"Doanh nghiệp hướng tới các Hiệp định Thương mại mới" là chủ đề của VBF 2014 diễn ra sáng 2/12.

Mở đầu phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, những nỗ lực cố gắng của Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp đã khiến cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam có những bước cải thiện đáng kể.

Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam - bà Victoria Kwa Kwa cũng đánh giá cao những cố gắng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua và biểu hiện cụ thể cho việc này là xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam đã được tăng trên trường quốc tế.

Bà Victoria Kwa Kwa phát biểu: "Chủ đề của diễn đàn năng nay là các doanh nghiệp hướng đến các Hiệp định tự do nên câu hỏi là Việt Nam sẽ nắm bắt cơ hội từ các cơ hội hội nhập này như thế nào để làm bàn đạp cho bước phát triển trong thời gian tới”.

Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ chủ động tích cực hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế. Thủ tướng cho biết, đầu năm 2015 sẽ ký FTA với EU, đồng thời cũng sẽ ký kết FTA giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan. Việt Nam cũng đang tích cực cùng với 11 nước khác để kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thủ tướng chia sẻ, trong cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Obama vừa qua tại Myanmar, Hoa Kỳ thỏa thuận sẽ dành những linh hoạt cho phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam tham gia hiệu quả vào TPP. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới để phát triển nhanh và bền vững hơn.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ luôn ghi nhận những ý kiến xây dựng tại VBF để hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi luật pháp, cơ chế, chính sách hiện tại cho sát thực tế, phù hợp hơn với tinh thần tạo mọi thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp phát triển, đồng thời cũng là để tạo sự phát triển bền vững cho nền kinh tế.

Thủ tướng chỉa sẻ, bên cạnh những thuận lợi thì Việt Nam cũng đang phải đối mặt và vượt qua rất nhiều khó khăn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng chủ quyền Việt Nam trong năm nay, đã đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Song bằng sự nỗ lực của Việt Nam và sự ủng hộ giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, mà Việt Nam đã vươn lên đạt được những thành tựu nhất định trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, xã hội.

Mặc dù vậy, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận, những kết quả dạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và đáp ứng yêu cầu mong muốn. Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn hạn chế và cần làm nhiều hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững.

Nói về những giải pháp cho năm 2015, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục đảm bảo thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn, vững chắc hơn. Theo đó, tỷ giá, lãi suất sẽ được kiểm soát ổn định. Lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức 5% (năm 2014 dự kiến sẽ dưới 3%) để tạo thuận lợi cho kinh tế phát triển. Bội chi năm 2015 sẽ ở mức 5%, so với mức 5,3% của năm 2014. Nợ công sẽ được xử lý hiệu quả và không vượt trần cho phép, đảm bảo trả nợ đúng hạn, đúng kế hoạch. Tăng trưởng GDP năm 2014 dự kiến sẽ trên 5,9% và năm 2015 sẽ đạt khoảng 6,2%. Thủ tướng khẳng định, đây là những chỉ số mà Chính phủ cho rằng hoàn toàn khả thi. Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ đã đưa ra kế hoạch cho 5 năm 2016-2020 sẽ tăng trưởng ở mức 6-6,5%/năm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tập trung sức chỉ đạo quản lý để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, trong đó tập trung cải cách thể chế luật pháp, phát triển mạnh các loại thị trường, như: thị trường vốn, tiền tệ, lao động, bất động sản... để tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, từ đó nâng cao năng suất lao động, cải cách để có môi trường cạnh tranh. Thực hiện minh bạch theo kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền.

Năm 2015, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục tập trung thực hiện 3 khâu đột phá trong tái cơ cấu kinh tế để có kết quả cao hơn. Đẩy mạnh huy động nguồn lực vào đầu tư hạ tầng theo hình thức PPP. Huy động các nguồn lực xã hội để đào tào nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để đáp ứng công nghiệp hóa, nâng cao năng lực canh tranh. Cải cách đầu tư công để tập trung đầu tư có hiệu quả vào hạ tầng. Bên cạnh đó là khuyến khích cả doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao.

Tiếp tục cải cách hệ thông tài chính ngân hàng, bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động quản trị hiệu quả, kinh doanh hiệu quả và giảm nhanh nợ xấu xuống 3% vào năm 2015. Thủ tướng cho biết đây là điều hoàn toàn khả thi, tức nợ xấu trở sẽ trở về mức bình thường, gắn với đó là bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng.

Thủ tướng cũng cho biết sẽ đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, không chỉ thực hiện cổ phần hóa đạt số lượng để ra mà sẽ giảm mạnh tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ. Mục đích nhằm nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp, đặt các doanh nghiệp nhà nước bình đẳng với các doanh nghiệp khác.

Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng cũng sẽ được đẩy mạnh trong năm 2015. Theo đó, Chính phủ sẽ hoàn thiện kinh tế thị trường, thực hiện công khai minh bạch trong quản lý tài sản, tài chính ngân sách. Chỉ có như vậy mới đảm bảo thực hiện hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng. Cùng với đó là tập trung cải cách thủ tục hành chính liên quan đến quyền lợi người dân và doanh nghiệp, thực hiện công khai, minh bạch. Các hành vi tham nhũng bị phát hiện cũng sẽ xử lý nghiêm.

Bảo đảm công bằng xã hội, thực hiện tốt an sinh xã hội, đời sống người dân phải tiếp tục được cải thiện cũng sẽ được Chính phủ đẩy mạnh thực hiện trong năm 2015. Thủ tướng cho biết, tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 sẽ phấn đấu tiếp tục giảm khoảng 2%, các huyện nghèo giảm 4%.

Trong cuối bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định một lần nữa mong tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp để tạo dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn tại Việt Nam.