Theo dự thảo, Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021 - 2030 sẽ tập trung triển khai thành 2 giai đoạn gồm: giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Chiến lược đặt ra 2 mục tiêu chính. Thứ nhất, đổi mới, đồng bộ hệ thống chính sách thuế để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đảm bảo tính ổn định, bền vững của quy mô nguồn lực; có mức động viên hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, góp phần thiết lập môi trường kinh tế cạnh tranh, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế.

Thứ hai, xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, tập trung, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp theo phương pháp quản lý rủi ro, đồng thời dựa trên nền tảng thuế điện tử và ba trụ cột cơ bản: thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh kinh tế số.

Chiến lực cải cách hệ thống thuế đặt ra mục tiêu đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh kinh tế số

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn chia sẻ, sau 10 năm triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020, ngành Thuế đã xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mức động viên hợp lý nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước và là một trong những công cụ quản lý kinh tế vĩ mô có hiệu lực, hiệu quả của Đảng và Nhà nước.

Trong chiến lược giai đoạn 2021-2030, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, ngành Thuế sẽ tập trung cùng Bộ Tài chính và cả nước tăng cường công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh..., phấn đấu đến năm 2030 môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu (theo báo cáo của Ngân hàng thế giới). Đồng thời, xây dựng nhanh nền hành chính hiện đại, dựa trên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực sáng tạo, phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị, phục vụ người dân, doanh nghiệp; thực hiện phương thức, công cụ quản lý nhà nước chủ yếu bằng điều tiết gián tiếp, tăng cường hậu kiểm; giảm tối đa rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ đối với người dân và doanh nghiệp.

Dù phải đối diện với khó khăn từ đại dịch Covid-19, nhưng công tác thu thuế những tháng đầu năm nay tiến triển khá tích cực. Tổng cục Thuế cho biết, tính đến hết 4 tháng đầu năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) do cơ quan thuế quản lý ước đạt 468.088 tỷ đồng, bằng 41,9% so với dự toán, bằng 105,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Đặc biệt, thu từ cả 3 khu vực kinh tế đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước 4 tháng 2021 đạt 53.191 tỷ đồng, bằng 35,9% dự toán và tăng 3,3% cùng kỳ; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 85.167 tỷ đồng, bằng 42,8% dự toán và tăng 9,3% cùng kỳ; Thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt khoảng 109.541 tỷ đồng, bằng 46,1% dự toán và tăng 37,2% cùng kỳ./.