Lực lượng xung kích

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013-2015. Theo đó, đến năm 2015, tất cả cơ sở Đoàn có hoạt động hoặc công trình, phần việc xây dựng nông thôn mới hằng năm.

Mục tiêu đến năm 2020 của Đề án là không có hộ đói do thanh niên làm chủ, giúp 20.000 hộ thanh niên thoát nghèo bền vững... Đặc biệt, Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020 xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả 5.000 tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên, 5.000 tổ tiết kiệm tại các xã.

Tính đến tháng 9/2014, cả nước có hơn 7,03 triệu đoàn viên, hơn 8,3 triệu hội viên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, hơn 2 triệu hội viên Hội Sinh viên Việt Nam, gần 10.000 hội viên Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Với phương châm “đâu cần Thanh niên có, đâu khó có Thanh niên”, có thể nói, đây là một lực lượng xung kích trong các phong trào xây dựng nông thôn mới, trong đó nòng cốt là xây dựng các mô hình hợp tác xã hiệu quả.

Trước thực tế này, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã xác định, xây mô hình hợp tác xã vừa là trách nhiệm của thanh niên đối với phong trào xây dựng nông thôn mới, đồng thời là nhiệm vụ quan trọng trong công tác đoàn hiện nay.

Việc xây dựng các mô hình hợp tác xã sẽ thu hút được đông đảo lực lượng thanh niên tại các địa phương tham gia, qua đó giúp tạo việc làm, phát triển kinh tế cho thanh niên tại các địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho thanh niên có thể khẳng định được bản thân với gia đình và xã hội.

Lễ ra mắt mô hình tổ hợp tác thanh niên chăn nuôi liên kết ở xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh

Vai trò của các tổ chức Đoàn

Để thực hiện nhiệm vụ này, Trung ương Đoàn đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, trong đó phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, cuộc vận động “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” (một trong năm chặng của “Năm thanh niên tình nguyện” - 2014”).

Với phương châm hành động là “mỗi thanh niên một việc tốt, mỗi cơ sở đoàn một hoạt động thiết thực tham gia xây dựng nông thôn mới”… phong trào đã thu hút được sự tham gia đông đảo các cơ sở đoàn trong cả nước.

Theo đó, các cấp bộ Đoàn đã tiến hành khảo sát về đặc điểm sản xuất của địa phương, số thanh niên chưa có việc làm, nhu cầu việc làm, khả năng và trình độ của thanh niên. Sau đó, tiến hành phân tích và phân nhóm thanh niên chưa có việc làm theo nhu cầu lao động để có giải pháp hỗ trợ thích hợp. Căn cứ vào nhu cầu việc làm của thanh niên, các cấp bộ Đoàn tiến hành vận động, tư vấn, định hướng cho thanh niên tham gia các hợp tác xã thanh niên tại địa phương…

Ngoài ra, các đơn vị đoàn tiến hành tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tham gia xây dựng hạ tầng, cảnh quan nông thôn, bảo vệ môi trường nông thôn, tổ chức các hoạt động văn hóa lành mạnh cho thanh niên nông thôn.

Để phát huy hơn nữa vai trò của thanh niên

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thực hiện các chương trình hành động của đoàn thanh niên còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là tại các địa phương, như: chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức trong tham gia xây dựng và phát triển mô hình hợp tác xã, một phần do họ chưa hiểu rõ về bản chất của hợp tác xã do mô hình hợp tác xã thường chưa được đưa vào giảng dạy trong các trường học.

Công tác tuyên truyền mới đi vào chiều rộng, thiếu chiều sâu. Vì thế, để phát huy hơn nữa vai trò của thanh niên trong phong trào xây dựng mô hình hợp tác xã, góp phần xây dựng nông thôn mới, trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của thanh niên về kinh tế hợp tác xã. Theo đó, cần tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác xã, nhất là Chỉ thị số 20 CT/TƯ, ngày 02/02/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (Khóa IX) về tiếp tục đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; tiếp tục tuyên truyền Luật Thanh niên; Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể của Chính phủ.

Bên cạnh đó, cần phối hợp đào tạo, tập huấn và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đoàn về kinh tế hợp tác xã. Tăng cường tư vấn pháp lý cho thanh niên về nội dung liên quan đến phát triển loại hình hợp tác thanh niên, kiến thức về khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp.

Xây dựng các tài liệu cần thiết như cẩm nang, sổ tay, tài liệu giới thiệu mô hình, hướng dẫn quy trình thành lập và tổ chức hoạt động của các mô hình hợp tác, tổ hợp tác và hợp tác xã cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên, trọng tâm là cung cấp tài liệu cho địa bàn nông thôn, giúp tổ chức cơ sở đoàn và đoàn viên, thanh niên tham gia có hiệu quả vào công cuộc xây dựng nông thôn mới./.