Thanh niên rời quê làm ăn: Xu hướng phổ biến

Mặc dù chiếm tới hơn 60% tổng số thanh niên cả nước, nhưng hiện nay, hiện trạng làng quê vắng bóng thanh niên đang rất phổ biến.

Nguyên nhân là do tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, cơ cấu nghề nghiệp trong thanh niên nông thôn có nhiều biến đổi, tỷ lệ thanh niên đi làm ăn xa ở các khu đô thị, thành phố tăng lên.

Ðến xã thuần nông Chu Phan (huyện Mê Linh, Hà Nội), chúng tôi được biết, phần lớn đoàn viên, thanh niên thường xuyên vắng mặt ở địa phương. Anh Nguyễn Xuân Trường, Bí thư Ðoàn xã cho biết: Hầu hết số thanh niên sau khi học xong sẽ tìm kiếm công việc ở thành phố, rất ít người trở lại địa phương làm ăn, sinh sống.

Còn ở xã Ðức Lợi - một xã ven biển của huyện Mộ Ðức (Quảng Ngãi) có hơn 1.700 thanh niên, nhưng số người đi làm ăn xa chiếm tới hơn 70%.

Đánh giá về hiện trạng này, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Thanh niên nông thôn (Trung ương Ðoàn) cho biết, tỷ lệ tập hợp thanh niên khu vực nông thôn rất thấp, thường chỉ đạt dưới 50%. Nguyên nhân chính do đời sống, thu nhập khó khăn, họ phải rời quê để bươn trải, kiếm sống. Thời gian đi làm ăn xa thường dao động trong khoảng từ ba đến 12 tháng.

Bên cạnh lý do kinh tế, đồng chí cũng thừa nhận, một bộ phận cán bộ ở địa phương yếu kỹ năng, nghiệp vụ, tính sáng tạo, đã đứng ngoài nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của thanh niên. Từ đó làm giảm khả năng tham gia của thanh niên vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Mô hình tổ hợp tác thanh niên: Giải pháp hiệu quả

Khảo sát địa phương có thể thấy, không phải thanh niên nào cũng muốn “làm ăn xa”, ra bươn trải tại thành phố, mà vì tại nông thôn, thu nhập của họ rất thấp, thiếu việc làm. Theo khảo sát (tháng 8/2012) của Trung ương Ðoàn, tình trạng thiếu việc làm ở thanh niên nông thôn còn cao và cao hơn tỷ lệ chung. Phần lớn thanh niên thiếu kiến thức, kinh nghiệm làm ăn và vốn. Ngay cả khi tiếp cận được vốn, thì việc sản xuất, kinh doanh cũng không dễ thành công. Vì thế, hiện nay, việc ra đời mô hình tổ hợp tác đã và đang đáp ứng nhu cầu lập thân, lập nghiệp của thanh niên nông thôn.

Theo đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, trong những năm qua, khi số lượng hợp tác xã theo mô hình cũ giảm, trong khi số tổ hợp tác ở nhiều lĩnh vực, với nhiều trình độ, cấp độ khác nhau tăng lên và phổ biến ở nhiều địa phương, nhất là các tỉnh Nam Bộ, trong đó điển hình là Ðồng Tháp. Loại hình tổ hợp tác ở nông thôn được giới trẻ rất quan tâm.

Vườn cam trĩu quả của Bí thư Chi Đoàn Lê Văn Tâm – Hà Linh (Hương Khê)

Mô hình tổ hợp tác là mô hình liên kết làm ăn mang tính tự nguyện giữa các cá nhân, xuất phát từ nhu cầu của người tham gia. Trong đó, các cá nhân cùng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Tổ hợp tác được tổ chức và hoạt động theo các nguyên tắc: tự nguyện, bình đẳng, dân chủ và cùng có lợi; biểu quyết theo đa số; tự chủ tài chính, tự trang trải các chi phí hoạt động và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của tổ và các tổ viên.

Tổ hợp tác có đặc điểm là, đối tượng tham gia có trình độ, hoàn cảnh và mục đích làm kinh tế tương đối giống nhau; ngoài khách hàng bên ngoài, tổ hợp tác và tổ viên, đồng thời là khách hàng của nhau; cho nên yêu cầu cao về chất lượng, sản phẩm mang tính cạnh tranh lớn. Khi đó, thanh niên tham gia tổ hợp tác sẽ có công việc, thu nhập ổn định; ít bị cạnh tranh do chi phí đầu vào rẻ; được sử dụng sản phẩm, dịch vụ giá rẻ từ tổ hợp tác; đồng thời phát huy tính năng động, sáng tạo, tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của mỗi tổ viên. Lợi ích căn bản mà mô hình tổ hợp tác mang lại là giải quyết vấn đề thu nhập, việc làm tại chỗ cho thanh niên.

Ðến thời điểm này, cả nước có hơn 12.3000 mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên. Phần lớn trong số đó mang tính tự phát, nhưng hoạt động khá hiệu quả.

Anh Trần Việt Cường, quyền Bí thư Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc cho biết: Thời gian qua, theo dõi sát hoạt động của tổ hợp tác trong thanh niên, chúng tôi nhận thấy đây là mô hình năng động, phù hợp nhất hiện nay trong việc thu hút, tập hợp thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Từ những tổ hợp tác nhỏ lẻ, thanh niên đang dần hình thành cách thức liên kết sản xuất, để tiến tới nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm, dịch vụ; hình thành các tổ chức phường, hội nghề nghiệp quy mô nhằm hỗ trợ nhau trong lao động.

“Ðây là xu thế do thực tiễn đặt ra; do đó, để tập hợp, thu hút thanh niên khu vực nông thôn vào các hoạt động, phong trào của Ðoàn và xây dựng nông thôn mới; cần tập trung thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp, chương trình phát triển sâu rộng mô hình tổ hợp tác tại khu vực nông thôn. Hoạt động này rất phù hợp với chủ trương, nghị quyết của Ðảng, Nhà nước và phong trào "Năm xung kích, Bốn đồng hành" của Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh”, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn nhìn nhận./.