Hội thảo tham vấn đề cương báo cáo quốc gia thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ 2015 (MDG) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức vừa được diễn ra tại Hà Nội. Đề cương đã đưa ra toàn cảnh thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ trong giai đoạn “nước rút” hiện nay.

Đạt thành tựu trong xóa đói giảm nghèo

Vào năm 2000, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã nhất trí với bản Tuyên ngôn Thiên niên kỷ, trong đó có cam kết 8 mục tiêu thiên niên kỷ phấn đấu đạt được vào năm 2015. 8 mục tiêu gồm: Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cược và thiếu đói; Phổ cập giáo dục tiểu học; Tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ; Giảm tử vong trẻ em; Tăng cường sức khỏe bà mẹ; Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các dịch bệnh nguy hiểm khác; Đảm bảo bền vững về môi trường; Thiết lập quan hệ toàn cầu vì sự phát triển.

Bản Đề cương báo cáo quốc gia thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ 2015 nêu rõ, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và đã sớm hoàn thành một số mục tiêu cơ bản, như: phổ cập giáo dục tiểu học, tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi bậc giáo dục tiểu học đạt 97,7% và tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi bậc trung học cơ sở đạt 87,2% vào năm 2012. Tình hình y tế và sức khỏe nói chung đã đạt được nhiều thành tựu với tuổi thọ được nâng lên mức là 73, tỷ suất tử vong ở trẻ sơ sinh đã giảm xuống còn 23/1000 ca sinh năm 2012 (giảm hơn 2/3 so với năm 1990).

Đặc biệt, mục tiêu xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói đã được Việt Nam nỗ lực và hoàn thành trước thời hạn. Tỷ lệ người nghèo đã giảm nhanh chóng từ mức 58,1% năm 1993 xuống còn 28,9% năm 2002 và tiếp tục giảm xuống còn 14% năm 2010, còn 12% năm 2012.

Ông Trần Quốc Phương – Phó Vụ trưởng Vụ Lao động, Văn hóa, Xã hội (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – Cơ quan chủ trì việc xây dựng báo cáo quốc gia thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ 2015 khẳng định: “Có nhiều nhân tố góp phần vào sự thành công trong việc giảm nghèo và nâng cao phúc lợi cho người dân, trong đó hai nguyên nhân chính là tăng trưởng kinh tế và các chính sách giảm nghèo và hỗ trợ các nhóm yếu thế của Chính phủ”.

Tăng trưởng kinh tế hàng năm liên tục duy trì ở mức cao (đạt trung bình gần 7%) trong giai đoạn 1990-2011 là điều kiện tiên quyết để giảm nghèo bền vững. Nhưng, nếu tăng trưởng kinh tế chỉ làm tăng thu nhập của nhóm người giàu, thì tác động giảm nghèo của tăng trưởng là không có, nên Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, các nhóm yếu thế nhằm nâng cao cơ hội tiếp cận và hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế.

Lo ngại về môi trường, khó khăn trong kiểm soát HIV/AIDS

Mặc dù đã hoàn thành mục tiêu về giảm nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, nhưng trong Bản đề cương cũng cho thấy hiện Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc giữ các thành tựu cũng như hoàn thành các mục tiêu còn lại, nhất là mục tiêu về môi trường, kiểm soát HIV/AIDS.

Hiện nay diễn biến dịch bệnh HIV/AIDS ở Việt Nam khá phức tạp, ở tất cả các vùng, trong mọi tầng lớp dân cư. Việc kiểm soát HIV/AIDS còn khó khăn hơn ở khu vực vùng sâu, vùng xa và khu vực miền núi. Tỷ lệ lây truyền qua đường tình dục tăng cao, trong khi số cơ sở điều trị đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế còn thấp (dưới 50%).

Bên cạnh đó, các vấn đề về môi trường, như: cháy rừng, khai thác bừa bãi, xâm hại môi trường, tài nguyên ngày càng cạn kiệt... đang có xu hướng tăng, khiến cho các chất lượng môi trường tiềm ẩn nguy cơ giảm sút, tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra trên diện rộng, mức độ ô nhiễm nặng. Điều này làm cho các chỉ tiêu của Việt Nam về môi trường cách mục tiêu thiên niên kỷ đặt ra đến năm 2015 khá xa.

Không những vậy, hiện nay tốc độ giảm nghèo có phần chững lại, ngân sách nhà nước cũng gặp khó khăn trong việc duy trì các chương trình hỗ trợ giảm nghèo. Mặt khác, bất bình đẳng về mức sống có xu hướng gia tăng do người nghèo được hưởng lợi ngày càng ít hơn từ tăng trưởng kinh tế. Các vấn đề về chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng dịch vụ y tế đang đặt ra thách thức lớn đối với Việt Nam.

“Một trong những khó khăn là sự suy giảm kinh tế trong và ngoài nước. Nợ xấu, bong bóng bất động sản và lạm phát tăng cao trong những năm 2009-2012 đã tác động lớn đến nền kinh tế và làm chậm quá trình thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ ở Việt Nam” - ông Phương phân tích.

Trong giai đoạn 2009-2014, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Việt Nam đã giảm xuống chỉ còn gần 5% so với mức tăng trưởng 7% của hai thập kỷ trước đó. Suy giảm kinh tế và những bất ổn vĩ mô không chỉ khiến cho doanh thu, lợi nhuận và quy mô doanh nghiệp giảm mạnh, mà còn giảm các cơ hội việc làm bền vững và thu nhập của người lao động.

Chính vì vậy, Báo cáo quốc gia thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ 2015 bên cạnh việc tổng kết những kết quả mà Việt Nam đã đạt được, các bài học rút ra từ quá trình thực hiện thì cũng cần phải nhấn mạnh đến những thách thức và tồn tại mà Việt Nam đang đối mặt để có thể tiếp tục duy trì và thực hiện một cách bền vững các mục tiêu thiên niên kỷ sau năm 2015./.

Đến nay, Việt Nam đã thực hiện bốn báo cáo quốc gia MDG vào các năm 2005, 2008, 2010 và 2013, cung cấp các thông tin và số liệu về các thành tựu, tồn tại, bài học kinh nghiệm và thách thức đối với việc đạt được MDG vào năm 2015.