4 tháng, đầu tư trở lại nền kinh tế trên 500.000 tỷ đồng

Cụ thể, 72 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đến nay có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 20 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài. Trong khối phi nhân thọ, công ty mới nhất gia nhập thị trường này là Bảo hiểm HD, thành lập năm 2020. Trong khối nhân thọ, công ty mới nhất là Bảo hiểm Shinhan Life Việt Nam, thành lập năm 2021. Khối công ty môi giới bảo hiểm có 1 doanh nghiệp được thành lập mới năm 2021, là Công ty Môi giới bảo hiểm Hưng Nghiệp, trong khi 1 công ty khác đã ngưng hoạt động, đang hoàn tất thủ tục giải thể là Công ty Môi giới bảo hiểm Đại Việt.

Doanh nghiệp lớn nhất thị trường bảo hiểm là Tập đoàn Bảo Việt, đạt lợi nhuận sau thuế 498,9 tỷ đồng vào quý I/2021, tăng 365% so với cùng kỳ

Tổng tài sản của các doanh nghiệp ngành bảo hiểm đến hết tháng 4/2021 ước đạt 608.324 tỷ đồng (tăng 22,72% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 101.471 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 506.853 tỷ đồng.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm 4 tháng đầu năm nay ước đạt 61.208 tỷ đồng (tăng 19,12% so với cùng kỳ năm 2020). Doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 19.241 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 41.967 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết, khối doanh nghiệp trên đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 501.292 tỷ đồng (tăng 22,06% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 52.485 tỷ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 448.807 tỷ đồng.

Doanh thu và khoản đầu tư trở lại nền kinh tế của doanh nghiệp ngành bảo hiểm tăng trên 22% trong 4 tháng đầu năm nay cho thấy, các doanh nghiệp tiếp tục đứng vững trước những khó khăn chung của nền kinh tế, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Trước đó, năm 2020, khối doanh nghiệp này cũng đạt hiệu quả kinh doanh tích cực, với tổng tài sản ước đạt 556.669 tỷ đồng (tăng 20,4% so với năm 2019, trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 100.215 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 456.454 tỷ đồng); tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế năm 2020 ước đạt 457.982 tỷ đồng (tăng 21,1% so với năm 2019).

Được biết, tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2020 ước đạt 182.654 tỷ đồng (tăng 14,1% so với năm trước), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 55.094 tỷ đồng (tăng 3,2% so với năm 2019), các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 127.560 tỷ đồng (tăng 19,6% so với năm 2019). Tổng nguồn vốn chủ sở hữu năm 2020 ước đạt 115.945 tỷ đồng (tăng 21,5% so với năm 2019). Tổng số tiền bồi thường và trả tiền bảo hiểm năm 2020 ước là 45.675 tỷ đồng (tăng 4,1% so với

năm 2019).

Swiss Re dự báo tích cực về thị trường bảo hiểm 2021-2022

Trong bức tranh chung của ngành bảo hiểm toàn cầu, Tập đoàn tái bảo hiểm Thụy Sỹ Swiss Re đánh giá, thị trường bảo hiểm toàn cầu đã chứng tỏ khả năng phục hồi tốt hơn dự kiến. Sự gián đoạn doanh thu phí bảo hiểm do giãn cách hội không ảnh hưởng nhiều, khi người tiêu dùng chuyển sang tiêu dùng trực tuyến. Swiss Re cũng cho rằng, tăng trưởng tốt hơn mong đợi của các dòng sản phẩm bảo hiểm cá nhân, đặc biệt là ở các thị trường phát triển, phản ánh phản ứng nhanh chóng của cả các công ty bảo hiểm môi giới trong việc tận dụng các kênh kỹ thuật số.

Swiss Re dự báo tăng trưởng phí bảo hiểm phi nhân thọ toàn cầu năm 2021-2022 sẽ đạt 3,6%/năm, từ mức 1,3% năm 2020 và tăng trưởng phí bảo hiểm nhân thọ sẽ phục hồi lên 3% sau khi giảm mạnh trong năm nay. Trong lĩnh vực phi nhân thọ, động lực chính sẽ là giá “cứng” trong bảo hiểm thương mại. Trong lĩnh vực nhân thọ, nhận thức về rủi ro tăng lên khi đối diện với dịch bệnh Covid-19 đang và sẽ thúc đẩy nhu cầu về bảo hiểm nhân thọ. Trên toàn cầu, Swiss Re ước tính thiệt hại bảo hiểm phi nhân thọ liên quan đến Covid-19 trong năm 2021 vào khoảng 50-80 tỷ USD, nhưng tác động tiêu cực sẽ được cải thiện dần bởi tần suất khiếu nại thấp hơn trong các nghiệp vụ bảo hiểm ô tô và cá nhân khác./.