60 điển hình được vinh danh trong năm 2014

Trong thời gian qua, các cấp bộ Đoàn tiếp tục khai thác các nguồn vốn vay hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế. Đến nay, tổng nguồn Quỹ quốc gia về việc làm kênh Trung ương Đoàn là hơn 69 tỷ đồng, đang triển khai thực hiện tại 61 tỉnh, thành Đoàn với 1.049 dự án, tăng hơn 2,7 tỷ đồng so với năm 2012. Nguồn vốn đang được sử dụng theo hướng tập trung hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả do đoàn viên, thanh niên làm chủ, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Nỗ lực của các cấp bộ Đoàn trong việc khuyến khích động viên thanh niên tham gia phát triển kinh tế tập thể đã đạt hiệu quả đáng kể. Trong năm qua, rất nhiều mô hình kinh tế, tổ hợp tác thanh niên ra đời và hoạt động có hiệu quả. Năm 2013, Trung ương Đoàn đã tiến hành xét và trao giải thưởng Lương Đình Của cho 300 thanh niên nông thôn trong cả nước có thành tích đặc biệt xuất sắc trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. Trong đó có 16 thanh niên hiện là chủ các cơ sở sản xuất, 07 thanh niên là chủ các công ty, 08 thanh niên là chủ nhiệm hợp tác xã và 246 thanh niên trực tiếp phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi tại địa phương.

Năm 2014, tại Lễ tuyên dương mô hình câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên tiêu biểu toàn quốc năm 2014 tổ chức ngày 9/5/2014, có 60 mô hình đã được tuyên dương. Trong đó, có nhiều mô hình tiêu biểu như: mô hình hợp tác xã Thanh niên Dịch vụ môi trường và Xây dựng (xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng) ứng dụng khoa học kỹ thuật với quy trình xử lý rác thải bằng lên men: phân loại rác ngay từ các hộ dân đạt doanh thu hàng năm từ 1,1 tỷ đến 1,25 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 17 lao động là thanh niên nông thôn.

Hay như Tổ hợp tác khai thác hải sản Tân Tiến (xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) ra đời nhằm hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất trên biển. Các thành viên trong tổ hợp tác hỗ trợ nhau vận chuyển sản phẩm vào bờ, vận chuyển nhiên liệu và nhu yếu phẩm từ bờ ra biển, sản xuất trên biển, cung cấp, trao đổi thông tin về ngư trường... Hiện, tổ có 11 tàu công suất lớn, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 77 đoàn viên thanh niên trong xã với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/ người/ tháng.

Tổ hợp tác đóng ghe xuồng truyền thống (ấp Tây Thượng, xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), mỗi năm đưa ra thị trường trên 1.000 chiếc xuồng, ghe các loại giải quyết cho trên 1.000 lao động là thanh niên với thu nhập từ 4 -6 triệu đồng/ người/ tháng.

Cần nhiều nỗ lực hơn nữa

Có thể nói, việc tuyên dương mô hình câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên tiêu biểu toàn quốc trong thời gian qua có ý nghĩa khích lệ, phát huy vai trò của thanh niên Việt Nam đoàn kết, sáng tạo, xung kích phát triển kinh tế tập thể, nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương, tham gia phát triển kinh tế - xã hội; tạo sự quan tâm ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, hỗ trợ nguồn lực phát triển mô hình câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên.

Tuy nhiên, cần lưu ý, khi xây dựng các mô hình này, các cấp bộ đoàn cần chú ý đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, trang thiết bị, công nghệ, thị trường tiêu thụ, kinh nghiệm sản xuất; tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, phong trào thanh niên nông thôn thi đua phát triển kinh tế đòi hỏi cả quá trình thực hiện và sự phối hợp vào cuộc tích cực của cấp uỷ, chính quyền địa phương và các ngành liên quan.

Đồng thời, các cấp bộ đoàn tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục tư tưởng, định hướng nghề nghiệp, việc làm, tăng cường công tác phát triển đoàn viên mới, chú trọng tập hợp thanh niên nông thôn gắn với lao động sản xuất ở từng địa phương./.