Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Khu công nghiệp An Đồn (phường An Hải Bắc, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng)

COVID-19 “tấn công” khu công nghiệp

Theo thống kê, cả nước hiện có 369 KCN tập trung, gần 30 khu cửa khẩu, chế xuất, tương đương 3,8 triệu lao động; gần 700 cụm công nghiệp với 600 nghìn lao động, với đặc thù cùng làm việc trong môi trường kín; di chuyển về các khu ký túc xá cùng thời điểm, sinh hoạt trong nhà trọ chật chội, đông đúc; các dịch vụ phục vụ đời sống sinh hoạt công nhân dày đặc, nhiều xe cộ qua lại… Sớm nhận thấy sự nguy hiểm nếu bùng dịch COVDI-19 tại các KCN, KCN, ngay từ rất sớm, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã nhiều lần nhắc nhở và có hướng dẫn về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở các khu vực này.

Tuy nhiên, trên thực tế trong số các ca mắc COVID-19 Việt Nam những ngày qua đã ghi nhận không ít ca mắc có liên quan đến các KCN. Tình hình bệnh dịch COVID-19 tại các KCN và KCX của một số tỉnh đang diễn biến phức tạp.

Cụ thể, ngày 12/5, Đà Nẵng đã phát hiện 31 ca tại Công ty CP Trường Minh chi nhánh Đà Nẵng (Khu công nghiệp An Đồn, quận Sơn Trà). 31 ca dương tính này là F1 được xét nghiệm COVID-19 do làm chung với 1 ca dương tính được phát hiện ngày 11/5 (ca này chưa xác định nguồn lây).

Ngay sau khi phát hiện, ngành y tế Đà Nẵng đã huy động hơn 200 nhân viên của các bệnh viện nhằm đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu xét nghiệm cho 8.000 người ở KCN An Đồn.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Ninh cho biết đến trưa 12/5 đã xuất hiện 6 công nhân dương tính với COVID-19 tại 3 doanh nghiệp. Tại Công ty TNHH Canon Việt Nam (ở Quế Võ), ngay sau khi phát hiện 1 trường hợp dương tính, tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu ngành y tế phối hợp cùng công ty lấy mẫu xét nghiệm nhanh xuyên đêm cho toàn bộ 9.000 công nhân công ty, đến trưa 12/5 đã phát hiện thêm 2 trường hợp dương tính tại công ty này.

Liên quan đến các ca mắc COVID-19 tại Công ty TNHH Canon Việt Nam, đến trưa ngày 13/5, tỉnh đã truy vết, rà soát được 84 F1 và 533 F2. Đã lấy 1.998 mẫu xét nghiệm, có 3 trường hợp dương tính.

Công ty Samsung Electronic Việt Nam đã truy vết, rà soát được 49 F1 và 1.160 F2. Đã lấy 1.160 mẫu xét nghiệm test nhanh cho các trường hợp F1, F2 và công nhân của công ty, các mẫu đều có kết quả âm tính.

Công ty Công nghệ TNHH JOHNSON đã truy vết, rà soát được 27 F1, 578 F2, đã lấy 2.800 mẫu xét nghiệm.

Còn tại Bắc Giang, sau ca mắc tại Công ty TNHH Shin Young Việt Nam, Khu công nghiệp Vân Trung (huyện Việt Yên), các lực lượng đã truy vết nhanh, nhưng đây là ổ dịch rất phức tạp do công nhân tập trung đông (khoảng 90.000 người).

Đến nay đã lấy được gần 24.000 mẫu xét nghiệm, phong tỏa khu có đông công nhân ở trọ (khoảng 15.000 người, lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính của 4.000/8.000 mẫu).

Kích hoạt chống dịch tại các KCN, nhưng không được cực đoan

Thực tế cho thấy, chỉ cần một công nhân nhiễm COVID-19, cả dây chuyền, cả phân xưởng, thậm chí cả KCN, khu chế xuất phải ngừng sản xuất để thực hiện cách ly chống dịch.

Đặc biệt, khi dịch COVID-19 xảy ra tại các KCN, KCX sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như đời sống, việc làm của công nhân.

Tại cuộc họp trực tuyến Thường trực Ban Chỉ đạo và lãnh đạo các tỉnh/thành phố: Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng về công tác phòng, chống dịch bệnh trong các khu công nghiệp, sáng 12/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu: Dịch bệnh xảy ra ở tất cả các nơi đều nguy hiểm, nhưng xung yếu nhất là bệnh viện, sau đó đến các nhà máy, đặc biệt các nhà máy trong khu công nghiệp. Các địa phương nỗ lực không để dịch bệnh lây lan trong khu công nghiệp.

Phó Thủ tướng chỉ rõ: “Phải chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly tập trung; tránh tình trạng, một nhà máy có dịch, dồn tất cả công nhân vào khu cách ly chưa được chuẩn bị kỹ, dẫn đến lây nhiễm chéo. Đồng thời, tránh tình trạng cực đoan, cảm thấy nguy cơ có dịch cho tạm ngừng sản xuất để công nhân trở về địa phương, rất nguy hiểm”.

Qua thực tiễn tại Bắc Ninh và các đợt dịch trước, Phó Thủ tướng yêu cầu tất cả các địa phương chống dịch nhưng không được “ngăn sông, cấm chợ”. Trước mắt, các địa phương đang có dịch, các KCN đang có dịch gửi văn bản các địa phương mà xe đi qua (nói rõ số xe, tuyến đường) để được di chuyển thuận lợi, không được để ách tắc.

Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu giải pháp kiểm soát toàn bộ hành trình của các xe đưa đón công nhân, ô tô ra vào KCN, phục vụ cho công tác truy vết, theo dấu ca bệnh.

“Khi có dịch thì chúng ta chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly tập trung, tránh tình trạng khi một nhà máy có dịch, thì dồn tất cả công nhân vào khu cách ly chưa được chuẩn bị kỹ, dẫn đến lây nhiễm chéo. Đồng thời tránh tình trạng cực đoan là cảm thấy nguy cơ có dịch là doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất, để công nhân về địa phương, rất nguy hiểm", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý.

KCN, KCX cần xây dựng kịch bản cho tình huống nếu có dịch xảy ra

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, các tỉnh, thành phố có KCN, KCX phải xây dựng và phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 tại KCN, KCX trên địa bàn; xây dựng phương án cách ly xử trí khi có trường hợp mắc COVID-19 trong KCN, KCX và tổ chức diễn tập các phương án phòng chống dịch COVID- 19 tại KCN, KCX .

Ông cũng khuyến cáo mỗi KCN, KCX cần xây dựng kịch bản cho tình huống nếu có dịch xảy ra và tùy từng mức độ để kích hoạt các giải pháp phòng dịch tương ứng, từ việc truy vết, khoanh vùng, cách ly, tới đảm bảo phương án cách ly xử trí khi có trường hợp mắc COVID-19 trong KCN, KCX và tổ chức diễn tập các phương án phòng chống COVID-19.

Riêng với các KCN, KCX đã phát hiện có ca bệnh, cần tiếp tục khẩn trương truy vết xác định các trường hợp F1, F2, thông qua quản lý ca làm việc, camera… để thực hiện cách ly, xét nghiệm kịp thời. Toàn bộ người lao động làm cùng phân xưởng có tiếp xúc gần với F0 đều coi là F1.

Bên cạnh đó, quản lý, kiểm soát chặt thông tin người lao động ngoại tỉnh làm việc tại các KCN; tập trung kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp phòng chống như phân luồng cách ly y tế, thiết lập phòng cách ly y tế tạm thời khi có trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác tổ chức phân luồng y tế của các cơ sở khám chữa bệnh phục vụ cho người lao động tại các khu công nghiệp…/.