Đa dạng hóa mô hình hợp tác xã

Hưởng ứng 02 phong trào lớn do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động, đó là “05 xung kích phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; “04 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, cuộc vận động “Tuổi trẻ chung tay xây dựng Nông thôn mới”, ban thường vụ đoàn ở các cấp địa phương đã tập trung tuyên truyền giáo dục về ý thức lập thân, lập nghiệp cho thanh niên là công tác thường xuyên, đặc biệt là việc phát huy nguồn lực tại chỗ như tay nghề, vốn đất đai, sở trường của thanh niên để định hướng thành lập các mô hình phát triển kinh tế. Từ đó, nhiều mô hình thành công đã ra đời, tiêu biểu như:

Mô hình Tổ hợp tác đa dịch vụ ở Tân Nghĩa, Cao Lãnh, Đồng Tháp. Vào mỗi mùa vụ làm đất, thu hoạch lúa và xuống giống đồng loạt, người dân Tân Nghĩa thường bị động trong khâu cày, xới đất và gặt lúa... gây không ít khó khăn trong quá trình sản xuất.

Trước thực tế trên, Tổ hợp tác đa dịch vụ ở ấp 3 với 14 thành viên được ra mắt và đi vào hoạt động tháng 10/2008. Ban đầu, nhờ hỗ trợ của Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam xã, Tổ mạnh dạn vay vốn đầu tư vào các trạm bơm điện để phục vụ bơm tưới cho nông dân trên địa bàn.
Từ kết quả đạt được của dịch vụ bơm tưới, cộng thêm sự định hướng của Hội LHTN Việt Nam xã và thống nhất của các thành viên nên Tổ mạnh dạn xin vay vốn đầu tư và thành lập thêm dịch vụ máy gặt đập liên hợp. Dịch vụ này thành lập tháng 2/2009 với 16 thành viên và giải quyết việc làm cho 24 lao động. Tài sản bao gồm: 2 máy gặt đập liên hợp, 2 máy kéo, phà chuyên chở, máy đẩy phà (tổng giá trị 1,5 tỷ đồng). Hàng năm, dịch vụ máy gặt đập liên hợp đảm nhận phục vụ trên 20% diện tích lúa của ấp 3.
Trên đà phát triển, các trong Tổ bàn bạc và quyết định mở thêm dịch vụ cày xới đất. Năm 2012, được sự hỗ trợ của Hội LHTN Việt Nam xã, Tổ xây dựng phương án sản xuất để vay 250 triệu đồng từ nguồn vốn 120 kênh Trung ương đoàn, cộng thêm nguồn vốn đóng góp của tổ viên, Tổ đầu tư mua 1 máy cày trị giá trên 500 triệu đồng. Dịch vụ cày xới đất phục vụ hiệu quả cho người dân địa phương và các xã lân cận.
Nhận thấy nhu cầu sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp tại địa phương khá lớn, Tổ thành lập thêm dịch vụ cơ khí với 3 thành viên và 5 lao động không thường xuyên. Dịch vụ cơ khí chủ yếu phục vụ cho các tổ hợp tác, hợp tác xã các máy bơm tưới, đồng bộ bơm... Từ khi thành lập đến nay, tổ đã sửa chữa hàng trăm máy các loại phục vụ cho Tổ hợp tác và bà con trên địa bàn.
Hàng năm, Tổ thu lợi nhuận trên 400 triệu đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục thanh niên thanh niên lao động theo mùa vụ, thu nhập bình quân từ 2 - 3 triệu đồng/tháng/người. Đến nay, 90% thanh niên trong Tổ sinh hoạt trong tổ chức Đoàn - Hội, nhiều gia đình tổ viên đăng ký thực hiện “Gia đình văn hóa”.

Mô hình CLB thanh niên làm kinh tế giỏi ở Hin Lò, Yên Thắng, Lục Yên, Yên Bái. Năm 2007 anh Dương Văn Thu bắt tay vào trồng rừng với các loại cây được chọn là keo, bồ đề xen với trồng Cam Vinh. Tận dụng nguồn nước sẵn có đào 600m2 ao thả cá… khó khăn trong những ngày đầu lập nghiệp không sao kể hết bởi kinh nghiệm không có, vốn đầu tư ít, sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ…
Trong khi đó trên địa bàn huyện có nhiều thanh niên cũng bắt đầu tập trung phát triển kinh tế bằng việc mua các thiết bị sản xuất nông nghiệp về phục vụ bà con và tham gia phát triển kinh tế. Nắm bắt được tình hình thực tế tại địa phương, năm 2009, anh Thu cùng 6 thanh niên trong thôn thành lập CLB thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế thôn Hin Lò. Mục tiêu của CLB là đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế - xóa đói giảm nghèo cùng vươn lên trong cuộc sống…

Cần nhân rộng mô hình hợp tác xã thanh niên

Mô hình giúp nhau phát triển kinh tế thôn Hin Lò

Ngay khi được thành lập, với cương vị chủ nhiệm CLB, Dương Văn Thu đã mạnh dạn tổ chức cho các thành viên thăm quan, học hỏi các mô hình kinh tế giỏi trong và ngoài huyện. Qua các đợt như vậy CLB đã tiến hành xây dựng quỹ quay vòng vốn cho các thành viên có điều kiện xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế, nhận việc làm cho các thành viên.

Đến nay câu lạc bộ đã có nhiều mô hình hiệu quả như: mô hình nuôi cá rô phi đơn tính, góp vốn mua sắm máy nông cụ như máy cày, máy tuốt lúa, máy hút bùn, máy đóng gạch, máy cưa tay để đi làm thuê, đem lại thu nhập từ 50 đến 70 triệu đồng/ năm.

Sau 5 năm hoạt động, hiện nay CLB thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế thôn Hin Lò đã có 15 thành viên; phát huy được vai trò của người thanh niên trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Mô hình phát triển kinh tế trồng nấm tại Yên Phong, huyện Yên Mô, Ninh Bình. Anh Nguyễn Trung Kiên, chủ Nông Trại nấm Linh Chi Nhật Minh, là một điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi với mô hình trồng nấm cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm.

Từ những ngày mới lập trang trại, anh Kiên cũng gặp không ít khó khăn, thách thức như vốn ít, chưa có kinh nghiệm, được Ban Thường vụ huyện đoàn Yên Mô phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện cử cán bộ kỹ thuật nông nghiệp về tập huấn kiến thức, kỹ thuật trồng nấm. Bằng tinh thần dám nghĩ, dám làm, cộng thêm niềm say mê làm giàu, tính ham học hỏi, sự sáng tạo của tuổi trẻ, đầu năm 2010 anh đầu tư xây dựng trại, lập kệ chữ A trồng thí điểm 5.000 bịch phôi mục nhĩ, sau hơn 3 tháng chăm sóc, 1 bịch phôi cho năng suất từ 280 - 300gr nấm, bán cho thương lái với giá từ 35.000 - 42.000 đồng/kg, với số vốn bỏ ra ban đầu 50 triệu đồng, trừ chi phí nguyên vật liệu và nhân công còn lãi trên 30 triệu đồng.

Sau 4 năm gắn bó với nghề trồng nấm, đến nay, nông trại của anh Kiên có tổng diện tích hơn 3000 m2, hiện tại mỗi năm mô hình nấm của anh Kiên trồng khoảng 4 vạn bịch nấm sò, 7 vạn bịch mục nhĩ, 2 vạn bịch nấm linh chi và cho thu hoạch 3 đợt/năm. Với số lượng 13 vạn bịch nấm các loại, mỗi năm mô hình của anh thu hoạch 3 tấn mục nhĩ khô, 2 - 3 tạ nấm linh chi kho, 8 tấn nấm sò tươi với giá bình quân 55.000 - 130.000đ/kg mục nhĩ, 500.000 - 700.000đ/kg nấm linh chi, 20.000 - 30.000đ/kg với nấm sò tươi, mỗi năm bình quân thu nhập gần 1 tỷ đồng.

Cần đẩy mạnh hơn nữa

Có thể thấy, những phong trào sáng kiến phát huy của đoàn viên, thanh niên trong xây dựng nông thôn mới nói chung và phát triển mô hình hợp tác xã nói riêng do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động đã được nhiều địa phương hưởng ứng. Để phát huy hơn nữa phong trào xây dựng các mô hình kinh tế này, cần thực hiện một số giải pháp có hiệu quả.

Trước hết, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của thanh niên về mô hình kinh tế hợp tác xã. Bên cạnh đó, tổ chức các hội thảo, tọa đàm… trao đổi kinh nghiệm xây dựng kinh tế hợp tác xã ở các cấp, ngành, địa phương. Đưa nội dung phát triển kinh tế tập thể vào các buổi sinh hoạt đoàn, sinh hoạt tập thể.

Phối hợp lựa chọn mô hình hợp tác xã điển hình ở các địa phương nhằm tôn vinh, biểu dương gương thanh niên làm mô hình kinh tế giỏi để nhân rộng mô hình.

Xây dựng các tài liệu cần thiết, như sổ tay, tài liệu giới thiệu mô hình, hướng dẫn quy trình thành lập và tổ chức hoạt động của các mô hình hợp tác xã cho các cán bộ đoàn viên, thanh niên, giúp đoàn viên, thanh niên tham gia có hiệu quả vào công cuộc xây dựng nông thôn mới./.