chế tạo ra thịt trong phòng thí nghiệm mà không cần phải giết hại động vật... Từ góc nhìn quá khứ, chuyên gia UNDP cho rằng, dường như chúng ta đang sống trong khoa học viễn tưởng, nhưng tương lai sẽ còn nhiều thay đổi bất ngờ hơn nữa, khi cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 tạo nên những bước ngoặt chưa từng có trong lịch sử phát triển của loài người.

Đối mặt với những thay đổi khó nắm bắt, vừa là cơ hội, vừa là thách thức, ông Nguyễn Tuấn Lương, chuyên gia UNDP cho biết, nhiều quốc gia đang nhân rộng ngành học về quản trị tiên liệu. Tức là kết hợp giữa dự báo tương lai và hoạch định tương lai, nhằm giúp con người chủ động hơn khi các yếu tố mới liên tục xuất hiện, có thể làm thay đổi hiện trạng cuộc sống. Trong khu vực ASEAN hiện có liên minh tiên liệu, gồm các nhà khoa học trẻ, cùng nghiên cứu và tiên lượng những diễn biến có thể xảy ra…

Việt Nam, chọn con đường tương lai là kinh tế số

Để đi đến tương lai có nhiều cách lựa chọn con đường. Nhiều nước có nền khoa học phát triển thậm chí đang dành nguồn lực đi tìm những không gian sống vượt ngoài Trái đất. Tại Việt Nam, với vị thế là quốc gia có mức thu nhập trung bình, Đảng và Nhà nước ta chọn con đường thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững.

Trong 5 năm tới, mục tiêu phát triển của Việt Nam được thể hiện ở một số chỉ tiêu như GDP tăng trưởng bình quân khoảng 6,5 - 7%/năm, đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD; tỉ lệ đô thị hoá khoảng 45%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP… Đây là lần đầu tiên, “kinh tế số” được định danh trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, với vị thế 20% GDP vào năm 2025.

Để đi đến tương lai, nước ta chọn con đường thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kết nối các chủ thể, phát triển nền kinh tế số

Trước đó, tháng 6/2020, Chính phủ đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thủ tướng cho phép chấp nhận thử nghiệp sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số trong khi quy định pháp lý chưa đầy đủ, rõ ràng. Trong cuộc chia sẻ với các bạn trẻ mang khát vọng khởi nghiệp vào đầu năm 2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thúc đẩy tinh thần tự tin sáng tạo, vì Việt Nam còn rất nhiều mảng, ngành, lĩnh vực cần sự đổi mới.

Phó Thủ tướng cho biết, trong nỗ lực tạo ra nguồn dữ liệu lớn, kết nối sức mạnh cộng đồng, Chính phủ đang và sẽ tạo nên những kết nối lớn, chẳng hạn, kết nối 14.000 cơ sở y tế; 50.000 trường học, 1 triệu giáo viên, 20 triệu học sinh, sinh viên hay kết nối địa chỉ của tất cả các gia đình Việt Nam… Một nỗ lực khác từ Chính phủ là trong tương lai không xa, mỗi người dân Việt Nam sẽ có 1 smartphone (bằng cách đưa giá sản phẩm về rẻ nhất) và đây chính là môi trường thuận lợi để các bạn trẻ triển khai ý tưởng sáng tạo trên nền tảng dữ liệu số. Phó Thủ tướng tin rằng, kinh tế số sẽ tạo xung lực mới cho các chủ thể, kết nối không giới hạn nguồn lực trong nước và quốc tế, cho khát vọng Đất nước vươn lên.

Ươm mầm nguồn nhân lực cho nền kinh tế số

Trong cuộc làm việc đầu tháng 5/2021 với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, nguồn lực con người là quan trọng nhất, mang tính quyết định với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Thủ tướng yêu cầu giáo dục phải “học thật, thi thật, nhân tài thật”, bởi giáo dục và đào tạo là lĩnh vực liên quan tới toàn dân, mọi gia đình và tương lai đất nước.

Phải chống chọi với đại dịch Covid-19 có nguy cơ lan rộng, nhưng tại Việt Nam, trên 1 triệu thí sinh đang rất háo hức bước vào mùa thi đại học. Chọn trường nào, ngành học nào là bài toán không đơn giản với thí sinh cũng như các gia đình. Vì sự trăn trở này, Bộ Giáo dục và Đào tạo mở không gian cho các thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng, có thể đổi ngành học đến 3 lần. Rất nhiều em đăng ký 5-10 nguyện vọng, cá biệt có những em đăng ký 40-50, thậm chí 99 nguyện vọng, thỏa sức chọn lựa cho tương lai học tập của mình.

Nét mới của mùa thi năm nay là sự xuất hiện của ngành “Kinh tế số”. Tháng 3/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 978/QĐ-BGDĐT, cấp phép cho Học viện Chính sách và Phát triển (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) triển khai đào tạo chuyên ngành này. Đây là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên tại Việt Nam được cấp phép đào tạo ngành “Kinh tế số”.

PGS. TS Trần Trọng Nguyên cho biết, chuyên ngành “Kinh tế số” nhằm góp sức chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai 5-10 năm tới

PGS. TS Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, mở ngành “Kinh tế số”, Học viện mong muốn góp sức chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai 5-10 năm tới, nền kinh tế số đạt được các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã định. Đến nay, Nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất, sẵn sàng đón lớp sinh viên đầu tiên theo học chuyên ngành mới mẻ này.

Cũng theo PGS. TS Trần Trọng Nguyên, kinh tế số đã trở thành xu thế tất yếu đối với mọi quốc gia trên thế giới. Kinh tế số tạo ra các loại hình kinh doanh đa dạng và sáng tạo, đồng thời cung cấp các giá trị bổ sung, làm phong phú thêm đời sống của con người. Thế giới đã có nhiều trường đại học đào về kinh tế số và chuyển đổi số cho doanh nghiệp như MIT (Hoa Kỳ), Monash (Australia), King's College London (Vương quốc Anh), Đại học Toulouse 1 (Pháp)... Việc đào tạo cử nhân trong lĩnh vực kinh tế số hay kinh doanh số cũng được nhiều trường thực hiện như Đại học Latrobe, Đại học RMIT (Úc), Đại học NORD (Na Uy), Đại học Brunei, Đại học công nghệ Bangkok (Thái Lan)...

Tại Việt Nam, “Kinh tế số” được Học viện mở khóa đào tạo đầu tiên năm nay, tập trung đào tạo về kinh tế và kinh doanh số, marketing số; truyền thông số; bảo mật dữ liệu; trí tuệ nhân tạo; sử dụng dữ liệu lớn trong phân tích kinh tế và kinh doanh… cho các tân sinh viên. Bên cạnh cơ sở dữ liệu và sự hỗ trợ của các chuyên gia Bộ Kế hoạch và Đầu tư, PGS. TS Trần Trọng Nguyên cho biết, Học viện đã kết nối với Tổng cục Thống kê, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một số tập đoàn kinh tế lớn như Viettel…, nhằm tạo môi trường cho các sinh viên học tập, sáng tạo và có những trải nghiệm tốt nhất về kinh tế số. Học viện cũng sẽ mở rộng hợp tác quốc tế, góp sức cho nỗ lực đào tạo ngành kinh tế số tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng chia sẻ đánh giá rằng, 2 năm, 5 năm, 10 năm tới, thế giới sẽ ra sao, không ai biết chắc được, nhưng có một điều chắc chắn đó là 70% nền kinh tế của tương lai sẽ thuộc về những yếu tố mới. Đây chính là cơ hội cho các bạn trẻ học tập, sáng tạo, linh hoạt bắt kịp xu thế để phát triển và vươn tầm.

Trong một thế giới ngày càng... VUCA hơn, thật khó để chọn ngành học, chọn sự ổn định cho tương lai phía trước. Nhưng nếu hiểu xu hướng và chọn sự nỗ lực học tập, mở rộng kết nối, đó có lẽ là con đường cho các bạn trẻ làm chủ tương lai của chính mình./